Nhằm giữ gìn trật tự của hậu cung và quyền uy của đấng thiên tử, trong hoàng cung Trung Quốc xưa kia xuất hiện những người chuyên quản chuyện phòng the. Nắm trong tay quyền lực, không ít người trong bọn họ ngang nhiên thao túng triều dã và gây nên những thảm kịch đau lòng.
Thái giám
Thái giám là người quan trọng số một trong việc quản lý chuyện phòng the trong cung, bởi họ trực tiếp sắp xếp, lo lắng cho đời sống tình dục của hoàng đế.
Theo lẽ thường, việc hoàng đế“lâm hạnh” với phi tần, mỹ nữ xuất phát từ chính sở thích của ông hoàng. Nhưng các công đoạn cụ thể như: sắp xếp danh bài (ý chỉ một tấm thẻ có ghi tên tuổi của phi tần, mỹ nữ), công tác chuẩn bị, đưa đón phi tử, nắm rõ thời gian lẫn ghi chép kỹ càng lịch ân ái của hoàng đế....đều do thái giám đảm nhiệm.
Thật xui xẻo cho phi tần nào dám đắc tội với những thái giám của Kính sự phòng. Đám hoạn quan ấy nắm trong tay thứ quyền lực vô hình mà bất kỳ mỹ nhân nào trong cung cũng phải kiêng nể. Vì vậy, đám cung tần mỹ nữ luôn tỏ ra cung phụng thái giám, thậm chí hối lộ bọn họ để có được một đêm giao hoan giường chiếu với đấng vương quân.
Nữ quan
Ngang hàng với hoạn quan trong cung là các nữ quan. Thanh thế tuy của họ tuy không bằng thái giám, nhưng trên thực tế, nhờ phối hợp với nữ quan, hoạn quan mới phát huy được hết tầm ảnh hưởng của mình trong cung. Rất nhiều chuyện nhiễu nhương cũng xuất phát từ sự cấu kết của bọn họ.
Thời nhà Minh, sau khi công chúa hạ giá (ý chỉ việc xuất giá của con gái nhà vua), sẽ chuyển tới sống tại Thập Vương phủ. Lúc này, hoàng đế sẽ sai một nữ quan già được gọi là “quản gia bà” đi theo hầu hạ công chúa. Quyền hạn của người này không hề nhỏ.
Nếu phò mã muốn vào cung gặp công chúa thì phải qua được cửa ải khó khăn nhất chính là “quản gia bà”. Cách duy nhất là hối lộ tiền bạc cho bà ta để đổi lấy những phút vui vẻ vợ chồng.
Nguyên tắc cứng nhắc ấy đã làm nảy sinh nhiều chuyện bất hạnh. Điển hình là vụ việc đau lòng xảy đến với người chồng của em gái Minh Thần tông. Vì hối lộ không đủ cho nữ quan, phò mã không gặp được công chúa và cuối cùng, qua đời vì chứng suy nhược thần kinh, khiến công chúa cành vàng lá ngọc phải ngậm ngùi sống kiếp quả phụ.
Lại có lần, nàng công chúa mà Thần tông cưng chiều nhất triệu phò mã vào cung, nhưng lúc đó vị nữ quan đang say sưa ẩm tửu với một hoạn quan mà mình có tình ý, nên không để ý. Nhờ đó, phò mã qua cửa trót lọt. Biết chuyện, vị nữ quan vô cùng tức giận, bèn lấy cớ say xỉn để đuổi phò mã ra khỏi cung và trách mắng công chúa.
Máu nóng bốc lên, công chúa định bụng hôm sau sẽ thưa chuyện với mẫu hậu. Nhưng thật chẳng ngờ, nàng ta đã chậm một bước so với nữ quan kia. Bà ta nhanh chân cáo tội với hoàng hậu, khiến công chúa bị trách mắng thậm tệ.
Sau khi bị đuổi ra khỏi cung, vị phò mã muốn vào triều để làm rõ trắng đen nhưng bị tên hoạn quan vừa vui vẻ với “quản gia bà” và tay chân của hắn chờ sẵn ngoài cửa đánh đập tàn nhẫn.
Trớ trêu thay, khi sự việc vỡ lở, phò mã còn bị mang tiếng vô lễ và không được vào cung suốt ba tháng trời. Vị nữ quan thì bị thuyên chuyển làm nhiệm vụ khác, riêng gã hoạn quan gây chuyện lại chẳng hề hấn gì.
Đó chỉ là một trong vô vàn những câu chuyện lùm xùm đã xảy ra trong hậu cung xưa, nhưng đủ thấy, hoạn quan và nữ quan có thể gây ra những chuyện động trời, bất chấp luân thường đạo lý.
Vú nuôi
Vào thời nhà Minh có hẳn một nơi chuyên tuyển dụng các vú nuôi cho cung đình, được gọi là Lễ nghi phòng, hay theo cách gọi dân giã là “Nãi tử phủ”, do Đề đốc tư lễ giám thái giám quản lý.
Vú nuôi thời xưa thường được tuyển chọn từ những người phụ nữ có chồng ở hai huyện Uyển Bình, Đại Hưng gần Bắc Kinh, có tuổi đời trên 15 và dưới 20, ngoại hình đoan chính, mới sinh con thứ ba tầm 3 tháng.
Đương nhiên, vú nuôi có tác dụng nhất định với những việc trong cung, vì vậy, họ có quyền thế và tầm ảnh hưởng nhất định. Một khi có phúc phận làm vú nuôi của các hoàng tử hoàng tôn đăng cơ kế vị, chỗ đứng của những người phụ nữ này trong cung càng được củng cố. Hoàng tử, hoàng tôn được nuôi dưỡng từ chính dòng sữa và bàn tay chăm bẵm của các bà vú sẽ khắc cốt ghi tâm công lao của họ, thậm chí sắc phong cho họ.
An Đế thời Đông Hán đã phong vú nuôi Vương Thánh thành “Dã Vương Quân”, Thuận Đế phong vú nuôi Tống Thị thành “Sơn Dương Quân”, Linh Đế phong vú nuôi Triệu Nhiêu thành “Bình Thị Quân”, Đường Trung Tông phong vú nuôi Can Thị thành “Bình Ân Quân phu nhân”, phong cho Cao Thị thành “Tu Quốc phu nhân”…
Các hoàng đế đối đãi rất tốt với vú nuôi của mình, xuất phát từ tình cảm chân thật dành cho những nhũ mẫu đã chăm bẵm mình bằng chính nguồn sữa của họ. Tình yêu thương, hiếu thuận ấy còn phù hợp với quy phạm của lễ giáo phong kiến xưa kia.
Dù còn rất trẻ, từ 15 – 20 tuổi, nhưng các vú nuôi đều đã có kinh nghiệm phòng the. Sau khi vào cung, họ phải sống cuộc đời cô quạnh, tuyệt giao sắc dục.
Cũng có những vú nuôi vì có công chăm bẵm các hoàng tử, hoàng tôn đăng cơ kế vị mà quyền nghiêng thiên hạ và có tầm ảnh hưởng rất lớn với hoàng đế. Vì vậy, trong lịch sử phong kiến Trung Quốc, chuyện vú nuôi tư thông với quan lại, thậm chí kết bè kết đảng làm loạn triều dã không phải là hiếm.
Thậm chí, có nhũ mẫu còn cả gan tư tình với bậc thiên tử, điển hình là mối tình giữa Minh Hy tông Thiên Khải và vú nuôi Khách thị từng gây chấn động triều chính một thời.
Bà đỡ
Bà đỡ là người đỡ đẻ, thường được gọi là “lão nương”. Theo “Trường An khách họa” quyển hai, những bà đỡ trong cung được tuyển chọn kỹ lưỡng từ người chuyên đỡ đẻ trong dân gian.
Ngoài nhiệm vụ đỡ đẻ và tuyển vú em, bà đỡ còn có vai trò rất quan trọng trong các cuộc tuyển chọn mỹ nữ cho cung đình. Ngoài tuyển chọn sắc đẹp, họ còn được giao trọng trách kiểm tra các bộ phận trên cơ thể của ứng viên, như da dẻ, bộ ngực, âm đạo....Đặc biệt, vào thời nhà Minh, khi quan niệm về trinh tiết rất được coi trọng, bà đỡ còn có nhiệm vụ kiểm tra trinh tiết của các cô gái được tuyển vào cung.
Bà đỡ xưa kia còn có ảnh hưởng nhất định với triều chính và hậu cung. Nhưng vai trò rõ nét nhất của họ là đỡ đẻ và tuyển chọn mỹ nữ, vì vậy thời cơ đến với họ trong đời khá ngắn ngủi.
Theo sử sách Trung Quốc, không chỉ trong cung cần bà đỡ mà các nha phủ cũng cần tới họ trong việc kiểm tra thi thể của nữ giới để phục vụ cho việc phá án. Đối với trường hợp nạn nhân bị cưỡng hiếp, bà đỡ sẽ trực tiếp kiểm tra và trình kết quả khám nghiệm lên quan.
Nữ ngự y
Vào thời nhà Minh, vì ảnh hưởng của quan niệm trinh tiết, phụ nữ khi mắc bệnh thường không muốn mời nam ngự y tới thăm khám. Trường hợp bất đắc dĩ cũng chỉ khám bệnh qua tấm mành. Xuất phát từ thực tế ấy, các nữ ngự y đã xuất hiện.
Việc chữa bệnh vốn dĩ là công việc bình thường, nhưng một số người hành nghề y trong dân gian xưa thường gây chuyện thị phi, bán thuốc giả, bán các loại xuân dược, phá thai, thậm chí dọa dẫm tiết lộ bí mật để bắt chẹt người bệnh…
Những nữ ngự y được tuyển vào cung thì khác. Họ thường có tố chất tương đối tốt, làm việc nghiêm túc, cẩn trọng. Cũng có người dựa vào y thuật để giúp đám phi tần, cung nữ kìm hãm hoặc kích thích ham muốn tình dục, thậm chí giúp họ phá thai, nhưng trong lịch sử phong kiến Trung Quốc chưa từng phát hiện trường hợp nào can dự, làm loạn triều chính.