Hỏi: Em tôi 40 tuổi, có hai con, nhưng nhiều nam tính (giọng nói, dáng đi, cách ăn mặc, hành xử). Xin bác sĩ giải thích?
Hồ A.T. (TP. Hải Phòng)
Thỉnh thoảng chúng ta gặp những người phụ nữ ăn to nói lớn, mạnh mẽ, góc cạnh và những chàng trai yểu điệu, da trắng môi đỏ, ăn mặc chải chuốt. Hiện tượng này được lý giải do di truyền, nội tiết, nghề nghiệp, môi trường làm việc, ảnh hưởng của cách giáo dục...
Chắc bạn cũng biết: giới tính của mỗi người được quyết định từ khoảnh khắc thụ tinh giữa tinh trùng của người cha và trứng của người mẹ. Hệ sinh dục được hình thành, phát triển từ trong bào thai và không thay đổi sau khi sinh.
Khi trưởng thành, có người đã phẫu thuật chuyển đổi giới (gen der) khá thành công, nhưng không thể chuyển đổi giới tính (sexual). Có nghĩa là qua nhiều lần phẫu thuật và dùng hormone, người chuyển giới có được hình ảnh bên ngoài và mối quan hệ xã hội giống như phái tính mà họ mong muốn, nhưng về mặt sinh học, cá thể đực vẫn có cặp nhiễm sắc thể XY và cá thể cái có cặp nhiễm sắc thể XX.
Một nghiên cứu mới đây của Đại học Cologne (Đức) phát hiện trong cơ thể người có loại gene được đặt tên là FOXL2 có khả năng quyết định giới tính. Khi phát triển đến tuần thứ tám, cơ quan sinh dục ngoài của các thai nhi trai và gái giống nhau như đúc.
Nếu gene FOXL2 được “đặt” ở chế độ “ON” thì hai buồng trứng sẽ phát triển để thai nhi gái trở thành người đàn bà trong tương lai và tinh hoàn sẽ xuất hiện nếu nó “gạt” về vị trí OFF. Điều khiến các nhà khoa học ngạc nhiên là quá trình “bật” và “tắt” của FOXL2 vẫn tiếp tục sau khi con người được sinh ra và trưởng thành.
Có thể nói: cơ thể phụ nữ phải liên tục đối mặt với cuộc chiến kìm hãm sự trỗi dậy của giới tính nam và cơ thể đàn ông cũng phải chiến đấu để kìm hãm sự phát triển của giới tính nữ.
Giáo sư Mathias Treier của Đại học Cologne cùng các đồng nghiệp đã tiến hành thí nghiệm "tắt" gene FOXL2 trong cơ thể chuột bạch: khi gene này không phát huy tác dụng, các tế bào trứng bắt đầu biến thành tế bào tinh hoàn.
Quá trình “bật” và “tắt” gene này cũng xảy ra ở một số loài cá có khả năng tự chuyển đổi giới tính khi có sự mất cân bằng đến mức chênh lệch giữa số lượng cá đực và cá cái trong đàn. Tức là một tác động tương tự cũng sẽ xảy ra ở người.
Trước đây, người ta nghĩ rằng giới tính của con người được xác định từ trong bụng mẹ và cơ thể không phải làm bất cứ điều gì để duy trì giới tính. Nhưng công trình khoa học này cho thấy cuộc chiến giới tính vẫn tiếp diễn trong suốt cuộc đời.
Để cải thiện tình trạng nam tính hóa của em bạn, người chồng nên giúp cô ấy làm vợ, làm mẹ đúng kiểu (không thể gánh luôn phần làm cha thay chồng được). Giọng nói, cách để đầu tóc, ăn mặc, chọn đồ dùng cá nhân cũng góp phần thể hiện nữ tính.