Theo các nghiên cứu, tai có khả năng tự làm sạch, với đặc tính bôi trơi và bảo vệ, vì vậy không nhất thiết phải thường xuyên lấy ráy tai. Cái mà chúng ta gọi là ráy tai chính là chất sáp màu vàng ở bên trong tai, có tác dụng chống nhiễm khuẩn, ngăn bụi bẩn, côn trùng…
Khi chúng ta lấy ráy tai rất dễ gây tổn thương cho tai. Nếu phương pháp không đúng sẽ có thể đẩy ráy tai vào phần sâu bên trong, chúng sẽ dồn lại và bịt một phần ống tai lại. Điều này có thể ảnh hưởng tới thính giác, màng nhĩ, lớp da trong tai. Vi khuẩn sẽ có cơ hội xâm nhập, có khả năng mắc bệnh viêm tai giữa. Có trường hợp lấy ráy tai dẫn tới thủng màng nhĩ và chảy máu.
Trong hầu hết các trường hợp, ráy tai sẽ từ trong kênh tai di chuyển tới ống tai, trong môi trường không khí sẽ tạo thành chất màu vàng. Cùng với sự chuyển động của việc nhai và các cử động hàm khác, ráy tai sẽ mang theo bụi bẩn khô thành cục rồi rơi ra ngoài.
Vậy nên làm sạch tai như thế nào?
Những người mà có tai khỏe mạnh thì không cần quá thường xuyên lấy ráy tai, chỉ khi bạn cảm thấy ráy đã đầy trong tai thì mới cần thiết lấy ráy tai.
Theo các khuyến cáo của bác sỹ, chúng ta không nên dùng các vật nhọn như que diêm, tăm hoặc các dụng cụ không sạch sẽ để lấy ráy tai. Hãy dùng các loại bông gòn y tế nhẹ nhàng để lấy ráy và làm sạch tai. Ngoài ra, bạn có thể dùng bông gòn thấm cồn để làm sạch tai, đồng thời thường xuyên lau sạch vành tai bên ngoài. Mỗi tháng chỉ nên lấy ráy tai 2 lần.
Đối với những người bị viêm tai giữa, chất sáp cerumen sẽ tiết ra nhiều, vì vậy khó có thể tạo thành cục. Trong trường hợp, bạn cảm thấy không thoải mái, rất ngứa hoặc tai chảy nước, có cảm giác đau thì ngay lập tức hãy tới bệnh viện để điều trị kịp thời.