Ở khoa bệnh máu trẻ em, viện Huyết học và Truyền máu TW, mỗi khi vào đây, tôi lại bị ám ảnh. Tháng này, vừa gặp các cháu, vài tháng sau quay lại, cháu đã ra đi.
Chỉ cần tưởng tượng thôi, nếu con mình phải nằm viện, lòng người mẹ sẽ đau đớn ngần nào. Nhất là khi, các cháu ở đây mắc bệnh nan y: Ung thư máu.
Hôm đến viện, một cậu thanh niên gầy gò buồn rầu chia sẻ với tôi: “Chị ơi, chị cứu giúp cháu em với. Cháu bị ung thư máu rồi. Nhà cháu nghèo quá, em chỉ là sinh viên, không biết giúp gì hơn ngoài việc lên trông cháu cho chị em thôi”.
Người cậu tận tâm ấy là La Văn Nam, có chị gái là La Thị Thanh. Không may, cháu của Nam là bé Hoàng Việt Du (21 tháng tuổi) lại vướng bệnh ung thư máu.
Bé Du là người dân tộc Tày, gia đình khó khăn. Hiện cháu đang nằm tại phòng 605, Khoa bệnh máu trẻ em, viện Huyết học và Truyền máu TW. Tôi đến bên giường bệnh, một cậu bé trông rất đáng yêu, xinh xắn lắm. Nhìn khuôn mặt thiên thần ấy với nụ cười tươi, vậy mà bụng thì to chướng lên rồi.
Cháu Hoàng Việt Du bụng to vì các tế bào ung thư làm ổ trong gan, lách.
Bé Hoàng Việt Du (thôn Là Hai, xã Võ Lao, Văn Bàn, Lào Cai) sinh ra trong vòng tay yêu thương, trong niềm vui của bố mẹ, ông bà. Du là con trai đích tôn nên cả nhà hy vọng nhiều vào em. Vì vậy, nghe tin Du bị ung thư máu, cả nhà khóc nhiều lắm… thương Du nhiều.
Vào ngày 25 Tết Quý Tỵ vừa rồi, Du bỗng bị sốt, ho nhiều. Vì sắp đến Tết, nhà lại không có tiền nên cả nhà chưa em đi ra Hà Nội chữa ngay. Du được đưa ra trạm xá rồi lên viện tỉnh khám chữa.
Bệnh viện tỉnh gửi em ra viện Nhi TW, các bác sĩ chẩn đoán em bị bệnh bạch cầu cấp và chuyển sang viện Huyết học - Truyền máu TW.
Cậu cháu kể: “Từ trước Tết, lúc bế cháu, em thấy bụng Du đã to, sờ vào thấy rắn. Em bảo mẹ nó đưa đi khám xem sao. Không thể ngờ cháu em lại bị ung thư máu. Trước đây em có biết ung thư máu là gì đâu, chỉ nghe nói trong phim. Giờ gặp mới thấy khổ quá chị à”.
Một quy trình điều trị lâu dài, bền bỉ đang ở phía trước. Không biết rồi đây, cháu sẽ thế nào? Nhiều bệnh nhân tôi gặp bụng cứ to dần, to dần, rồi cắt lách, truyền máu, truyền hóa chất. Cứ một vòng luẩn quẩn như vậy, nghĩ đến thôi tôi không muốn nghĩ tiếp vì biết nó sẽ là điều gì…
Từ ngày bị bệnh, cậu bé Du vốn bập bẹ nói bỗng chẳng muốn nói gì. Mẹ cháu kể: “Trước đây, Du chạy lon ton đáng yêu lắm nhưng giờ, cháu chỉ nằm thôi vì bụng to rồi. Cứ đòi em bế suốt. Có lúc, Du cứ chỉ tay ra cửa bảo về”.
Vì là người dân tộc Tày nên Du cũng chỉ biết tiếng Tày. Nhìn thấy tôi, cháu ôm chặt lấy mẹ. Khi cậu Nam đến gần hỏi bằng tiếng Tày rằng Du đau ở đâu, cháu mới nói và chỉ vào chân – chỗ lấy máu.
Khi lên Hà Nội nhập viện, mẹ Du đi vay đi mượn được 20 triệu đồng, mà là vay nặng lãi. Một ngày mất 10 ngàn đồng/triệu. Chị Thanh rơm rớm nước mắt bảo: “Cháu được nhà nước hỗ trợ nhiều, sắp tới em làm thủ tục hộ nghèo nữa nhưng vẫn phải đóng tiền vì phải mua thuốc ngoài nữa”. “Thế vay nặng lãi vậy, lấy đâu ra trả?”. “Thì phải vay thôi chị à, muốn cứu cháu thì nặng lãi em cũng vay”.
Nhìn Thanh vất vả, già trước tuổi, người phụ nữ dân tộc thiểu số nói tiếng Kinh còn không sõi. Thu nhập của vợ chồng Thanh chủ yếu là trồng trọt. Chồng Thanh cũng là người dân tộc Tày, bị vôi hóa cột sống nên không làm được việc nặng lại gặp tai nạn mất ngón tay cái bên phải nên làm việc càng khó khăn hơn.
Mới chiều nay, tôi liên lạc lại với bác sĩ Vũ Thị Hồng Phúc, khoa bệnh máu Trẻ em, viện Huyết học và truyền máu TW, chị cho biết: Hiện, gia đình Du đã xin cho cháu về với lý do nhà còn 1 em bé nữa không ai chăm sóc.
Sau khi xét nghiệm tủy cho thấy Du bị ung thư máu thể Lơ xê mi cấp, dù bác sĩ đã tư vấn, giải thích cần phải điều trị nhưng cũng không giữ được gia đình cháu.
Bệnh này sinh ra tự thân trong cơ thể, trong quá trình phát triển. Bụng to do lách và gan to vì các tế bào ung thư ở trong các cơ quan này. Nếu không điều trị, Du sẽ bị xuất huyết, thiếu máu dẫn đến tử vong sớm.
Tôi liền gọi lại ngay cho mẹ cháu hỏi lý do tại sao đưa Du về không điều trị. Thanh nói: “Cháu bị bệnh máu trắng, phải cho cháu truyền hóa chất mà gia đình không có tiền. Em cũng bàn mấy anh em là đi vay nhưng giờ đã vay 20 triệu đồng rồi. Sổ đỏ thì đã cầm cố vay để mua trâu từ năm trước. Với lại căn bệnh này có điều trị cũng không khỏi hẳn, mà tốn tiền lắm.
Nhà em khó khăn quá, thôi thì để cho số phận vậy…”
Chị Thanh cho biết về nhà, gia đình cho Du uống thuốc Nam, đắp thuốc vào bụng. Giờ Nam đi đứng được, bụng không to thêm. Chân răng chỉ chảy máu nếu ăn đồ cứng.
Nhưng không biết, cháu sẽ cầm cự được đến lúc nào đây?