Choáng váng...
Hiện tại, Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia đang tiếp nhận và điều trị cho 5 trường hợp bệnh nhân có ý định và đã thực hiện hành vi tự sát. Cả 5 bệnh nhân đang nằm điều trị tại Viện đều dưới tuổi 25 và có những biểu hiện rối loạn nặng về cảm xúc, tâm sinh lý và nhận thức.
Bệnh nhân tên M, 22 tuổi nhập viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia sau khi đã uống hàng trăm viên thuốc ngủ và tự cắt cổ tay để tự tử. Theo lời kể của bác sĩ Nguyễn Văn Dũng – Trưởng phòng T4, Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, người trực tiếp điều trị cho M: “Bệnh nhân tự tử do hoang tưởng, ảo giác chi phối. Bệnh nhân lúc nào cũng có cảm giác bị người thân, gia đình, bạn bè bỏ rơi. Bệnh nhân luôn sống trong tâm trạng cô đơn cực độ với cảm giác lạc lõng, mình là người không ra gì, vô dụng và muốn chết đi cho đỡ khổ.
Bệnh nhân đã uống hàng trăm viên thuốc ngủ để tự kết liễu cuộc sống của mình. Do không được đến với bác sĩ chuyên khoa ngay để được tư vấn và chẩn đoán, bệnh nhân ngày càng có những rối loạn sâu hơn về cảm xúc. Bệnh nhân tiếp tục cắt cổ tay để tự sát. Sau lần tự sát thứ hai, bệnh nhân mới được đưa đến Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia để điều trị…”
Cũng đang nằm điều trị tại Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, bệnh nhân tên L, 21 tuổi, ở Quốc Oai – Hà Nội nhập viện trong tình trạng 1/3 cánh tay trái bị đứt lìa và dùng thuốc amphetamine quá liều.
L đẹp trai, nhảy múa giỏi. Trong mắt bạn bè, L là thần tượng với nhiều tài năng nổi trội. Sau một bữa tiệc sinh nhật của bạn, L trở về nhà trong tâm trạng buồn chán, mệt mỏi rã rời. Trong lúc bất lực nhất L đã uống rất nhiều thuốc amphetamine và dùng dao tự chặt vào cánh tay của mình để tự kết liễu cuộc đời.
Hiện tại, L đang vừa phải kết hợp trị liệu vết thương trên tay vừa phải trị liệu tâm thần. Các bác sĩ rất vất vả trong việc kết hợp dùng thuốc và trị liệu tâm lý cho bệnh nhân L.
Một bệnh nhân khác tên Tr, 25 tuổi, ở Tây Hồ - Hà Nội đã tự dùng dao đâm vào ngực để tự sát. Sau khi được cấp cứu tại Bệnh viện việt Đức, Tr được gia đình đưa đến điều trị tại Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia.
Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng – Trưởng phòng T4, Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia
Bác sĩ Dũng cho biết: “Tr tự sát chỉ vì mang suy nghĩ buồn chán, không có ai hiểu mình, chơi với mình, giao lưu với mình. Tr sống dằn vặt với suy nghĩ, mình là người bỏ đi, không thể làm được việc gì nên hồn cho gia đình, cho xã hội. Bệnh nhân muốn tìm đến cái chết để giải thoát cho chính bản thân mình…”
“Cả 3 trường hợp bệnh nhân nói trên đều có những biểu hiện bất thường về mặt sức khỏe tâm thần. Những tác động của môi trường sống đã khiến bệnh nhân gặp phải những sang chấn tâm lý mạnh. Bệnh nhân sống dằn vặt với những suy nghĩ cô đơn, bất tài vô dụng, không ai hiểu mình,… Bệnh nhân thấy cuộc sống của mình chẳng khác nào địa ngục và muốn kết thúc càng nhanh càng tốt. Tâm thần học gọi những hiện tượng này là rối loạn cảm xúc thanh thiếu niên,” bác sĩ Dũng cho biết thêm.
Tuyệt đối không cúng bái…
Chia sẻ về hiện tượng tự sát của giới trẻ, bác sĩ Nguyễn Văn Dũng nói: “Chúng ta cần phân biệt giữa ý tưởng tự sát và hành vi tự sát. Ý tưởng tự sát là khi bệnh nhân mới có manh nha suy nghĩ sẽ tìm đến cái chết và suy nghĩ sẽ sử dụng cách thức gì để tự sát. Trong khi đó, hành vi tự sát là chuyện đã rồi, khi bệnh nhân đã tự sát bằng những cách này, cách kia.
Tự sát là một dạng cấp cứu của tâm thần. Bệnh tâm thần có rất nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân nội sinh, do người bệnh có sẵn những bệnh lý về tâm thần. Nguyên nhân do sang chấn tâm lý, người bệnh gặp phải những cú sốc lớn và bất ngờ trong cuộc sống, những yếu tố ngoại cảnh tác động làm lệch lạc suy nghĩ, nhận thức và hành vi. Nguyên nhân do những thực tổn gây nên những rối loạn tâm thần.
Bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh tâm thần, không phân biệt già trẻ, trai gái, vùng miền. Điều quan trọng là những biến đổi bất thường về tâm lý, nhận thức, hành vi ấy có được phát hiện sớm và điều trị kịp thời hay không…”
Lý giải hiện tượng thanh thiếu niên tự sát ngày càng nhiều như hiện nay, bác sĩ Dũng cho hay: “Đối với thành thiếu niên, tâm lý và cơ thể đều rất nhạy cảm. Cơ thể của các em chưa có sự biệt hóa hoàn toàn. Suy nghĩ và nhận thức của các em còn bấp bênh, ngô nghê và có những sở thích đặc thù của lưa tuổi. Môi trường sống, nhân cách của gia đình, tư cách của người thầy giáo, bạn bè tác động rất mạnh vào hành vi cảm xúc của các em trong khi đó sự biệt hóa của não chưa đầy đủ.
Trong năm 2011, 2012 và những tháng đầu năm 2013, Viện Sức khỏe Tâm thần liên tục tiếp nhận bệnh nhân tự tử là những đối tượng trong độ tuổi thanh thiếu niên. Có những bệnh nhân mới manh nha suy nghĩ tự sát do bị trầm cảm trong một thời gian quá dài, có những bệnh nhân đã thực hiện hành vi tự sát nhưng không thành và lúc đó mới bắt đầu đi trị liệu tâm thần. Những rối loạn cảm xúc của thanh thiếu niên, nếu không được phát hiện sớm và điều trị dứt điểm thì khó mà lường hết được tai họa…”
Cũng theo bác sĩ Dũng, khi bệnh nhân có ý tưởng hủy hoại thân thể vì bất cứ lý do gì, gia đình nên đưa bệnh nhân đến với bác sĩ chuyên khoa ngay lập tức. Sinh mạng là do cha sinh mẹ dưỡng, tạo dựng bởi thiên thời địa lợi và tạo hóa. Vì bất cứ lý do gì mà hủy hoại sinh mạng của chính mình là thiệt thân, gia đình và cũng vi phạm pháp luật. Con người sống để yêu nhau, để quý trọng nhau chứ không phải tự hủy hoại nhau. Tự tử không thành còn để lại những hệ lụy tâm lý vô cùng to lớn.
“Khi bị bệnh tâm thần cần tìm đến với bác sĩ tâm thần, tuyệt đối không cúng bái, không nghe lời những người không có chuyên môn. Về giáo dục, nhà trường cần có những giáo viên hiểu về tâm sinh lý, sức khỏe của học sinh, sinh viên..." bác sĩ Dũng nhấn mạnh.