Mới đây, các nhà nghiên cứu tai Đại học Queen Margaret (Scotland) phát hiện thêm một tác dụng mới của trái lựu: giảm sự dằn vặt của cơn đói.
Nhóm nghiên cứu cho biết hấp thụ thường xuyên chiết xuất từ lựu có thể giúp giảm cảm giác đói, trong khi tăng cường cảm giác no.
29 đối tượng tham gia nghiên cứu được chia thành 2 nhóm, một nửa dùng thuốc bổ chiết xuất từ vỏ, cùi và hạt lựu mỗi ngày, trong vòng 3 tuần và nửa còn lại dùng giả dược.
Sau 3 tuần, mỗi thành viên được yêu cầu uống một ly nước ép lựu trước khi thưởng thức món mì ống với nước sốt cà chua.
Ảnh minh họa
Trước khi ăn và từ 2 đến 15 tiếng sau khi ăn, nhóm nghiên cứu ghi lại cảm giác đói của từng người, cảm giác thèm ăn, cảm giác no và thỏa mãn thông qua một bảng khảo sát được sử dụng rộng rãi trong các nghiên cứu khoa học để đo cảm nhận và thái độ.
Kết quả cho thấy nhóm dùng chiết xuất từ lựu có cảm giác đói thấp hơn trung bình 12%, cảm giác thèm ăn thấp hơn 21% nhưng lại thấy no hơn 16% và thỏa mãn hơn 15% so với nhóm còn lại.
Họ ăn trung bình 447g mì ống, trong khi nhóm dùng giả dược tiêu thụ tới 547g mì. Nhóm dùng chiết xuất từ lựu cũng đánh giá bữa ăn ngon miệng hơn nhóm còn lại.
Nguyên nhân tại sao chiết xuất từ lựu lại tạo cảm giác thỏa mãn vẫn chưa được làm rõ. Tuy nhiên, một giả thuyết cho rằng nó chứa các polyphenol, có tác dụng như chất chống thèm ăn.
Một số nghiên cứu trước đó cho thấy nước ép lựu có thể giúp giảm huyết áp, stress và hiện tượng xổ người khi bước vào tuổi trung niên.
Tiến sĩ Al-Dujaili, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: “Lựu chứa các chất chống oxy hóa mạnh, có thể trung hòa các gốc tự do hiệu quả hơn rượu vang, trà xanh và các loại nước hoa quả thông dụng.
Nước ép lựu có thể giúp giảm huyết áp và kháng insulin. Nghiên cứu hiện tại cho thấy chiết xuất lựu thúc đẩy cảm giác thỏa mãn bằng cách giảm cảm giác đói và tăng cường cảm giác no, ngon miệng. Như vậy, chiết xuất từ lựu có tiềm năng hỗ trợ giảm thiểu các nguy cơ gây tăng cân và béo phì”.