Tai nạn rắn cắn thường xảy ra bất ngờ, khiến nạn nhân và những người trong gia đình lúng túng, chậm trễ… nhiều khi không cứu nổi. Sau khi cắn người, con rắn thường chạy mất, nạn nhân không kịp nhận diện để biết là rắn lành hay rắn độc, nhất là trong đêm tối… Do vậy, khi không may bị rắn cắn, nạn nhân phải thật bình tĩnh, nhanh chóng làm các việc dưới đây:
Tìm mọi cách xác định sơ bộ xem đó là rắn lành hay rắn độc. Chú ý nếu tại vết cắn thấy cả hai hàm răng với nhiều vết chấm hình vòng cung, không thấy vết răng nanh là rắn lành. Còn nếu tại nơi bị cắn có hai vết răng nanh cách nhau 5mm và một số vết răng nhỏ là rắn độc.
Rắn độc cắn thường có hai dấu răng nhưng đôi khi cũng chỉ có một dấu răng hoặc ba, bốn dấu răng. Do đó nên khám xét kỹ, tránh bỏ sót.
Thứ hai, dựa vào triệu chứng toàn thân. Rắn không độc cắn: phản ứng tại chỗ nhẹ, ít; phản ứng toàn thân không có. Rắn độc (rắn hổ, rắn lục): nạn nhân sẽ trào đờm, sụp mi, mờ mắt, miệng há không được, nuốt khó hoặc sưng nề, chảy máu tại chỗ, chảy máu toàn thân, hoặc nôn ra máu...
Khi đã xác định được là bị rắn độc cắn hoặc không xác định được chắc chắn là rắn lành hay rắn độc, cần ngồi yên, tuyệt đối không cử động phần cơ thể (chân, tay…) bị rắn cắn vì cử động sẽ làm cho chất độc lan nhanh trong cơ thể. Nếu bị cắn ở chân, nạn nhân không được đi, hay chạy.
Cách xử trí:
Bước 1: Nhanh chóng buộc garô (nơi nào có thể garô được) ở phía trên vết rắn cắn 3-5cm. Garô có thể dùng dây thun, dây chuối, dây quai nón... Chú ý khi garô phải dùng dây bản to để giảm tổn thương nơi garô. Lưu ý, không thắt quá chặt, không để garô lâu quá 30'.
Bước 2: Rửa sạch vết rắn cắn, sau đó đến cơ sở y tế rửa lại bằng thuốc tím 1‰, cồn iôt 2%...
Bước 3: Rạch nhẹ da ở vết rắn cắn, rạch rộng theo hình chữ thập ( ). Nhưng chú ý độ sâu qua da đến cơ chảy máu là được, rạch rộng dài khoảng 1-2cm. Trước khi rạch rộng phải sát trùng để tránh nhiễm trùng, tránh rạch đứt thần kinh, mạch máu và dây chằng.
Bước 4: Nặn, hút máu tại chỗ rắn cắn ra. Hút đến khi thấy máu đỏ tươi chảy ra.
Bước 5: Rửa lại vết cắn rồi nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế mà ở đó có điều kiện cấp cứu hồi sức.
Chú ý khi bị rắn cắn, có 1 số loại rắn nọc độc của nó có những chất có thể tác động đến thần kinh, gây xuất huyết, hôn mê, khó thở...
Các loại rắn như hổ mang, rắn ráo... (loại Colubridae) có độc tố thần kinh. Chỗ rắn cắn không đau lắm nhưng chân tê bại, mệt mỏi cao độ, buồn ngủ, muốn ngất, nấc, nôn, tối loạn cơ tròn... Mạch yếu, huyết áp hạ, khó thở, hôn mê rồi tử vong sau 6 giờ.
Rắn lục (loại Vipéridae) có độc tố gây xuất huyết. Toàn chi bị rắn cắn đau dữ dội, da đỏ bầm, có những đám xuất huyết, chỗ bị rắn cắn phù (sau dễ bị hoại tử). Sau 30' đến 1h: nôn, ỉa lỏng, mạch nhanh nhỏ, huyết hạ, ngất.
Nếu bị rắn cắn sau 15-30' mà vết cắn không đau, không phù, chi bị cắn không tê bại thì không phải rắn độc cắn.