Đảm bảo nhiệt độ đủ ấm trong phòng
Dù nằm cạnh mẹ hay nằm riêng, cần luôn đảm bảo cơ thể bé ở nhiệt độ 36,5 đến 37 độ C.
Trong phòng của bé cũng cần duy trì nhiệt độ 25 – 28 độ C, cần ấm áp, thoáng nhưng tránh có gió lùa. Có thể sử dụng điều hòa, lò sưởi, quạt sưởi, nhưng tránh dùng bếp than vì khí CO2 có thể gây độc, ngạt cho trẻ.
Chọn trang phục ấm cho trẻ
Trước tiên, bạn cần chọn quần áo ngủ cho bé sao cho an toàn, thoải mái và giúp bé duy trì thân nhiệt tốt nhất. Đồ ngủ của bé không nên dày, quá bí. Bạn nên chọn trang phục bằng sợi tự nhiên mềm, giúp da “thở” được như cotton là tốt nhất.
Không bao giờ được ủ ấm quá mức cho bé. Ủ ấm quá có thể làm tăng nguy cơ đột tử khi ngủ ở bé . Giữ ấm đúng cách là giữ đủ ấm cho bé, nhất là những vùng dễ bị nhiễm lạnh như lòng bàn chân, bàn tay, thóp và ngực.
Đeo tất tay, tất chân thường xuyên cho trẻ. Tuy nhiên, không nên đắp quá nhiều chăn dày, nặng cho bé trong lúc ngủ vì nóng quá sẽ làm bé tăng thoát nhiệt ở đầu, dẫn tới dễ bị đột tử.
Vệ sinh cho bé trong ngày lạnh
Mùa đông, các bà mẹ thường rất ngại tắm cho con vì sợ bé nhiễm lạnh. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh cần luôn được giữ sạch sẽ. Vào những ngày nhiệt độ xuống thấp thì không nên tắm cho bé, nhưng vẫn cần thay quần áo và lau sạch những vùng kín như bộ phận sinh dục, bẹn, nách, cổ. Tắm, lau cần để bé ở phòng ấm, có thể bật quạt sưởi.
Không nên đóng bỉm, tã giấy suốt ngày đêm cho trẻ. Có thể ban đêm cho bé dùng tã giấy nhưng ban ngày nên quấn tã vải cho thoáng. Nếu dùng tã giấy cần thay thường xuyên, và ngay sau mỗi lần bé đại tiện. Mỗi lần thay lau rửa nhẹ nhàng vùng kín để tránh bị hăm, viêm da.
Bé sơ sinh rất dễ gặp các vấn đề nhiễm trùng đường hô hấp trong mùa đông do sức đề kháng của các bé còn kém. Vì thế khi bé có biểu hiện như sốt, vàng da, co giật... thì phải nhanh chóng đưa bé đến các trung tâm y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.