Tay chân miệng: 1 trong 10 dịch bệnh gây tử vong cao nhất VN

Hà Thu |

(Soha.vn) - Từ đầu năm 2013, cả nước có 14.260 ca mắc TCM, 4 ca đã tử vong. TCM đang được xếp là 1 trong 10 loại dịch bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong cao nhất ở Việt Nam hiện nay.

Những năm gần đây, bệnh tay chân miệng (TCM) đã trở thành nỗi ám ảnh với những gia đình có trẻ dưới 5 tuổi, với tỷ lệ mắc năm sau cao hơn năm trước và số ca tử vong tăng nhanh.

Dự báo trong năm 2013, tình hình bệnh TCM vẫn diễn biến hết sức khó lường, công tác phòng chống dịch bệnh vẫn tồn tại nhiều khó khăn, xuất phát từ cả hai phía cơ quan chức năng và ý thức của người dân.

 Biến chứng khó lường

Theo báo cáo của Cục Y tế Dự phòng- Bộ Y tế, từ đâu năm 2013 đến nay cả nước đã có 14.260 ca mắc TCM trong đó có 4 ca đã tử vong. Tính đến thời điểm này, TCM đã và đang bùng phát ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, tấn công trẻ nhỏ và đang tiếp tục diễn biến rất phức tạp với nhiều biến chứng khó lường.

Năm 2012, TCM được xác định là 1 trong 10 dịch bệnh có số mắc rất cao, với 157.654 ca, chỉ đứng sau tiêu chảy (với tỷ lệ mắc cao nhất với 725.810 ca mắc).


	TCM là 1 trong 10 dịch bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong cao nhất ở Việt Nam hiện nay

TCM là 1 trong 10 dịch bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong cao nhất ở Việt Nam hiện nay

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Huy Khoa - Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết: "TCM đang là một trong 10 dịch bệnh có số tử vong cao nhất tại Việt Nam hiện nay với 45 trường hợp tử vong. Đứng đầu danh sách dịch bệnh có số tử vong cao nhất là bệnh dại (98 trường hợp); Sốt xuất huyết (80 trường hợp); Viêm não vi rút (16 trường hợp); Uốn ván sơ sinh (15 trường hợp); Sốt rét (8 trường hợp); Não mô cầu (7 trường hợp); Liên cầu lợn (6 trường hợp); Tiêu chảy (6 trường hợp) và cúm AH5N1 (2 trường hợp)

Tình hình dịch bệnh TCM đang ở thời điểm bùng phát cao độ, diễn biến khó lường. Những biến chứng của bệnh đang khiến công tác phòng chống bệnh gặp nhiều khó khăn… Năm 2013 bệnh TCM vẫn có diễn biến phức tạp trên diện rộng với số mắc cao.”

Cảnh báo về nguy cơ của dịch bệnh này, ông Nguyễn Huy Khoa cho rằng: TCM do vi-rút đường ruột, lây theo đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp. Có nhiều tuýp vi-rút gây bệnh. Một người có thể mắc nhiều tuýp vi-rút khác nhau. Điều đặc biệt nguy hiểm là hiện vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu với bệnh TCM.

Theo kết quả nghiên cứu trên 2.161 bệnh nhân mắc TCM điều trị nội trú trong 1 năm tại Bệnh viện Nhi đồng 1 cho thấy, bệnh TCM gặp nhiều ở thời điểm giao mùa, tập trung ở trẻ dưới 3 tuổi. Triệu trứng thường gặp là phát ban ở lòng bàn tay, chân; sốt, giật mình, run tứ chi. Thời gian chuyển nặng thường vào ngày thứ 3-4. Các biến chứng thường gặp là viêm não, màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp. Tỷ lệ tử vong và nặng xin về không điều trị là 0,74%.

 Người dân còn thờ ơ

Bệnh TCM là một bệnh lây truyền đáng lo ngại với số ca mắc tăng cao, biến chứng khó lường và có tỷ lệ tử vong cao. Tuy nhiên, việc phòng chống dịch bệnh hiện nay còn gặp nhiều khó khăn.

Đại diện nhiều Sở Y tế và các bệnh viện đều chung nhận định: Hiện công tác phòng chống dịch bệnh rất khó tiến hành do khó khăn trong đầu tư kinh phí. Bên cạnh đó, phòng dịch không chỉ là trách nhiệm của ngành y tế mà còn của cả cộng đồng, song hiện có tình trạng "chính quyền giao phó chủ yếu cho ngành y tế" và sự tham gia của các ban, ngành đoàn thể trong công tác phòng chống bệnh TCM tại một số địa phương chưa tích cực.

Theo đại diện Bệnh viện Nhi Trung ương, trong tổng số trẻ nhập viện do TCM tại đây, có tới 75% số trẻ mắc bệnh hoàn toàn không có yếu tố dịch tễ là đã từng tiếp xúc với trẻ mắc TCM. Ðiều này cho thấy, trẻ lây bệnh từ người lớn, nhất là từ người chăm sóc và tiếp xúc thường xuyên với trẻ. Nhưng hiện kiến thức phòng chống bệnh của đối tượng này lại chưa cao.

Ông Trần Đắc Phu - Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng- Bộ Y tế cho biết: “Công tác tuyên truyền chưa thực sự đến được với đối tượng là người chăm sóc trẻ ở các hộ gia đình có trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Không những thế, tỷ lệ người dân hiểu sai và không biết về bệnh TCM khá cao (khoảng 37-38% dân số) đặc biệt 22,8% người dân không biết các biện pháp phòng bệnh."

Ông Trương Hữu Khanh - Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng cho biết: “Hiện công tác truyền thông phòng chống TCM hiệu quả chưa cao, chỉ tập trung chủ yếu vào mức độ trầm trọng của bệnh dịch và đưa trẻ đến bệnh viện khám khi có triệu trứng của bệnh, tạo ra tâm lý lo sợ cho người dân, gây quá tải cho bệnh viện tuyến trên mà chưa tác động nhiều đến thay đổi hành vi của nhân dân."

95% trẻ mắc TCM tự khỏi bệnh

Các bác sĩ khuyến cáo, khoảng 90 - 95% trẻ mắc bệnh TCM sẽ tự khỏi bệnh. Do đó, với trẻ mắc TCM ở thể nhẹ, cha mẹ nên chăm sóc trẻ tại nhà, nhưng khi trẻ có biểu hiện sốt cao từ 39 - 40 độ, nôn, tiêu chảy, ăn ngủ kém, ngủ hay giật mình thì nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để khám và điều trị.

Bệnh TCM lây truyền theo đường tiêu hóa nên việc thực hiện các biện pháp vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân và vệ sinh nơi công cộng là yếu tố quyết định việc giảm tỷ lệ mắc bệnh tại cộng đồng.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế kêu gọi sự chung tay vào cuộc của cộng đồng trong việc làm sạch môi trường xung quanh và khu vực sinh sống để góp phần giảm tỷ lệ mắc.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế sẽ đẩy mạnh công trác tuyền thông cho các đối tượng là các bà mẹ, hộ gia đình có trẻ dưới 3 tuổi, giáo viên các trường học, nhà trẻ mẫu giáo, nhóm trẻ gia đình và lãnh đạo chính quyền địa phương.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại