Làm nghề mổ lợn nên anh Vinh thường ăn tiết canh. Tuy nhiên, lần này chỉ sau một ngày thì anh bắt đầu lên cơn sốt, rét run… Anh đươc chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Ninh Bình, rồi chuyển lên cấp cứu tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) vì có biểu hiện nặng lên, có dấu hiệu sốc, tụt huyết áp.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết: "Dù bệnh nhân đã tỉnh nhưng chưa thoát sốc. Vì thế, chắc chắn bệnh nhân sẽ phải đón Tết tại bệnh viện".
Cũng theo bác sĩ Cấp, dịp cuối năm, nguy cơ mắc bênh liên cầu lợn lại tăng cao. Tại nhiều địa phương, người dân có thói quen vài gia đình mổ chung nhau một con lợn ăn Tết. Nhiều người cứ nghĩ lợn nhà nuôi là lành, an toàn nên vẫn thản nhiên ăn tiết canh.
Trong khi đó, v i khuẩn liên cầu thường cư trú ở vùng họng lợn mà không gây ra triệu chứng (lợn lành mang trùng). Lợn khỏe mạnh bình thường nhưng thực tế cơ thể vẫn nhiễm loại liên cầu này và khi ăn thịt chưa nấu chín hay tiết canh từ lợn, nguy cơ người nhiễm bệnh rất cao .
Bệnh liên cầu khuẩn lây từ lợn bệnh gồm 3 thể: nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai. Tùy từng thể mắc mà bệnh diễn biến nặng hay nhẹ, có trường hợp mắc ngay từ đầu đã nặng. Bệnh không thành dịch, chỉ rải rác quanh năm. Tuy nhiên, người dân không nên chủ quan vì bệnh có thể gây tử vong nếu điều trị muộn. Tỷ lệ tử vong khoảng 7%.
Ngoài ra, có những người tử vong là do nhiễm độc tố vi khuẩn, gây hiện tượng sốc. Có bệnh nhân chỉ qua 3 ngày đã bị sốc nhiễm khuẩn, có người phải 10 ngày mới diễn biến nặng như vậy, tùy vào cơ địa. Bệnh ban đầu không có dấu hiệu điển hình ngoài việc sốt cao, vì thế dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh khác. Người từng nhiễm liên cầu khuẩn lợn vẫn có thể mắc lại.
Thông thường, một bệnh nhân bị liên cầu khuẩn lợn thể viêm màng não mủ phải nằm viện điều trị ít nhất là 3 tuần. Còn những người bị nhiễm trùng huyết phải điều trị đến 2 tháng, chi phí hàng trăm triệu.
Thời gian ủ bệnh ngắn, chỉ từ vài giờ đến 3 ngày. Khi có biểu hiện sốt cao (40-41 độ C), xuất hiện các mảng xuất huyết hoại tử dưới da, tiêu chảy, cứng cổ..., có thể khó thở, người dân nên đến bệnh viện sớm, tránh nguy cơ tử vong.
Để phòng bệnh, người dân không nên giết mổ lợn ốm, chết, không xử lý sản phẩm sống từ lợn với tay trần, nhất là khi có vết thương ở tay. Rửa tay sạch sau khi chế biến. Không ăn lợn ốm, chết, thịt lợn sống, tiết canh, nội tạng lợn chưa nấu chín. Khi tiếp xúc với lợn ốm nên có các phương tiện phòng hộ..
* Tên nhân vật đã được thay đổi.