Trang Semafor (Mỹ) ngày 10/9 đưa tin, Vương quốc Eswatini ở phía nam châu Phi là quốc gia duy nhất trong số 54 nước của “Lục địa đen” từ chối tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi (FOCAC) được tổ chức ba năm một lần, diễn ra vào tuần trước tại Bắc Kinh.
Eswatini lâu nay vẫn từ chối cắt đứt quan hệ với đảo Đài Loan (Trung Quốc), ngay cả khi Bắc Kinh đã công khai đe dọa chấm dứt mọi hoạt động thương mại với quốc gia châu Phi này vì điều đó.
Quan hệ với Đài Loan đang "suy yếu"
Tuy nhiên, bất chấp việc từ chối tham dự FOCAC vào tuần trước, các thành viên của cộng đồng doanh nghiệp Eswatini đã nói với Semafor rằng chính phủ nước này đang âm thầm thể hiện sự nồng ấm với Trung Quốc Đại lục.
Điều này buộc hòn đảo ở eo biển Đài Loan đối mặt với thực tế rằng các doanh nghiệp, doanh nhân và thậm chí cả các bên liên quan của nhà nước Trung Quốc đang bám rễ sâu vào nền kinh tế của vương quốc châu Phi.
Jeremy Liang - Trưởng đại diện Đài Loan tại Eswatini - nói với Semafor rằng, "lượng lớn công dân Trung Quốc" đang đổ vào quốc gia nhỏ bé không giáp biển với 1,2 triệu dân này, theo thời gian, sẽ "làm suy yếu" mối quan hệ đặc biệt của đảo Đài Loan với Eswatini.
Theo Semafor, trong một dấu hiệu khác cho thấy mối quan hệ đang "tan băng" với Bắc Kinh, phái đoàn do người đứng đầu cơ quan khai khoáng của Eswatini Guduza Dlamini dẫn đầu đã đến Trung Quốc cùng một doanh nhân địa phương có uy tín vào cuối năm 2023, được cho là để thu hút các nhà đầu tư Đại lục và tìm phương hướng thiết lập quan hệ ngoại giao.
Tuy nhiên, phát ngôn viên chính phủ Eswatini Alpheous Nxumalo phủ nhận rằng sứ mệnh của phái đoàn này là bắt đầu quá trình thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh.
Và không chỉ có những doanh nghiệp tư nhân. Vào tháng 5/2023, chính phủ Eswatini đã trao cho Tập đoàn Xây dựng Điện lực Trung Quốc (PowerChina) gói thầu trị giá 165 triệu USD để xây dựng Đập Mpakeni quan trọng.
Dù vậy, chính phủ Eswatini vẫn lưu ý trong một tuyên bố rằng nước này "chưa thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc", và họ chấp thuận PowerChina nhận thầu vì "ảnh hưởng thương hiệu của công ty này ở khu vực phía nam châu Phi".
Theo Semafor, Đài Loan đã mở văn phòng đại diện tại Mbabane - thủ đô và thành phố lớn nhất của Eswatini - vào năm 1968, cùng năm đất nước này giành được quyền tự trị từ Anh. Mối quan hệ song phương vẫn duy trì ngay cả khi các quốc gia châu Phi khác đã chuyển hướng sang Trung Quốc Đại lục.
Chính sách “Một Trung Quốc” công nhận Đài Loan là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc là nguyên nhân chính cho sự chuyển hướng này.
Tính tới tháng 1/2024, đảo Đài Loan chỉ còn giữ các quan hệ ngoại giao một cách chính thức với 11 nước thành viên của Liên Hợp Quốc và Tòa thánh Vatican.
Theo Đài quan sát độ phức tạp kinh tế (OEC), giá trị hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào Eswatini là 81,8 triệu USD trong năm 2022.
Viễn cảnh Đài Loan mất nốt đồng minh cuối cùng ở châu Phi
Theo Semafor, chính phủ Eswatini công khai duy trì sự ủng hộ của mình đối với đảo Đài Loan nhưng một số doanh nhân Eswatini lại công khai ủng hộ động thái có lợi cho việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh.
Chủ tịch Liên đoàn Cộng đồng Doanh nghiệp Eswatini Mavela Sigwane cho biết: "Chúng tôi biết rằng bất cứ điều gì Đài Loan muốn cung cấp, họ cũng không thể sánh được với những lợi ích mà Trung Quốc Đại lục mang lại, do đó, đối với chúng tôi, liên kết với Trung Quốc là thỏa thuận tốt nhất."
Một chuyên gia theo dõi lâu năm về các vấn đề Trung Quốc - châu Phi cho biết, mối quan hệ Eswatini - Đài Loan khó có thể thay đổi trong thời gian tới.
Theo Eric Olander - biên tập viên của nhóm tin tức Dự án Trung Quốc - Nam toàn cầu (CGSP), trong vài năm trở lại đây, Trung Quốc Đại lục đã có cách tiếp cận khá thoải mái với Eswatini thay vì gây áp lực công khai như trước đây.
"Mặc dù họ [Đại lục] rất muốn khuyến khích nhà vua [Eswatini] thay đổi quan điểm, nhưng họ biết rằng điều đó sẽ không xảy ra, ít nhất là trong tương lai gần, xét đến những tuyên bố mạnh mẽ của Vua Mswati III ủng hộ Đài Loan", Olander nói.
"Cho đến khi điều đó xảy ra, doanh nghiệp Trung Quốc sẽ đi đầu tại vương quốc [Eswatini], trong khi Bắc Kinh kiên nhẫn chờ đợi một số [động thái] mở cửa chính trị", Olander nói thêm.
Theo Reuters, trong bài phát biểu tại FOCAC hôm 5/9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố trước các lãnh đạo và đại biểu từ hơn 50 quốc gia châu Phi rằng, Bắc Kinh sẽ thực hiện 30 dự án cơ sở hạ tầng trên khắp lục địa giàu tài nguyên này và cung cấp 360 tỷ nhân dân tệ (50,7 tỷ USD) hỗ trợ tài chính.
"Trung Quốc sẵn sàng tăng cường hợp tác với châu Phi trong công nghiệp, nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, thương mại và đầu tư", ông Tập nói.
Chủ tịch Trung Quốc kêu gọi thiết lập "một mạng lưới Trung Quốc - châu Phi, bao gồm các kết nối đất liền – biển và phát triển phối hợp". Ông Tập cũng kêu gọi các nhà thầu Trung Quốc quay lại lục địa 1 tỷ dân, sau giai đoạn hạn chế vì đại dịch COVID-19 gây gián đoạn kế hoạch của họ.