Bộ trưởng điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư của Indonesia, Luhut Binsar Pandjaitan, bày tỏ sự thất vọng khi nước ông chưa thể mua dầu của Nga.
Theo Bộ trưởng, được cổng thông tin địa phương Detik trích dẫn, Pandjaitan thậm chí đã đến Nga để thảo luận về vấn đề này, "tuy nhiên, sau 5 tháng chờ đợi, triển vọng mua dầu thô ở Nga đã không xuất hiện".
Pandjaitan phát biểu tại một diễn đàn đầu tư ở Jakarta: "Bây giờ giá dầu đã giảm, bạn không thể đề nghị bán cho chúng tôi sao? Chúng tôi đang chờ đợi, hãy nhanh lên".
Tổng thống Indonesia Joko Widodo cuối năm ngoái đã xem xét mua dầu Nga trước áp lực chi phí năng lượng tăng cao.
Công ty dầu mỏ nhà nước PT Pertamina của Indonesia cách đây ít lâu cho biết vẫn đang xem xét kế hoạch mua dầu thô từ Nga. Vào tháng 11 năm 2022, giám đốc Pertamina, Nicke Widyawati, cho biết việc đánh giá khả năng mua dầu từ Nga có tính đến nhiều yếu tố, bao gồm cả yếu tố chính trị và kinh tế.
Vào tháng 12, Đại sứ Indonesia tại Moskva Jose Tavares nói với Sputnik cho hay Indonesia sẽ tìm kiếm giá dầu tốt nhất, bao gồm thông qua đàm phán với các nhà cung cấp trên thị trường thế giới, bao gồm cả Nga.
Chế phẩm dầu Nga có nguy cơ bị áp giá trần
Các nguồn tin cho biết Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang tìm cách thiết kế hai mức giá trần để áp dụng cho nhóm chế phẩm dầu có giá trị cao như dầu diesel và nhóm chế phẩm có giá trị thấp như dầu đốt lò (fuel oil). Tháng trước, họ cũng áp đặt mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu Urals của Nga.
Bloomberg đưa tin về việc áp giá trần các chế phẩm dầu Nga.
Các quan chức phương Tây đang nỗ lực hạn chế nguồn doanh thu khổng lồ của Điện Kremlin, mà một phần lớn được sử dụng để tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraine. Nhưng họ vẫn muốn bảo đảm dầu của Nga có sẵn trên thị trường để ổn định giá toàn cầu.
Hôm 27/1, Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của EU đã đề xuất với các nước thành viên về mức trần 100 USD/thùng đối với các sản phẩm như dầu diesel và 45 USD/thùng đối với các sản phẩm như dầu đốt lò. Các nguồn tin cho biết các bên vẫn chưa đạt thỏa thuận cuối cùng về các mức giá trần này, và các nhà ngoại giao của phương Tây sẽ tiếp tục đàm phán vào ngày 31/1 tới.
Cơ chế giới hạn giá dầu Nga của phương Tây vận hành bằng cách cấm các công ty bảo hiểm, ngân hàng và hãng vận tải biển của phương Tây, vốn là nền tảng cho phần lớn thương mại hàng hải toàn cầu, xử lý dầu của Nga trừ khi nó được bán dưới giá quy định.
Kế hoạch áp trần giá đối với các chế phẩm dầu mỏ của Nga vào ngày 5/2 trùng với thời điểm EU cấm nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ tinh chế của Nga. Đây là hai đòn trừng phạt mà một số nhà quan sát thị trường cảnh báo có thể gây bất ổn giá dầu diesel toàn cầu.
Để lựa chọn giá trần cho các chế phẩm dầu mỏ của Nga đòi hỏi có sự nhất trí của nhóm cường quốc G7, EU và Úc. Các quan chức phương Tây nhận định việc tìm được tiếng nói chung giữa 27 nước thành viên EU sẽ là nhiệm vụ ngoại giao phức tạp nhất đối với thỏa thuận áp giá trần đối với các chế phẩm dầu mỏ của Nga.
Tham khảo: News Unrolled Bloomberg