Bloomberg gần đây đã đăng tải một bài viết có tựa Chính sách Iran của ông Trump không thay đổi được hành xử của chính quyền nước này.
Trong một cuộc họp báo về sự thay đổi chính sách, Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo nói rằng, "chúng tôi muốn đẩy (xuất khẩu dầu của Iran-pv) về 0". Bất kỳ quốc gia nào tiếp tục mua dầu từ Iran, ông nói, sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt vào riêng họ.
Ông nói chúng tôi đã đưa ra những yêu cầu rất rõ ràng đối với Ayatollah và những đối tác của ông ấy, ông nói. Dừng việc theo đuổi vũ khí hạt nhân, ngừng thử nghiệm và phổ biến tên lửa đạn đạo, ngừng tài trợ và cam kết với khủng bố".
Ông Trump đảo chiều con đường người tiền nhiệm
Các tuyên bố này, diễn ra gần một năm sau khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ ra khỏi hiệp định hạt nhân đa quốc gia với Iran đạt được vào năm 2015 và ngay sau quyết định ngày 8/4 coi Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran IRGC là một lực lượng khủng bố.
Ông Trump cho biết quyết định này sẽ "mở rộng đáng kể phạm vi và quy mô" chiến dịch của chính quyền nhằm làm suy yếu điều được coi là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh quốc gia của Mỹ ở Trung Đông.
Trong khi người tiền nhiệm của ông Trump, Tổng thống Barack Obama, muốn thuyết phục Iran thay đổi chính sách bằng cách tăng cường liên kết họ với phần còn lại của thế giới, chính quyền của Trump đã đi theo chiến lược ngược lại, nhận định rằng sự cô lập kinh tế sẽ buộc Iran từ bỏ phát triển tên lửa đạn đạo và thay đổi những hành vi mà Tổng thống Mỹ gọi là không thể chấp nhận được.
Nhưng chính sách mới chưa cho thấy hiệu quả. Iran vẫn cung cấp cho Hezbollah khoảng 700 triệu đô la một năm hỗ trợ và tăng cường khả năng quân sự của họ, được cho là đang cung cấp viện trợ tài chính và quân sự cho lực lượng nổi dậy Shiite Houthi chống lại liên minh do Saudi dẫn đầu ở Yemen và giúp đỡ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Và bất chấp xác nhận của các quan chức Mỹ hồi tháng 3 rằng các lệnh trừng phạt đối với các ngành ngân hàng, năng lượng, vận tải và hàng không của Iran đã có hiệu lực như mong muốn, Hezbollah vẫn là lực lượng mạnh nhất ở Lebanon, HouthiCI ở Yemen thường xuyên tấn công quân đội Saudi ở biên giới và chính quyền Assad đang củng cố quyền lực.
Càng nhiều sức ép, Iran càng quyết liệt
Paul Pillar, một cựu sĩ quan CIA, người hiện đang là giáo sư tại Đại học Georgetown, cho biết:
"Iran đang cảm thấy khó khăn về tài chính, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy sức ép đã ảnh hưởng đến khả năng hoặc sự sẵn sàng trong cách Tehran đang hành động ở Trung Đông.
Iran làm những gì họ làm ở Trung Đông không phải theo số tiền mà họ có, mà thay vào đó là theo những gì họ thấy là vì lợi ích an ninh của chính mình".
Quan hệ với các nhóm Shiite đã trở thành một trong những trụ cột trong chính sách khu vực của Iran và Iran dường như không từ bỏ điều đó, theo Raffaelle Mauriello, một chuyên gia nghiên cứu về thế giới tại Đại học Tehran.
Thay vào đó, chính phủ của họ đang cố gắng kiên cường và chờ đợi cơn bão đi qua và cơn bão là ông Trump, ông nói. Họ đang chờ đợi các cuộc bầu cử tiếp theo ở Hoa Kỳ.
IRGC 100.000 lính, được thiết lập sau cuộc cách mạng năm 1979 của Iran, đã gắn bó sâu sắc với nền kinh tế của Iran và đã chịu nhiều lệnh trừng phạt nặng nề bởi chính phủ Mỹ nhằm vào Iran từ năm 1984.
Và Lực lượng Quds tinh nhuệ của IRGC cũng bị coi là lực lượng hỗ trợ khủng bố, Theodore Karasik, một nhà phân tích cao cấp tại vùng Vịnh cho biết.
Các chính sách khác của Hoa Kỳ ở Trung Đông, bao gồm quyết định chuyển Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Israel đến Jerusalem và công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan, đã thúc đẩy ông Trump đứng cùng với Israel và các quốc gia vùng Vịnh Ả Rập, bao gồm cả Ả Rập Saudi coi Tehran như một mối đe dọa đối với tham vọng khu vực của họ.
Những quốc gia này đã hình thành thế bắt tay không chính thức trong khu vực trong việc đối phó với Iran. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, người sẽ giữ chức thủ tướng nhiệm kỳ thứ năm, đã ủng hộ Saudi Arabia trong vụ việc nhà báo Washington Post Jamal Khashoggi bị giết hại vào tháng 10 năm ngoái và chính quyền Mỹ cũng không có nhiều động thái về vụ việc này.
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ đang có tác động kinh tế: Xuất khẩu dầu của Iran giảm, giá trị đồng tiền giảm khoảng 60% trong 12 tháng qua và các nhà đầu tư nước ngoài ngần ngại trong việc đầu tư vào các dự án, trong đó có khí đốt tự nhiên tại Iran.
Việc hết hạn miễn trừ trừng phạt sẽ hạn chế các cơ hội thương mại của Iran hơn nữa - điều sẽ khiến cuộc sống của người Iran gặp khó khăn hơn khi thiếu thịt, thuốc và xăng dầu.
Bất chấp khó khăn về kinh tế, lực lượng bảo thủ Iran vẫn giữ quan điểm cứng rắn.
Chưa đầy hai tuần sau khi Mỹ xác định IRGC là khủng bố, nhà lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei, đã bổ nhiệm Tướng Hossein Salami, một chỉ huy nổi tiếng với những tuyên bố mạnh mẽ, làm người đứng đầu IRGC.
Trước các lời đe dọa, các chính trị gia Iran sát cánh với IRGC, và chủ nghĩa dân tộc của Iran cũng đang gia tăng.
Heidarali Masoudi, trợ lý giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Tehran Mitch Shahid Beheshti cho biết, chính sách áp lực tối đa của Trump "phần lớn sẽ đẩy Iran chuyển sức mạnh và ảnh hưởng quân sự của mình sang cách hợp tác kinh tế lâu dài để lách luật trừng phạt".