Ông Pavel Durov, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành (CEO) ứng dụng nhắn tin Telegram, hôm 28-8 bị cáo buộc một loạt tội danh liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp trên Telegram sau khi bị bắt tại Pháp 4 ngày trước đó. Ông này được cho bảo lãnh tại ngoại nhưng bị cấm xuất cảnh.
Cũng trong tháng này, mạng xã hội X (trước đây là Twitter, trụ sở ở Mỹ) thông báo đóng cửa hoạt động tại Brazil sau khi một trong những quản lý cấp cao của họ đối mặt nguy cơ bị bắt do không gỡ bỏ một số nội dung nhất định trên đó.
Còn vào năm 2023, ông Changpeng Zhao, nhà sáng lập nền tảng tiền điện tử Binance, đã nhận tội vi phạm luật chống rửa tiền liên quan đến các hoạt động trên nền tảng này tại Mỹ.
Trong nhiều năm, CEO các công ty internet hiếm khi phải chịu trách nhiệm cá nhân ở phương Tây vì những gì xảy ra trên nền tảng của họ. Tuy nhiên, trong bối cảnh các cơ quan thực thi pháp luật, cơ quan quản lý và nhà hoạch định chính sách đẩy mạnh giám sát các nền tảng và sàn giao dịch trực tuyến, họ đang tăng cường xem xét việc buộc lãnh đạo công ty chịu trách nhiệm trực tiếp.
Theo tờ The New York Times, sự thay đổi trên khiến dư luận thắc mắc liệu các CEO công nghệ, như Mark Zuckerberg của Tập đoàn Meta (Mỹ, sở hữu các mạng xã hội Facebook và Instagram) có nguy cơ bị bắt khi họ đặt chân đến châu Âu hay không.
Một số nhà phân tích cho rằng nguy cơ CEO phải chịu trách nhiệm về những gì diễn ra trên các trang web của họ đang tăng, nhất là trong những lĩnh vực cụ thể như an toàn trẻ em.
Vào năm 2023, Anh đã thông qua một luật an toàn trực tuyến có thể buộc lãnh đạo công nghệ chịu trách nhiệm cá nhân nếu công ty của họ được thông báo về nội dung nguy hại cho trẻ em nhưng không xóa bỏ chúng một cách có hệ thống.
Trong vụ việc của ông Durov, các chuyên gia cho rằng nhân vật này đã tự biến mình thành mục tiêu khi nhà chức trách Pháp chỉ trích Telegram không hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật.
Đáp lại, tuyên bố được Telegram đưa ra sau vụ bắt giữ khẳng định họ tuân thủ luật pháp của Liên minh châu Âu (EU). Tuyên bố này cũng nhấn mạnh thật phi lý khi cho rằng một nền tảng hoặc chủ sở hữu của nó phải chịu trách nhiệm về việc nền tảng đó bị lạm dụng.
Các công ty công nghệ giờ đây quan tâm nhiều hơn đến trách nhiệm pháp lý mà CEO có thể phải đối mặt. Năm 2024, Meta đã thành công trong việc xóa tên ông Zuckerberg khỏi danh sách bị đơn trong vụ kiện do Tổng chưởng lý bang New Mexico (Mỹ) khởi xướng, theo đó cáo buộc công ty này không bảo vệ được trẻ em.
Bà Daphne Keller, chuyên gia tại Trường Luật ĐH Stanford (Mỹ), nhận định một thách thức đối với các công tố viên và cơ quan thực thi pháp luật là chứng minh được CEO công nghệ biết về hoạt động bất hợp pháp trên nền tảng mình và không tìm cách ngăn chặn những tác hại liên quan.
Các nền tảng như TikTok, YouTube, Snap, Meta… đã nỗ lực gỡ bỏ và báo cáo nội dung bất hợp pháp cho các cơ quan thực thi pháp luật nên lãnh đạo các công ty này có thể lập luận rằng họ đã cố gắng làm điều đúng đắn.
Dù vậy, một số chuyên gia chỉ ra rằng cần gia tăng áp lực pháp lý lên lãnh đạo các công ty công nghệ để buộc họ hành động. "Đối với các giám đốc điều hành, mối đe dọa trừng phạt cá nhân có tác động mạnh hơn rất nhiều so với nguy cơ công ty bị phạt tiền" - ông Bruce Daisley, người từng là phó chủ tịch tại Twitter trước khi tỉ phú Elon Musk mua lại mạng xã hội này năm 2022 và đổi tên thành X, viết trên trang The Guardian gần đây.