SCMP trích dẫn báo cáo của Đại học Nhân dân Trung Quốc cho biết, chỉ số quốc tế hoá đồng Nhân dân tệ, theo dõi hoạt động của đồng tiền tệ này trên toàn cầu, cho thấy mức tăng hàng năm đạt 22,9% vào năm 2023.
Báo cáo chỉ ra, khi chất lượng hệ thống tài chính của một quốc gia tăng lên trong quá trình vận hành chuỗi cung ứng, thì nền tảng cho việc sử dụng đồng tiền của quốc gia đó sẽ được củng cố. Ngoài ra, quá trình quốc tế hoá của đồng Nhân dân tệ vẫn mạnh khi so sánh với các đồng tiền tệ chủ chốt khác, bất chấp hoạt động thương mại của Trung Quốc với các nước khác gặp hạn chế trong bối cảnh môi trường bên ngoài có nhiều khó khăn.
Trung Quốc đang nỗ lực gia tăng sức ảnh hưởng của đồng Nhân dân tệ trên toàn cầu một cách ổn định và thận trọng. Cùng lúc đó, Bắc Kinh cũng cải thiện chất lượng quản lý và ngăn ngừa rủi ro trong dòng vốn xuyên biên giới.
Báo cáo cho biết, trong chỉ số này, điểm quốc tế hoá trung bình của đồng Nhân dân tệ trong năm ngoái là 6,27, trong khi đồng USD là 51,52 và đồng euro đạt 25,03. Điểm cao hơn phản ánh mức độ quốc tế hoá cao hơn, song báo cáo này không nêu cụ thể điểm tối đa là bao nhiêu.
Đồng Nhân dân tệ được xếp hạng cao hơn trong chỉ số so với đồng bảng Anh và đồng yên Nhật, lần lượt có số điểm là 3,76 và 4,4.
Các nhà nghiên cứu của Đại học Nhân dân bắt đầu lập chỉ số này vào năm 2012. Họ đối chiếu dữ liệu liên quan đến hoạt động thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ trong thương mại, giao dịch tài chính và việc sử dụng làm đồng tiền dự trữ chính thức ở các quốc gia khác để xác định mức độ quốc tế hoá của đồng tiền này.
Tu Xinquan, giáo sư và trưởng Viện Trung Quốc thuộc Viện nghiên cứu WTO tại Đại học Kinh doanh và Kinh tế Quốc tế, cho biết hồi tháng 5 rằng, những nỗ lực không ngừng nghỉ của Bắc Kinh nhằm tối ưu hoá các hoạt động thương mại xuyên biên giới sẽ giúp thúc đẩy quá trình quốc tế hoá đồng Nhân dân tệ.
Ông nói thêm: “Các nền tảng thanh toán tài chính xuyên biên giới do nhiều tỉnh thành lập đã thu hút nhiều tổ chức tài chính, nâng cao hiệu quả thanh toán và lợi nhuận doanh nghiệp, mở rộng các kênh đầu tư và tài trợ, cũng như thúc đẩy quốc tế hoá đồng Nhân dân tệ.”
Dù sức ảnh hưởng tăng lên, song báo cáo của Đại học Nhân dân cũng cảnh báo quá trình quốc tế hoá của đồng Nhân dân tệ phải đối mặt với những thách thức. Trong đó bao gồm áp lực từ nền kinh tế Trung Quốc, rủi ro địa chính trị kéo dài, tỷ suất lợi nhuận tương đối thấp đối với các tài sản bằng đồng Nhân dân tệ và tỷ giá hối đoái của đồng Nhân dân tệ với USD khá yếu.
Báo cáo cho biết: “Blockchain và big data cũng cần được sử dụng để ổn định và bảo vệ chuỗi cung ứng trước những rủi ro. Ngoài ra, chất lượng dịch vụ cũng cần được cải thiện với các đối tác trong Hệ thống Thanh toán Liên ngân hàng Xuyên biên giới, đồng thời hỗ trợ nhiều hơn cho các hoạt động thương mại trong Sáng kiến Vành đai và Con đường, Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực.”