Cần tính đến địa tô chênh lệch để xử lý hài hoà mối quan hệ lợi ích các bên.
Đề xuất kéo dài thời gian lấy ý kiến
Ngày 16/3, Ban Dân nguyện của Quốc hội và Hiệp hội khoa học hành chính Việt Nam tổ chức toạ đàm đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.
TS.Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, dự thảo luật vẫn còn chung chung, chưa giải quyết được các mâu thuẫn, vướng mắc trong thực tiễn. Điển hình như còn một số nội dung chồng chéo trong quản lý sử dụng và bảo đảm quyền sử dụng đất; chưa thiết lập hoàn chỉnh hệ thống bộ máy quản lý kiểm soát quyền lực; vẫn còn khả năng xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí…
Cho rằng dự thảo Luật Đất đai vẫn ngổn ngang, còn nhiều vấn đề, PGS.TS Nguyễn Thị Nga, Phó Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội đề nghị nên kéo dài thời gian lấy ý kiến nhân dân, không nên gói gọn chỉ kéo dài đến hết ngày 15/3. “Cần coi trọng chất lượng, không nên bị ép buộc bởi thời gian”, bà Nga cho hay.
Quan tâm đến điều 78, PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến cho rằng, dự thảo giải thích về dự án phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng còn quá chung chung, chưa làm nổi bật được một số tiêu chí cơ bản để phân biệt với các dự án phát triển khác.
Theo ông Tuyến, cần nhấn mạnh mục đích của dự án phát triển kinh tế xã hội phải mang lại lợi ích chung cho mọi người dân được thụ hưởng trên phạm vi của một xã, một huyện, một tỉnh, một vùng và cả nước. Mặt khác, dự án này phải chứng minh được khi triển khai sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội ra sao, và lợi ích mang lại phải được điều tiết vào ngân sách nhà nước chứ không phải rơi vào túi nhóm lợi ích, hay một bộ phận tổ chức, cá nhân.
“Nếu không quy định cụ thể, chi tiết về dự án công trình công cộng không nhằm mục đích kinh doanh sẽ dễ gây ra cách hiểu khác nhau, mỗi nơi giải thích một kiểu, dẫn đến áp dụng thiếu thống nhất và tiềm ẩn nguy cơ lợi dụng”, ông Tuyến cho hay.
Các yếu tố khác là những yếu tố nào?
Tại cuộc toạ đàm, PGS. TS. Đinh Dũng Sỹ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ viện dẫn theo rà soát của Bộ TN&MT thì có tới 88 luật, bộ luật hiện hành có các quy định liên quan đến dự thảo Luật Đất đai, trong đó có tới 24 luật, bộ luật còn các quy định chồng chéo, mâu thuẫn.
Do vậy, ông Sỹ cho rằng, cùng với việc sửa Luật Đất đai, cần phải sửa đổi, bổ sung các luật khác liên quan. Nếu chưa làm kịp thì ngay trong Luật Đất đai sửa đổi phải xác định rõ danh mục cần sửa đổi trong thời gian từ khi Luật Đất đai được thông qua đến khi có hiệu lực thi hành.
Đề cập đến điều 153 quy định nguyên tắc, phương pháp định giá đất, ông Sỹ lưu ý, nếu định giá đất để đền bù cho người dân theo giá đất nông nghiệp (giá trước dự án) mà không tính đến địa tô chênh lệch thì vẫn chưa thể xử lý hài hoà mối quan hệ lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, ông Sỹ cũng băn khoăn khi điều 153 quy định việc định giá đất căn cứ vào thời hạn sử dụng đất và các yếu tố khác ảnh hưởng đến giá đất. “Vậy các yếu tố khác là những yếu tố nào, cần phải được tiếp tục cụ thể hoá”, theo ông, cần phải có dự thảo Nghị định của Chính phủ, kể cả dự thảo sửa đổi Thông tư 36 của Bộ TN&MT trình kèm dự thảo luật, mới có thể biết được các quy định về giá đất có khả thi không.
Đối với vấn đề bảng giá đất và giá đất cụ thể, dù dự thảo đã bỏ khung giá đất, nhưng vẫn còn hệ thống hai giá đất là giá trong bảng giá đất và giá đất cụ thể. Về thẩm quyền, theo ông, dự thảo cần quy định cơ quan cấp tỉnh, huyện “phải thuê” thay cho từ “được thuê” tổ chức tư vấn xác định giá đất.
Theo ông, quy định bắt buộc như vậy mới đảm bảo được chính sách giá đất phải được xác định từ một tổ chức định giá chuyên nghiệp, đảm bảo tính độc lập, khách quan trước khi giá đất được thẩm định, phê duyệt.