Gần đây, sự xuất hiện bất ngờ của cựu Tổng Bí thư - Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo tại thời điểm bước ngoặt trước thềm Đại hội khóa 19 của đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào năm 2017 đã gây sự chú ý đặc biệt đến dư luận và giới truyền thông.
Cụ thể, ngày 19/9, chương trình Xinwenlianbo - chương trình thời sự được phát vào khung giờ vàng 19h tối hàng ngày của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) - đã dành hơn ba phút cho bản tin về cuốn sách Hồ Cẩm Đào tuyển tập được xuất bản.
Ngoài CCTV, ngày 20/9, tờ Nhân dân nhật báo - cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ cũng đăng tải bài xã luận về cuốn sách của người tiền nhiệm ông Tập Cận Bình.
Tuyển tập này được chia làm ba cuốn do Nhà xuất bản Nhân dân (Trung Quốc) phát hành ngày 20, bao gồm những báo cáo, diễn văn, tham luận, bài viết, chỉ thị và thư chúc mừng quan trọng trong khoảng thời gian từ 6/1988 đến 11/2012, trong đó phần lớn nội dung lần đầu công bố.
Cựu thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo trong buổi nói chuyện tại trường Đại học Học viện Khoa học Trung Quốc ngày 27/9. (Ảnh: ifeng)
Đáng chú ý, ngày 18/9 - một ngày trước khi bản tin về Hồ Cẩm Đào tuyển tập lên sóng, thông tin chuyến thăm của cựu Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đến một trường trung học ở tỉnh Hồ Bắc cũng được đăng tải ở vị trí đầu tiên trên trang chủ các báo nội địa.
Theo truyền thông Trung Quốc, đây là chuyến khảo sát đến sáu huyện của hai tỉnh Hồ Bắc, An Huy từ ngày 18/9 đến 23/9.
Đặc biệt hơn, vào ngày 27/9, khi Bộ chính trị Trung Quốc khai mạc cuộc họp quyết định thời gian tổ chức Hội nghị toàn thể lần 6 của Ủy ban trung ương Đại hội khóa 18 thì truyền thông Bắc Kinh cũng đăng tải hình ảnh ông Ôn xuất hiện tại một trường đại học.
Theo giới quan sát, Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo là những nhân vật mang tính biểu tượng của thế hệ lãnh đạo thứ tư tại Trung Quốc. Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường là lớp lãnh đạo kế nhiệm của hai ông.
Trong thời kỳ nắm quyền, Hồ Cẩm Đào đã nhiều lần đưa ra yêu cầu về quản lý nhân sự như "không được kết bè kéo phái" và phương châm này đã được ông Tập Cận Bình nhấn mạnh nhiều lần tại các hội nghị cấp cao.
Bên cạnh đó, chiến dịch chống tham nhũng "đả hổ đập ruồi" của ông Tập cũng nhận được sự ủng hộ rất lớn từ Hồ Cẩm Đào.
Do đó, từ sau Đại hội khóa 18 đến nay, tại mỗi hội nghị hay thời điểm quan trọng chuyển giao quyền lực, dư luận đều thấy hai ông Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo "lộ diện" thông qua các hình thức khác nhau nhằm ủng hộ ông Tập Cận Bình cũng như thể hiện quyết tâm chính trị của bản thân.
Tác phẩm "Hồ Cẩm Đào tuyển tập" được quảng bá tại một nhà sách. (Ảnh: VCG)
Vào tháng 3/2016, mạng xã hội Trung Quốc cũng rầm rộ khi hình ảnh cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào xuất hiện trong chuyến thăm về quê được một tài khoản mạng đăng tải. Tuy nhiên, bức ảnh cũng như bình luận đã nhanh chóng bị xóa ngay sau đó.
Theo chuyên gia phân tích chính trị Bắc Kinh Chương Lập Phàm, sự xuất hiện của các cựu lãnh đạo Trung Quốc đều sẽ chịu sự giám sát chặt chẽ của nội bộ đảng. Họ không được phép lộ diện công khai trên truyền thông nếu không được sự cho phép.
Giới truyền thông Trung Quốc cũng hạn chế đưa tin về hoạt động của các cựu lãnh đạo này.
Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu truyền thông quốc tế Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh Kiều Mộc cho biết: "Đây là thông lệ của các cựu lãnh đạo, sau khi về hưu, họ sẽ ẩn mình và nhường 'sân chơi' cho những lãnh đạo đương nhiệm".