TS Du thuộc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, một chuyên gia từ lâu đã khẳng định được uy tín cá nhân chứ không phải diện “tiến sĩ giấy” và phát ngôn của ông, là trong một hội thảo về giải pháp giảm ùn tắc giao thông.
“Cơn mưa gạch đá” từ dư luận giáng xuống TS Du, có thể nhặt ra hai chi tiết. Phản hồi của một bạn đọc: Liệu có thể tương đương với việc không nên xây thêm bệnh viện phụ sản để dân số không tăng (?!).
Và phản hồi của TS Lương Hoài Nam: “Trong ngắn hạn, người ta có thể hạn chế ôtô cá nhân, nhưng trong dài hạn, người ta vẫn phải tìm cách cho ôtô tăng trưởng.
Vì nó là nhu cầu của con người, là một phần của cuộc sống hạnh phúc. Người ta thà chịu tắc đường mà được ngồi trong xe con”.
Với quan điểm của TS Huỳnh Thế Du, TS Nam cũng xin thưa thẳng thắn: “Một tinh thần chống ôtô, chống văn minh đến mức thế này thì thú thực là tôi chưa từng thấy ở đâu cả”.
Ông Nam nói đúng! Chiếc xe hơi, thật ra chỉ là một phương tiện để sắt thép bảo vệ thịt da con người. Và nhu cầu về một chiếc xe là quá chính đáng và không có bất cứ một xã hội, một thứ quy phạm luật nào có thể cấm cản điều đó.
Nhà nước, trong từng điều kiện hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, có thể có những biện pháp hạn chế xe cá nhân, nhưng hạn chế bằng cách thôi, khỏi mở rộng đường, cho dù đó là con đường đang hiện diện những chiếc buýt công cộng - để dân bức xúc chịu hết nổi phải sử dụng phương tiện công cộng thì đúng là kỳ cục.
Phải nhắc lại ý kiến của TS Huỳnh Thế Du là bởi nó chỉ là một trong những biểu hiện cho thấy sự rối bời trong tư duy quy hoạch giao thông cũng như biện pháp chống ùn tắc. Hay nói chính xác, là sự bất lực.
Nhìn ngược lại thủ đô, trong khi đề án hạn chế xe cá nhân rục rịch đệ trình nay mai với không ít quyết liệt từ các vị lãnh đạo, thì ở chiều ngược lại, chính họ lại phê chuẩn quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô.
Theo đó, cho phép nghiên cứu xây dựng công trình cao tầng tại hai bên đường vành đai, trục hướng tâm, tuyến phố chính, khu vực điểm nhấn với chiều cao tối đa từ 24-27 tầng.
Sự ùn tắc nguy hiểm nhất, tồi tệ nhất, vì thế, không phải là ở ngoài đường, mà chính là sự ùn tắc trong đầu những người làm quy hoạch giao thông.