Ngành công nghiệp độc quyền
Nam Phi đã chăn nuôi mạnh mẽ sư tử vì mục đích thương mại từ những năm 1990.
Các câu lạc bộ và cơ sở chăn nuôi sư tử này được phát triển thành những dự án thu hút khách du lịch đến trải nghiệm các dịch vụ như bắt tay sư tử và chụp ảnh, vuốt ve sư tử con… Những con sư tử này được coi là những con may mắn nhất trong số những con đang được chăn nuôi, bởi những con sư tử được nuôi dưỡng khác thực sự đang sống giống như trong địa ngục.
Một số con sư tử được đặt trong một bãi săn rộng lớn dành cho những người nước ngoài giàu có để tận hưởng niềm vui săn bắn; một số con sư tử được nuôi với mục đích làm tiêu bản và bán; và một số con sư tử khác được nuôi để "thu hoạch" các bộ phận cơ thể để phân phối trên khắp thế giới.
OCCRP, tổ chức gồm các nhà báo điều tra đã theo dõi chuỗi cung ứng xương sư tử bất hợp pháp trong nhiều năm, phát hiện ra rằng hầu hết xương xuất khẩu đều bị chuyển hướng trong quá trình vận chuyển và được các tổ chức buôn bán động vật hoang dã xuyên quốc gia mua lại, sử dụng.
Trở lại Nam Phi. Theo hồ sơ vào năm 2019, có khoảng 8.000 con sư tử được nuôi dưỡng tại hơn 350 trang trại sư tử ở Nam Phi. Để so sánh, số lượng sư tử hoang dã hiện nay ở nước này ước tính vào khoảng 3.500 con. Một số trang trại còn nuôi những loài mèo lớn khác như hổ, báo gêpa, báo đốm Mỹ và nhiều giống lai khác nhau.
Ngành này được quản lý như thế nào?
Nam Phi thực tế đã có luật để quản lý ngành công nghiệp này - Đạo luật quản lý môi trường quốc gia: Đa dạng sinh học và các quy định liên quan đến các loài bị đe dọa hoặc được bảo vệ. Tuy nhiên việc thực thi vẫn chưa thực sự hiệu quả, điều này khiến ngành chăn nuôi sư tử trở thành một ngành tồn tại với nhiều sự nhầm lẫn.
Nhiều nhà hoạt động vì quyền động vật tin rằng việc thiếu nỗ lực quản lý chính thức chủ yếu là do ngành chăn nuôi sư tử kiếm được rất nhiều tiền. Ngành công nghiệp này đóng góp tới 500 triệu Rupi cho nền kinh tế Nam Phi hàng năm, tương đương với doanh thu khoảng 42 triệu USD.
Năm 2021, một báo do các chuyên gia liên quan từ nhiều quốc gia tổng hợp nhấn mạnh ngành này gây rủi ro cho sức khỏe cộng đồng do nguy cơ tiềm ẩn các bệnh lây truyền từ động vật sang người và sư tử tấn công; đồng thời không đóng góp ý nghĩa vào việc bảo tồn sư tử hoang dã.
Tương tự như vậy, ở cấp độ quốc tế, việc xuất khẩu xương sư tử được quy định theo Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật và thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng (CITES). Nhưng ngành này đã bị giám sát chặt chẽ kể từ năm 2019, khi một tòa án cấp cao ở Nam Phi tuyên bố hạn ngạch xuất khẩu xương sư tử là vi hiến.
Điều này có nghĩa là bộ xương sư tử không thể được xuất khẩu hợp pháp vì mục đích thương mại. Và bất kỳ hoạt động xuất khẩu nào sau đó có nguồn gốc từ các trang trại sư tử đều là bất hợp pháp.
Sư tử nuôi nhốt ở Nam Phi được thuần hóa và quen với con người. Sư tử con được đưa vào các điểm tham quan thú cưng từ khi còn rất nhỏ trong khi sư tử trưởng thành hơn được sử dụng trong các hoạt động du lịch khác.
Khi sư tử đã quá lớn và khó đảm bảo được an toàn cho khách khi tiếp xúc, chúng sẽ bị đưa về nuôi nhốt hoặc bán cho các cơ sở khác, có thể bị bắn hạ trong các cuộc đi săn, bị giết để chế biến thịt đóng hộp hoặc để lấy xương.
Tham khảo: Downtoearth; Zhihu