Mới đây, tờ The New York Times xuất bản bài viết "Russia's Comebank Isn't Stopping With Syria" (tạm dịch: Sự trỗi dậy của nước Nga không dừng lại ở Syria) của tác giả Dmitri Trenin.
Nhằm giúp độc giả có cái nhìn khách quan về vai trò của Nga trong cuộc xung đột hiện tại ở Syria cũng như phân tích về vị thế của nước Nga trong thế giới đa cực tương lai, chúng tôi xin lược dịch bài viết.
Nga có phải là "ông ba bị" như Liên Xô?
Đối với phương Tây, việc nước Nga dưới thời Tổng thống Putin trở lại sân khấu chính trị thế giới những năm qua là một bất ngờ "không mấy dễ chịu". Đối với họ, sự sụp đổ của Liên Xô đồng nghĩa với việc nước Nga bị xóa khỏi vị thế cường quốc.
5 năm sau những lệnh trừng phạt liên quan tới cái gọi là "hành động quân sự" của Nga ở Ukraine, nước Nga thay vì suy yếu đã "đóng băng" cuộc xung đột ở Donbass và đứng ở vị trí những người chiến thắng ở một cuộc chiến khác, Syria.
Người Nga đã chứng minh rằng họ có cách để chiến thắng (về mặt quân sự) một cuộc chiến ở thế kỷ 21 và trở thành một "nhà môi giới quyền lực" ở quốc gia đó.
Những người lính Syria vẫy cờ Nga trong quá trình tiếp quản khu vực đông bắc Syria tháng 10/2019.
Nói cách khác, chiến thắng của người Nga và lực lượng chính phủ Syria đã nâng cao uy tín của nước Nga ở Trung Đông và khẳng định việc Moscow đã một lần nữa trở thành một cường quốc.
Phương Tây có lẽ cần phải hiểu thực tế rằng nước Nga mặc dù không phải là một siêu cường như Liên Xô, nhưng đã trở lại như một nhân tố độc lập rất quan trọng. Và họ sẽ tiếp tục mở rộng sự hiện diện ở nhiều khu vực trên thế giới trong những năm tới.
Khi thế giới chứng kiến một "nước Nga khủng hoảng" những năm 1990 với con mắt coi thường thì các nhà lãnh đạo của Nga đánh giá sự suy giảm sau khi Liên Xô sụp đổ chỉ là tạm thời, điều mà đất nước này đã trải qua nhiều lần trong lịch sử.
Câu hỏi duy nhất trong đầu họ là nước Nga sẽ "trỗi dậy" dưới hình thức như thế nào, một Đế quốc Nga hay một Liên Xô?
Lính Nga tại Deir Ezzor năm 2017.
Trỗi dậy từ "đống tro tàn" của Liên Xô?
Vào những năm 2000, Moscow đã thực sự "vỡ mộng" khi mong muốn trở thành một phần của cộng đồng Euro-Atlantic (Châu Âu - Đại Tây Dương).
Những "lời cầu xin" để nhận được sự đối xử bình đẳng đã không gây ấn tượng với Washington, và an ninh quốc gia của Nga bị uy hiếp trong quá trình mở rộng NATO.
Sau các cuộc Chiến tranh Chechnya lần 2 (1999-2000) và Chiến tranh Nam Ossetia năm 2008 Kremlin đã bắt đầu vạch ra một chiến lược rất rõ ràng và "khai tử" các chính sách hội nhập phương Tây từ đầu thập niên 2010.
Vai trò của quân đội Nga ở Ukraine năm 2014 được đánh giá là bước đột phá trật tự do phương Tây thống trị kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Việc tái sáp nhập Crimea và ủng hộ các nhóm dân quân ly khai ở Donbass đã không trở thành một cuộc"tái chiếm" Đông Âu như phương Tây lo ngại, nhưng rõ ràng Ukraine và một số quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ đã "vượt quá giới hạn" với sự mở rộng của NATO.
Nói cách khác, "vùng đệm" bảo vệ nước Nga đã được tái thiết lập.
Cuộc xung đột tại miền đông Ukraine đang ở trong tình trạng "đóng băng".
Từ quan điểm của Kremlin, can thiệp vào Ukraine về cơ bản là các biện pháp phòng thủ, thì sự can thiệp của Nga ở Syria năm 2015 là một sự mạo hiểm. Nhưng đó là một sự mạo hiểm "đáng giá".
Liên Xô nói chung và người Nga nói riêng đã có tiếng xấu ở khu vực Trung Đông sau khi bỏ rơi Iraq dưới thời nhà lãnh đạo Saddam Hussein trong Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991, chính vì vậy, quyết định can thiệp vào Syria ban đầu nhằm một số mục tiêu khá hạn chế.
Kết quả của cuộc can thiệp quân sự và các hoạt động ngoại giao ở Syria không những vượt xa kỳ vọng ban đầu của Tổng thống Nga Putin mà còn gây bối rối cho các nhà phân tích chính trị thế giới.
Người Nga đang gặt hái những thành công vượt xa chiến thắng ở Syria, họ đang hưởng lợi từ một "liên minh linh hoạt" với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, thỏa thuận giá dầu mỏ thế giới với Arab Saudi và hồi sinh quan hệ quân sự với Ai Cập.
Quân cảnh Nga và lính Thổ Nhĩ Kỳ tuần tra chung tại đông bắc Syria.
Ai Cập, quốc gia đã lựa chọn từ bỏ Liên Xô và "hướng Tây" từ thập kỷ 1970 hiện là một nhân tố quan trọng trong cuộc xung đột hiện tại ở Libya, là trung gian đàm phán giữa Israel và Palestine, giữa Iran và các quốc gia vùng vịnh
Người Nga đã đạt được tất cả những điều nói trên trong khi vẫn duy trì mối quan hệ mật thiết với đối thủ của các quốc gia nói trên, Israel.
Vị thế của người Nga ở Trung Đông là bàn đạp để các hoạt động ngoại giao ở các khu vực khác như Afghanistan và "Lục địa Đen" Châu Phi, nơi Moscow tự quảng cáo mình là một "đối tác an ninh tin cậy".
Độ tin cậy của tuyên bố này không chỉ được lấy ví dụ từ chiến trường Syria mà còn từ sự hỗ trợ của Nga cho chính phủ của Tổng thống Maduro ở Venezuela, người vẫn đang tiếp tục cầm quyền mặc dù đã bị khoảng 50 quốc gia do Mỹ lãnh đạo liên tục tổ chức lật đổ từ năm 2018.
Mặc dù sự hiện diện quân sự của Nga ở Venezuela chỉ bao gồm vài trăm binh lính, nhưng nó là một hậu thuẫn quan trọng cho chính phủ của TT Maduro.
Nước Nga vẫn đầy "nhược điểm"?
Người Nga đã học được bài học từ sự sụp đổ của siêu cường Liên Xô về việc phung phí sức mạnh khắp thế giới, tiêu tốn những nguồn lực khổng lồ vào các tham vọng địa chính trị.
Chính sách đối ngoại của Nga hiện tại không nói quá nhiều về trật tự thế giới tương lai hay về vị trí của Nga trong trật tự đó, thay vì áp đặt các mô hình xã hội cho người khác, người Nga hiện tại "thực dụng" hơn, tìm kiếm các cơ hội kinh tế dựa trên giá trị của các cam kết của đối tác.
Nhưng đó cũng là một "hồi chuông cảnh tỉnh", người Nga rõ ràng đang "mặc áo quá đầu". Chính sách đối ngoại sử dụng cái gọi là "quyền lực lớn" của Nga hiện không có sức mạnh kinh tế tương xứng.
Sức mạnh công nghệ từ thời Liên Xô trước đây đã bị sứt mẻ nghiêm trọng. Giới cầm quyền Nga đang quá bận rộn chạy theo lợi nhuận hơn là dành thời gian để suy nghĩ và hành động vì lợi ích quốc gia.
Và tất nhiên, một số chính sách đối ngoại gần đây của Nga đã có phần thất bại và cho thấy những sai lầm.
Ví dụ như việc "vũ khí hóa" mạng Internet để gây ảnh hưởng chính trị trong nước và các quốc gia khác đã gây ra các phản ứng dữ dội từ các đối tác quan trọng như Đức và Pháp và làm "thụt lùi" các nỗ lực chính trị của Nga.
Người Nga hiện tại "thực dụng" hơn nhiều so với Liên Xô (Ảnh: AFP).
Kết luận
Nước Nga đã chứng minh rằng họ có thể tiếp tục tồn tại như là một cực quan trọng trong thế giới đa cực, và phương Tây đã bắt đầu chấp nhận sự thật đó và tìm cách đối phó.
Rõ ràng khi giới lãnh đạo Nga không còn những "kỳ vọng khổng lồ" thì phương Tây sẽ không coi nước Nga là "nỗi ám ảnh chiến tranh", một "ông ba bị" như Liên Xô hoặc xa hơn là Đế quốc Nga.
Trong thế giới ngày càng ảnh hưởng bởi cuộc cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, nhân tố độc lập lớn như Nga có thể đóng một vai trò quan trọng ngăn chặn một cuộc đối đầu đẫm máu có quy mô toàn cầu, Thế chiến thứ 3.
Tiến sĩ Dmitri Trenin từng là cựu sĩ quan Hồng quân Liên Xô và Tình báo quân sự Nga (GRU), hiện là ông giám đốc người Nga đầu tiên của Trung tâm phân tích Carnegie tại Moscow.
Từ năm 1989 tới năm 1993, Dmitri Trenin giảng dạy tại khoa Nghiên cứu Chiến tranh, Học viện Quân sự Liên Xô.
Sau khi nghỉ hưu năm 1993 với cấp bậc đại tá, ông trở thành nghiên cứu viên cao cấp thuộc Học viện quốc phòng NATO ở Rome và giảng dạy tại Đại học Vrije Brussels tại Bỉ.
Từ năm 1993-1997, Trenin là nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Châu Âu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga tại Moscow.
Trenin cũng là thành viên của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế IISS tại London, Hội đồng quốc tế Nga tại Moscow, Hiệp hội nghiên cứu quốc tế Nga tại Moscow và Viện hàn lâm khoa học quân sự Hoàng gia Thụy Điển.
Ngoài vị trí giám đốc của Garnegie, ông cũng là thành viên của Hội đồng quản trị của Trường Nghiên cứu Chính trị Moscow.
Sức mạnh quân sự của Nga năm 2019.