Theo National Interest, một loạt các báo cáo hồi đầu tuần cho rằng Nga đang tìm cách xuất khẩu S-400 sang Iraq. Các thông tin này dẫn lại câu chuyện kịch tính và hấp dẫn.
Quyết định ra lệnh không kích nhằm tiêu diệt Tướng hàng đầu Iran Qasem Soleimani của chính quyền Tổng thống Trump đang đặt ra nghi vấn về tương lai sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Trung Đông. Trong đó, đỉnh điểm là cuộc bỏ phiếu của quốc hội Iraq mới đây về việc trục xuất quân đội Mỹ khỏi đất Iraq.
Không phải là không có lý khi cho rằng các đối thủ ngang hàng của Washington sẽ cố gắng lấp đầy khoảng trống quân sự tiềm tàng do Mỹ rút khỏi Iraq và một quyết định trong tương lai của Baghdad về việc nhập khẩu S-400 sẽ gửi một thông điệp rõ ràng về việc tái định hướng địa chính trị của Iraq trong giai đoạn mới.
Không có bằng chứng cho thấy Nga đang tìm cách xuất khẩu tên lửa S-400 sang Iraq
Chỉ có một vấn đề: cho đến nay, chưa có bằng chứng nào cho thấy chính phủ Nga đang thực hiện các bước cụ thể để ký hợp đồng xuất khẩu tên lửa S-400 với Iraq.
Tất cả những suy đoán về vấn đề này được đưa ra dựa trên một tuyên bố của một nhà bình luận quốc phòng nổi tiếng của Nga, ông Igor Korotchenko với hãng thông tấn nhà nước Nga RIA:
"Iraq là đối tác của Nga trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự và Nga có thể cung cấp kinh phí cần thiết nhằm đảm bảo chủ quyền cũng như bảo vệ không phận cho nước này trong đó, bao gồm việc cung cấp tên lửa S-400 và các thành phần khác của hệ thống phòng không ...".
Ông Korotchenko là một nhân vật có ảnh hưởng trong báo chí quốc phòng Nga, từng là tổng biên tập của ấn phẩm quốc phòng Nga. Tuy nhiên, ông Korotchenko không phải là một quan chức chính phủ vậy nên những nhận định của ông về mối quan hệ quốc phòng Nga-Iraq không phải là đại diện cho Moscow mà hoàn toàn mang tính cá nhân.
Giống như nhiều đồng nghiệp của ông trong lĩnh vực bình luận quốc phòng Nga, ông Korotchenko coi sự phổ biến trên toàn cầu của hệ thống S-400 mang lại giá trị tích cực, mang đến sự bảo đảm chủ quyền cho quốc gia Hồi giáo chống lại sự phụ thuộc của Mỹ / NATO.
Tư tưởng này đã khiến ông Korotchenko đề xuất bán S-400 cho Azerbaijan và Saudi Arabia, hai quốc gia ít bày tỏ sự quan tâm đến việc mua hệ thống phòng thủ của Nga. Ông Korotchenko cũng là người ủng hộ việc cung cấp S-400 cho Iran dù Moscow vốn mang những lo ngại về một vòng xoáy leo thang quân sự ở Trung Đông.
Iraq được biết là đã mua nhiều thiết bị quân sự cao cấp của Nga - đáng chú ý nhất là xe tăng chiến đấu chủ lực T-90S nhưng Baghdad hiểu rằng S-400 là vũ khí chiến lược mang ý nghĩa địa chính trị có tác động nghiêm trọng cho các nước láng giềng.
Tất cả những điều này không đưa đến khẳng định hợp đồng nhập khẩu S-400 của Iraq là điều không bao giờ có trong thời gian sau này,. Tuy nhiên, điều rõ ràng là những lo ngại về một chiến dịch sắp xảy ra của Nga nhằm trao cho Iraq tên lửa S-400 là đang bị phóng đại quá mức.