Sự thay đổi toàn diện của quân đội Nga

Mộc Thạch |

Nhân dịp cuối năm, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Serguei Shoigu đã dành cho Mikhail Rostovsky, nhà bình luận chính trị của nhật báo Moskovskij Komsomolets, một cuộc trả lời phỏng vấn, nói về vai trò, trách nhiệm và những đóng góp của quân đội trong xã hội Nga ngày nay, cũng như quá trình “thoát thai hoán cốt” của quân đội Nga sau khi Liên Xô tan rã.

Tổng thống Putin và Bộ trưởng Quốc phòng Serguei Shoigu.

Tổng thống Putin và Bộ trưởng Quốc phòng Serguei Shoigu.

Mikhail Rostovsky: Tôi thuộc nhóm những người Nga sống với khẩu hiệu "hãy để không còn chiến tranh nữa". Bộ trưởng có sợ chiến tranh?

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu: Tất nhiên, chiến tranh là một điều khủng khiếp. Tôi có thể nói điều này vì tôi biết rất rõ chiến tranh là gì. Lần đầu tiên tôi chứng kiến một cuộc chiến là vào năm 1992, khi tôi được giao nhiệm vụ thành lập lực lượng gìn giữ hòa bình ở Nam Ossetia. Và chúng tôi đã hoàn thành.

Xung đột Ossetia/Gruzia là cuộc chiến đầu tiên trên lãnh thổ của Liên Xô cũ, đã được ngăn chặn nhanh chóng và thành công. Sau có Abkhazia, Cộng hòa Moldova. Cũng ở đó, chúng tôi đã thành công trong việc chia cắt những kẻ hiếu chiến, ngăn chặn các hành động thù địch và sơ tán một số lượng lớn đồng bào của chúng ta. Những cuộc xung đột này đã gần như là những cuộc chiến tranh toàn diện.

Tôi cũng có thể thêm Bosnia Herzegovina, các cuộc xung đột khác ở Nam Tư cũ và cuộc chiến ở Afghanistan. Do có cơ hội chứng kiến tất cả những điều này từ bên trong trong nhiều năm, tôi tin rằng an ninh của một quốc gia phụ thuộc chủ yếu vào sức mạnh của quân đội và khả năng bảo vệ đất nước của quân đội.

Nó cũng phụ thuộc vào niềm tin của người dân vào quân đội của họ. Tất nhiên, cũng như bạn, tôi ủng hộ khẩu hiệu "hãy để không còn chiến tranh nữa". Nhưng, để câu nói này trở thành sự thật, quân đội của chúng ta phải rất mạnh, được trang bị tốt và quan trọng nhất là phải chuẩn bị sẵn sàng để bảo vệ tổ quốc.

Sự thay đổi toàn diện của quân đội Nga - Ảnh 1.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Serguei Shoigu và Mikhail Rostovsky, nhà bình luận chính trị của nhật báo Moskovskij Komsomolets.

Mikhail Rostovsky: Theo những gì tôi còn nhớ, quân đội của chúng ta có thời gian bị coi là một tổ chức nhà nước trong tình trạng khủng hoảng sâu sắc, mang tính hệ thống và thậm chí có thể được mô tả là vô vọng. Đột nhiên vào một thời điểm nào đó, một thứ gì đó xuất hiện trong tâm thức công chúng và mọi thứ thay đổi một cách kỳ diệu. Làm thế nào để ông giải thích điều này?

Serguei Shoigu: Sự hồi sinh của quân đội Nga không phải ngay lập tức. Tất cả bắt đầu với việc nhận thức được tình trạng tồi tệ của quân đội, vào năm 1999, sau cuộc xâm lược của các băng đảng Basayev và Khattab tại các quận Tsumadin và Botlikh ở Dagestan. Thủ tướng Vladimir Putin khi ấy, nhận thức được năng lực yếu kém của chúng ta vào thời điểm đó, đã bắt đầu đưa ra các quyết định cơ bản để cải tổ các lực lượng vũ trang của chúng ta.

Sau đó là các sự kiện của năm 2008 - cuộc tấn công nguy hiểm của quân đội Gruzia ở Nam Ossetia, cái chết của những người lính gìn giữ hòa bình của chúng ta dưới làn đạn của quân Grads Gruzia và sự đáp trả của các lực lượng Nga nhằm buộc Gruzia ký thỏa thuận hòa bình. Sau này, trên cơ sở phân tích hoạt động trên, các quyết định mang tính hệ thống đã được đưa ra để phát triển quân đội.

Đầu tiên, các quyết định được đưa ra đối với việc hình thành và tài trợ cho một chương trình vũ khí mới của nhà nước. Các vấn đề xây dựng và huấn luyện các lực lượng vũ trang, trang bị vũ khí hiện đại và phát triển tổ hợp công nghiệp-quân sự luôn được tổng thống quan tâm chỉ đạo.

Từ năm 2013, dù bất kể chương trình làm việc ra sao, ông Putin luôn tổ chức cuộc họp với các sĩ quan cao cấp, đại diện ngành công nghiệp quốc phòng và giới lãnh đạo có liên quan vào mùa thu và mùa xuân ở Sochi nhằm đề cập tới mọi khía cạnh của vấn đề phát triển quân đội và duy trì an ninh quân sự cho đất nước.

Vì vậy, không có gì là kỳ diệu ở đây. Có những bước, lớn và nhỏ, nhìn thấy và ít thấy, trong sự biến đổi của quân đội. Nhiệm vụ trọng tâm của chúng tôi là thực hiện đồng bộ tất cả các khâu chuẩn bị và xây dựng quân đội, bao gồm cả chương trình đào tạo cán bộ chuyên nghiệp và trang bị vũ khí hiện đại. Chúng tôi đã phân tích các mối đe dọa hiện tại và tương lai, cũng như khả năng đối phó của quân đội để bảo vệ đất nước.

Tôi luôn đặt câu hỏi với các sĩ quan chỉ huy về những vấn đề mà chúng ta phải đối mặt. Những câu hỏi này rất đơn giản và rõ ràng: tại sao một người lính chỉ nên tắm một lần 1 tuần? Tại sao anh ấy chỉ nên thay quần áo mỗi tuần 1 lần, khi anh ấy dành tất cả thời gian từ sáng cho đến tối trên sân tập? Tại sao phòng nghỉ của binh sĩ lại nằm ở đầu kia của đơn vị quân đội? Tại sao binh lính phải giặt bằng tay lót giày và đồ lót? Vì sao không thể đặt máy giặt trong tất cả các doanh trại? Và tại sao, trong thế kỷ 21, chúng ta vẫn tiếp tục sử dụng lót giày?

Tất nhiên, ý nghĩa của việc cải tổ quân đội không chỉ là cải thiện đời sống của binh lính. Các hành động của chúng tôi cũng theo đuổi sự cần thiết nghiêm ngặt của quân đội, được quyết định bởi việc giảm nghĩa vụ quân sự bắt buộc xuống 1 năm.

Nếu nghĩa vụ quân sự chỉ kéo dài một năm, thì việc học tập và rèn luyện sẽ phải tăng về cường độ. Vì vậy, cần phải giải phóng các chiến binh khỏi những nhiệm vụ không quan trọng. Họ nên ngừng dọn tuyết hoặc quét lá cây từ sáng cho đến tối. Và ở những căn cứ triển khai thường trực, họ nên ngừng nấu nướng hoặc ngừng dọn dẹp nhà tiêu bằng thiết bị thời xưa.

Khi nhận ra điều đó, chúng tôi quyết định lắp đặt khoảng 35.000 vòi hoa sen, 16.000 máy giặt và 21.000 máy hút bụi trong các doanh trại trong suốt một năm sau đó. Chúng tôi mua thêm thiết bị lau chùi hiện đại và tổ chức ăn uống theo hệ thống tự chọn.

Chúng tôi đã phát triển sản xuất quần áo với các công ty địa phương và cung cấp cho tất cả các quân nhân những vật dụng thiết thực, chất lượng tốt và thảm huấn luyện được làm từ vật liệu hiện đại.

Những nơi trước đây chỉ có xô và cây lau nhà thì nay đã có trang thiết bị hiện đại. Và nó được xem như một cái gì đó hoàn toàn bình thường. Cứ như vậy dần dần, mọi thứ khác cũng theo hướng cải tiến này.

Mikhail Rostovsky: Và mục tiêu quan trọng là lấy lại sức chiến đấu thực sự của quân đội?

Serguei Shoigu: Mọi thứ chúng tôi làm đều hướng đến mục tiêu này. Đầu tiên, chúng tôi đã đạt được cường độ huấn luyện theo yêu cầu của các đơn vị. Ngày nay, 80% nhân lực trong tất cả các trại huấn luyện của chúng ta đều được trang bị thiết bị tập luyện. Điều này cũng dẫn đến nhu cầu thay đổi tiêu chuẩn tiêu thụ đạn dược, vốn thấp hơn nhiều lần so với ở phương Tây trước đây.

Việc tiết kiệm chúng sẽ khiến toàn bộ quá trình huấn luyện chiến đấu không có ý nghĩa. Sau khi đã nghiên cứu cụ thể kinh nghiệm của quân đội Liên Xô, tiêu chuẩn của quân đội các nước phương Tây, chúng tôi đã tăng gấp 5 lần tiêu chuẩn tiêu hao đạn dược trong huấn luyện chiến đấu. Và bây giờ bạn có thể thấy kết quả.

Ngay sau đó, một câu hỏi xuất hiện trong chương trình nghị sự: làm thế nào chúng ta có thể đánh giá một cách khách quan tác động thực sự của các biện pháp mà chúng ta đã thực hiện? Bộ Quốc phòng có ý kiến: cần tiến hành kiểm tra đột xuất đánh giá khả năng sẵn sàng chiến đấu.

Chúng tôi đã báo cáo đề xuất của mình với Tổng Tư lệnh tối cao và nhận được sự chấp thuận của ông - các cuộc thanh tra đã được thực hiện một cách đáng ngạc nhiên ở các tiểu đoàn cũng như trong quân đội và các khu quân sự. Chỉ 3 người được thông báo để chuẩn bị cuộc kiểm tra đột xuất là tôi, tổng giám đốc nhân sự và người lên kế hoạch kiểm tra đột xuất. Chúng tôi đồng ý với nhau là chấm dứt tình trạng báo cáo láo.

Trước đây, mọi công tác huấn luyện chỉ được thực hiện theo kỹ thuật huấn luyện chiến đấu theo nhóm tức là xe tăng, xe chiến đấu bộ binh... Chúng đi trên một sân tập quen thuộc, chúng biết chính xác những gì cần thiết để bắn trúng mục tiêu...

Bây giờ hãy đoán xem điều gì đã xảy ra khi chúng tôi thực hiện cuộc kiểm tra bất ngờ đầu tiên, khi chúng tôi di chuyển vô số người trên khắp đất nước và chuyển họ, với thiết bị tiêu chuẩn, tới một khoảng cách rất xa sân tập không quen thuộc với họ?

Trong đợt kiểm tra này, các đơn vị bước vào một bãi tập không rõ nguồn gốc, không phải xe huấn luyện mà là các thiết bị tiêu chuẩn. Không ai trong số họ đạt được mức độ thỏa mãn theo yêu cầu của tiêu chuẩn. Tôi có thể nói dài dòng về cách chúng ta thoát ra khỏi cái hố này. Nhưng, để tiết kiệm thời gian, tôi sẽ dừng lại và chỉ nói điều quan trọng.

Sự thay đổi toàn diện của quân đội Nga - Ảnh 3.

Tổng thống Putin và Bộ trưởng Quốc phòng Serguei Shoigu.

Với những nỗ lực đáng kinh ngạc của Tổng thống và Bộ Quốc phòng, chúng ta đã đạt được những gì quân đội của chúng ta trở thành ngày nay - một đội quân luôn trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu.

Song song với sự chuyển mình của chính quân đội, Tổng thống quyết định thực hiện chương trình hiện đại hóa khu liên hợp công nghiệp-quân sự nhằm trang bị lại vũ khí, trang bị hiện đại cho quân đội. Và không còn gì nghi ngờ gì rằng trong năm 2020, chúng ta đã đạt được mức độ hiện đại hóa trang bị cho 70% quân đội của mình, gấp 4 lần so với năm 2012.

Tất nhiên, để thiết lập một chương trình tầm cỡ như vậy, cần phải tạo ra các hệ thống kiểm soát hiện đại nhất để thực hiện nó, từ máy móc trong công ty đến tiền (dưới sự kiểm soát của quốc phòng), đến một số loại vũ khí giao cho các đơn vị quân đội. Rốt cuộc, có hàng trăm nghìn thứ cần giám sát liên tục và nếu cần, hành động nhanh chóng.

Đặc biệt, để giải quyết chúng nhanh nhất có thể, Trung tâm Chỉ đạo quốc phòng của quốc gia đã được thành lập, nơi theo dõi tiến độ thực hiện các nhiệm vụ trật tự, chiến đấu và bảo trì quốc phòng có sử dụng hệ thống tự động công nghệ cao.

Mikhail Rostovsky: Uy tín của lực lượng vũ trang Nga đã được nâng cao nhờ các hành động của không quân chúng ta trong cuộc nội chiến ở Syria. Nhưng, liệu có thể trên cơ sở cuộc tập trận hạn chế này để đánh giá được tình hình chung của quân đội Nga?

Serguei Shoigu: Những người nghĩ rằng chúng tôi đã chiến đấu ở Syria chống lại một loạt các chiến binh cuồng tín và mọi rợ là rất sai lầm. Chúng tôi đã chiến đấu với một tổ chức khủng bố lớn nhất với vài nghìn người, hay nói đúng hơn là với cả một hệ thống. Hãy để tôi nhắc bạn rằng những kẻ khủng bố đã được hưởng lợi từ sự giúp đỡ của các quốc gia riêng lẻ quan tâm đến sự bất ổn của khu vực.

Những kẻ khủng bố được trang bị hàng trăm xe tăng, nhiều bệ phóng tên lửa, xe bọc thép và hàng trăm nghìn tấn đạn dược đã được lấy từ quân đội Iraq và Syria trong những năm trước, chúng cũng có hàng trăm kẻ đánh bom liều chết được huấn luyện.

Những kẻ khủng bố có công nghệ tiên tiến nhất, bao gồm thiết bị liên lạc và giám sát. Chúng có cả một hệ thống di chuyển những kẻ bị thương rất hữu hiệu, một cơ chế thu tiền thuế trong những vùng đất chiếm đóng và thị trường trao đổi riêng của chúng.

Số tiền thu được từ việc bán dầu bất hợp pháp đóng một vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo các hoạt động khủng bố.

Cho đến thời điểm Liên bang Nga tham gia cuộc chiến chống khủng bố quốc tế ở Syria trong vùng Trans Euphrates chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo cực đoan (IS), chúng đã sản xuất hơn 100.000 thùng dầu mỗi ngày ngay trước mặt của liên minh chống khủng bố quốc tế. Và việc bán nguyên liệu thô đã mang lại cho những kẻ khủng bố thu nhập hằng ngày hơn 5 triệu đô la.

Ở Syria, chúng tôi đã học cách chiến đấu theo một cách mới. Nếu chúng ta đang nói về lực lượng tác chiến, lục quân, cường kích, không quân tầm xa và vận tải, thì gần như 90% toàn bộ lực lượng không quân đã tham gia vào các hoạt động quân sự ở Syria.

Những phi công của chúng ta có 150-200 lần xuất kích và đương nhiên cùng với tất cả những người ở mặt đất để đảm bảo an toàn cho các chuyến bay.

Đã có thời kỳ tốc độ vận chuyển hàng hóa từ Nga đến Syria lên tới 2.000 tấn mỗi ngày qua đường biển, hàng không. Đó là công việc của các căn cứ tiếp ứng của chúng ta. Nó là sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các đại diện của ngành công nghiệp và khoa học của chúng ta. Có lúc hơn 70 công ty, kỹ sư... đã cùng làm việc ở Syria.

Dựa trên kết quả của công việc này, Tổng thống Putin đã ra lệnh trực tiếp xác định lại hoặc cải tiến các đặc tính của một số loại vũ khí. Điều này đã xảy ra với tên lửa hành trình Kalibr trang bị cho máy bay chiến đấu và tàu ngầm của chúng ta.

Bạn có thể nhận thấy rằng trong toàn bộ lịch sử hạm đội của Liên Xô và Nga, những vũ khí này lần đầu tiên được sử dụng trong điều kiện chiến đấu ở Syria.

Nếu chúng ta nói về việc sử dụng vũ khí chính xác, chẳng hạn, trước khi thực hiện một chuyến bay nhiệm vụ bằng tên lửa hành trình Kalibr, mất nhiều thời gian đến nỗi mục tiêu có nguy cơ biến mất trước khi máy bay của chúng ta tới. Hiện nay, thời gian chuẩn bị cho một chuyến bay mang tên lửa Kalibr đã giảm đi rất nhiều.

Chỉ huy trưởng trung đoàn, lữ đoàn, sư đoàn, tư lệnh quân đoàn, chỉ huy quân khu, thủ trưởng cơ quan quân sự trung ương của Bộ Quốc phòng và các đội ngũ cố vấn, huấn luyện của hầu hết các cơ sở giáo dục quân sự cao cấp đều đã đến Syria để trải nghiệm.

Tôi có thể nói với bạn rằng khoảng 300 loại vũ khí đã được hoàn thiện sau khi được thử nghiệm ở Syria và cũng qua đây chúng tôi cho ngừng việc sản xuất 12 nguyên mẫu vũ khí, vốn được coi là đầy hứa hẹn trước đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại