Ismail Ibn Sharif (1645-1727) là Quốc vương Morocco, đất nước thuộc khu vực Bắc Phi từ năm 1672 đến lúc qua đời vào năm 1727. Ông lừng danh sử sách Morocco là minh quân lỗi lạc, và nổi tiếng khắp thế giới nhờ ghi tên trong Sách Kỷ lục Guinness với danh hiệu "Người đàn ông có nhiều con nhất".
Nếu Thượng Đế đã trao cho ta vương quyền, đừng hòng có kẻ nào tước đoạt được
Theo lịch sử Morocco, Ismail Ibn Sharif chào đời vào năm 1645, là nhị hoàng tử của Hoàng đế Sharif ibn Ali. Sharif, cai trị Vương triều Alaouite ở Tafilalt - ốc đảo lớn nhất Morocco. Hoàng đế Sharif sau 5 năm tại vị thì nhường ngôi cho Thái tử Muhammad, lui lại phía sau làm nhiếp chính.
Quốc vương Ismail Ibn Sharif
Dưới sự dẫn dắt của vua cha, Muhammad yên ổn trị vì Alaouite suốt 36 năm. Vào năm 1672, nhà vua này đột ngột băng hà vì ngã ngựa. Nguyên nhân cũng khá... dại dột: do ăn no uống say, nổi hứng nhảy lên ngựa phi nước đại quanh lâu đài.
Ngoài Muhammad, Sharif còn 14 người con khác. Bản thân Muhammad cũng đã có hoàng nhi. Song theo quy định thừa kế ngai vàng của Morocco, Ismail là người kế vị hợp pháp nhất. Dẫu vậy, sự tranh chấp vẫn nổ ra. Vừa ngồi vào ngai vàng, đức vua mới đã phải lo đối phó với hoàng tôn, hoàng đệ.
Người không vì mình, trời tru đất diệt - Ismail có lẽ là người hiểu rất rõ điều đó. Ông thể hiện bộ mặt tàn nhẫn đến khủng khiếp, thẳng tay đuổi tận giết tuyệt tất cả những ai dám phản nghịch và âm mưu phản nghịch.
"Nếu Thượng Đế đã trao cho ta vương quyền, đừng hòng có kẻ nào tước đoạt được," - Ismail tuyên bố. Chẳng bao lâu sau khi lên ngôi, ông đã ổn định vương quyền, đưa đất nước vào thời đại hoàng kim bậc nhất.
Vương triều được xây bằng sự khát máu
Nhắc tới Ismail, người học lịch sử tại Morocco hẳn sẽ phải hết rùng mình. Lý do là bởi vị vua này nổi tiếng tàn bạo đến mức vô lý. Ông sẵn sàng xuống tay với bất cứ ai, không cần biết nạn nhân có mắc lỗi gì hay không.
Ismail Ibn Sharif tùy tiện cắt cổ người hầu khi nổi cơn khát máu
Theo ghi chép lịch sử, Ismail thích vận đế phục theo cảm hứng. Nếu tâm tình vui vẻ, ông chọn áo choàng màu xanh - quần thần có thể lợi dụng lúc này mà tấu trình cho an dạ. Khi "hứng tình", ông chuyển sang áo choàng màu trắng - các vương hậu, phi tần sẽ phải tinh ý để xin sủng hạnh.
Và lúc khát máu, Ismail đổi đế phục màu vàng. Cho dù là ai cũng đừng dại dột đến gần, bởi nhà vua sẵn sàng hạ sát bất kỳ ai cho đến khi chán tay mới chịu thôi.
Nhưng đó là... lý thuyết, bởi cũng theo ghi chép thì cả khi không mặc màu vàng, Ismail cũng tùy tiện giết chóc. Ông có thể bất ngờ rút kiếm lia vào cổ kẻ đứng gần, thản nhiên nhìn nạn nhân đau đớn trút hơi thở cuối cùng. Trong những năm trị vì, ít nhất 30.000 người hầu trong cung điện Morocco đã thiệt mạng dưới tay của Ismail.
Trong nhà còn vậy, đối với "thù ngoài" Ismail còn tàn độc hơn nữa. Ngay sau khi giải quyết dứt điểm các vụ tranh cướp ngai vàng, ông quay ra đánh đuổi thực dân Tây Ban Nha (xâm chiếm một số vùng của Morocco từ đầu thế kỷ 17).
Vấn đề nằm ở chỗ ông sẵn sàng chấp thuận những kế hoạch "nướng quân", miễn là mang lại chiến thắng. Chỉ tính riêng cuộc tái chiếm Thành Larache, 1 vạn binh sĩ đã thiệt mạng, dù quân thù không quá mạnh.
Chưa hết, Ismail còn điên cuồng đuổi giết, ép buộc các bộ lạc thiểu số trong nước quy hàng. Như dân tộc Guerouan thà chết còn hơn chịu nhục, ông treo thưởng hậu cho mỗi cái đầu của tộc này, để cho nội bộ của họ tự chém giết lẫn nhau, còn mình ung dung ngồi làm "ngư ông đắc lợi".
Bạo tàn cả với thê tử
Theo Sách Kỷ lục Guinness, Ismail có tổng cộng 868 người con, bao gồm 525 hoàng tử và 343 công chúa. Họ là cốt nhục của ông với khoảng 500 vương hậu, phi tần.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là con số thống kê vào năm 1703 - nghĩa là cho đến khi Ismail qua đời còn 24 năm nữa. Hai nhà sử học Elisabeth Oberzaucher và Karl Grammer (Italia) khẳng định, Ismail có tất cả 1171 người con. Lịch sử Morocco cũng ghi nhận, Ismail là "đức vua ngàn con", tức là có đến cả 1000 hậu nhân.
Minh họa hậu cung của vua Ismail
Nhưng cách đối đãi của Ismail với vợ và con của mình cũng không có gì khác biệt. Vị quân vương tàn bạo nổi danh vì hành vi ngược đãi thê tử. Trong cung điện của ông, mỗi phi tần đều có một đội ngũ hầu cận riêng, bao gồm một thái giám, một nam nô và một cung nữ - tất cả phải một lòng yêu kính, tôn thờ Ismail. Chỉ cần thoáng chút hoài nghi, Ismail sẵn sàng tra tấn phi tần của mình đến chết.
Ngàn con của Ismail cũng sợ vua cha một phép. Phụ vương của họ không chỉ nghèo tình cảm cha con, mà còn hở một chút là xuống tay, không chút nhân từ.
Cực yêu mèo, nhưng mèo mà... láo thì cũng chung số phận
Mặc dù chẳng bao giờ nuông vợ chiều con, Ismail cực kỳ yêu quý mèo. Ông có đến hơn 40 con mèo trong cung điện. Con nào con nấy đều được quân vương đặt tên, dành thời gian cho ăn và cùng chơi đùa.
Có điều ngay cả với mèo, Ismail cũng khá tàn nhẫn. Bất cứ chú mèo nào tỏ ra thờ ơ hay khó chịu với đức vua đều bị đem đi xử trảm công khai. Ông lệnh cho người hầu bố cáo khắp thiên hạ, dựng pháp trường... trảm mèo, thu hút đông đảo bách tính đến "trông đấy mà làm gương".
Nhưng có lẽ, sự tàn bạo của Ismail là một phần nguyên nhân đưa vương triều của ông trở nên thịnh vượng. Suốt thời gian Ismail trị vì Morocco, quan quân, bách tính sống trong nỗi bất an, sự thấp thỏm. Họ sợ ông đến nỗi không có một người nào dám trái vương pháp. Từ trên xuống dưới, tất cả một lòng quy phục. Dẫu đến bước đường cùng, bách tính Morocco cũng không dám bất chấp mà làm bậy.
Cùng với việc thiết lập kỷ cương, Ismail còn xây dựng đội ngũ vệ binh thiện chiến Black Guard. Tổ chức này có tới 150.000 tinh binh người da đen, tuyệt đối tận trung với Ismail. Ông cũng quan tâm mở rộng ngoại giao, kết thân với Hoàng gia Pháp, còn từng cầu hôn cả với Công chúa Pháp khi đó là Marie Anne de Bourbon (1666-1739), nhưng bị từ chối.
Tham khảo: Abroad