Thi nhau mua xáo tam phân
Theo lương y Vũ Quốc Trung – Phòng chẩn trị Y học cổ truyền chùa Cảm Ứng, Hà Nội xáo tam phân có tên khoa học là Paramignya trimera, còn được gọi là cây thần xạ, cây thuốc mọi hay Đơn Diệp Đằng Thích… là loại cây gỗ nhỏ, thân màu nâu, có gai, lá mọc đơn cách. Rễ cứng màu vàng đậm, có vị đắng nhẹ, hơi chát, hơi ngọt, ngửi sẽ thấy có mùi thơm của tinh dầu.
Theo kinh nghiêm dân gian thì bộ phận dùng làm thuốc của cây xáo tam phân là rễ. Cây được thu hái quanh năm, người ta đào toàn bộ cây cả gốc và rễ, chặt bỏ cành, lấy rễ về rửa sạch rồi thái mỏng phơi khô làm thuốc.
Mấy năm gần đây thông tin cây xáo tam phân có thể chữa được bệnh ung thư khiến cây này đã trở thành thần dược được rao bán với giá rất đắt từ 800 nghìn đến vài triệu đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Củng trú tại Đông Hưng, Thái Bình cho biết ông bị ung thư thực quản. Mấy ngày nay dù đang thực hiện xạ trị tại bệnh viện nhưng lúc nào ông cũng đau đáu nhờ người thân tìm mua cây xáo tam phân về để hỗ trợ thêm điều trị ung thư.
Việc tìm mua cây xáo tam phân cũng chẳng dễ dàng tý nào vì rất dễ mua phải hàng giả. Với tâm lý "có bệnh thì vái tứ phương", nhiều người dân dù không tin lắm vào cây xáo tam phân nhưng sẵn sàng dốc hầu bao mua "thần dược" với hi vọng có thể khỏi bệnh.
Tại bệnh viện K2 nơi có nhiều bệnh nhân điều trị ung thư giai đoạn cuối họ cũng tin rằng cây thuốc xáo tam phân có thể giúp họ kéo dài thêm thời gian sống nên người nọ truyền tai người kia mua.
Cây xáo tam phân được đồn đại nhiều nhất ở các tỉnh nam trung bộ như Ninh Thuận, Khánh Hoà và cũng từ đây những lời đồn đại về xáo tam phân lan rộng. Cây xáo tam phân được giới thiệu rầm rộ để chữa 5 dòng tế bào ung thư: ung thư gan Hep-G2, ung thư đại tràng, ung thư vú, ung thư buồng trứng, ung thư cổ tử cung.
Tuy nhiên, lương y Vũ Quốc Trung – khẳng định không có loài thuốc nào chữa được ung thư. Cây xáo tam phân chỉ hỗ trợ được phần nào cho người bệnh ung thư nhưng không phải ai cũng dùng được. Cây được sử dụng chính là rễ mới có nhiều tác dụng.
Chỉ chữa bệnh xơ gan
Giáo sư Phạm Xuân Sinh nguyên chủ nhiệm Bộ môn Dược YHCT, Đại học Dược Hà Nội cho biết bệnh ung thư theo quan niệm của đông y chỉ là khối u nói chung, khối u đó có thể là u thịt gây sung, đỏ, cứng rắn đau đớn, có thể là nhọt bọc, nhọt nằm sâu trong cơ thể, có mủ, sung đau, hoặc gây lở loét, đôi khi là u loét sinh hơi gọi là thán thư.
Đối với u nhọt trong phủ tạng đông y gọi là nham ví dụ phế nham, vị nham, đại tràng nhàm… Khái niệm về ung thư của Đông y nói chung có trong các sách cổ của Đông y cũng như trong tiềm thức của một số người làm thuốc Đông y không giống với khái niệm về bệnh ung thư của y học hiện đại.
Trong đông y cũng có một số bài thuốc có thể hỗ trợ cho bệnh nhân ung thư nhưng nhiều người đang hiểu lầm về bệnh ung thư mà đưa ra các bài thuốc chữa ung thư.
Về cây xáo tam phân, GS Sinh cho rằng gần đây cũng từ một nghiên cứu thực nghiệm của một cơ sở khoa học ở nước ta chứng minh cây xáo tam phân còn gọi là thuốc mọi, thần xạ ở Ninh Thuận có tác dụng ức chế một số dòng tế bào ung thư đại tràng, buồng trứng, gan... thế là hàng loạt các chế phẩm đủ kiểu chữa ung thư được chào bán trên mạng và ngoài đời để chữa ung thư.
Trên thực tế, cây thuốc này chỉ có tác dụng tốt với bệnh viêm gan, xơ gan. Do hiểu mơ hồ về ung thư đã khiến có cây thuốc này bị đào xáo đến cạn kiệt, trong một số khu rừng ở phía Nam. Chính vì thế, giá của cây thuốc này đã tăng lên vùn vụt từ chỗ vài ba trăm nghìn lên đến cả triệu đồng mà đa phần là xáo tam phân giả.
Theo GS Sinh từ nghiên cứu trên thực nghiệm đến lâm sàng còn phải trải qua một quá trình rất dài. Trên thực nghiệm, một số chất chiết nào đó của cây, con thuốc có thể ức chế một vài dòng tế bào ung thư như ta đã biết nhưng điều đó chỉ mang tính chất gợi mở cho những ý tưởng để tham khảo, định hướng nghiên cứu tiếp theo.
Để điều trị được ung thư từ 1 cây thuốc, con thuốc các nhà khoa học phải tiến hành chiết xuất các thành phần hoá học có tác dụng ức chế một hay nhiều loại tế bào ung thư nào đó. Sau khi đã có đủ số lượng của chất tinh khiết chiết được mới có thể tiến hành thử nghiệm trên lâm sàng với nhiều bước tiếp theo. Song công việc này chỉ mang tính lý thuyết.
Thực tế là không thể vì hàm lượng các chất hoá học này trong cây, con thuốc là rất thấp. Chính vì thế sau khi chiết tách được thành phần nào đó chữa ung thư người ta sẽ tiến hành bắt chước cấu trúc của các chất đó rồi mới tiến hành bán tổng hợp hoặc tổng hợp để có đủ số lượng thích hợp cho các thực nghiệm trên lâm sàng.
Chính vì thế, để tránh tiền mất tật mang người dân không nên quá nóng vội mà mua cây xáo tam phân về để trị ung thư.