Sự thật về nữ điệp viên tài sắc vẹn toàn trong "Sắc, Giới"

Thiên Hà |

Không phản bội tổ chức như nhân vật Vương Giai Chi trong "Sắc, Giới", nguyên mẫu ngoài đời thực của nữ điệp viên này có cái kết đáng buồn hơn gấp nhiều lần.

Tháng 7/1937, hình ảnh cô người mẫu xuất hiện trên ảnh bìa tạp chí Lương Hữu - tạp chí nổi tiếng và có sức ảnh hưởng lớn tại Trung Quốc thời điểm đó - đã khiến hàng vạn nam giới Thượng Hải chết mê chết mệt.

Tuy nhiên, hầu hết không ai biết rằng, đằng sau hình ảnh trang nhã, yêu kiều là thân phận của một nữ điệp viên ưu tú - Trịnh Bình Như.

Câu chuyện của bà sau này được tái hiện qua hình ảnh nữ điệp viên Vương Giai Chi trong tác phẩm điện ảnh "Sắc, Giới" năm 2007 của đạo diễn Lý An.

Cuộc gặp gỡ định mệnh

Điệp viên kỳ cựu của Quốc dân đảng, Trần Bảo Hoa (1907 - 1975), đi tham dự buổi dạ hội vào một tối mùa thu năm 1937. Trong bữa tiệc, ông bất ngờ nhận ra Bình Như - mỹ nữ xinh đẹp đã xuất hiện trên ảnh bìa tạp chí Lương Hữu trước đó không lâu.

Sự thật về nữ điệp viên tài sắc vẹn toàn trong Sắc, Giới - Ảnh 1.

Trịnh Bình Như. (Ảnh: Baidu)

Sau khi bắt chuyện, Trần phát hiện Bình Như vẫn đang là sinh viên của Học viện Pháp chính Thượng Hải và chiêu mộ bà tham gia Trung Thống, tức Cục điều tra thống kê thuộc Ban chấp hành trung ương Quốc dân đảng Trung Quốc, một cơ quan tình báo quan trọng của Quốc dân đảng.

Trịnh Bình Như (1918 - 1940), xuất thân trong gia đình danh giá ở Chiết Giang, với vẻ đẹp sắc sảo, thông minh, là người đẹp nổi tiếng Thượng Hải lúc bấy giờ.

Cha là Trịnh Việt, từng du học ở Nhật Bản. Sau này, ông theo đuổi học thuyết cách mạng của Tôn Trung Sơn (1866 -1925), gia nhập Đồng Minh hội và có địa vị cao trong Quốc Dân Đảng.

Mẹ là Hanako Kimura, tiểu thư của một dòng họ nổi tiếng tại Nhật Bản. Sau khi kết hôn, bà đã theo chồng về Trung Quốc và đổi tên là Trịnh Hoa Quân.

Đồng minh hội, tên gọi đầy đủ là Trung Quốc cách mạng đồng minh hội. Đây là chính đảng cách mạng của giai cấp tư sản do Tôn Trung Sơn sáng lập và lãnh đạo từ năm 1905, sau đó sáp nhập cùng 4 đảng phái khác thành Quốc dân đảng vào năm 1912.

Cái gật đồng ý của Bình Như cũng nhận được sự đồng tình từ cha mẹ, những thành viên của Đồng minh hội.

Dưới sự đích thân chỉ dạy của Trần Bảo Hoa, Bình Như nhanh chóng trở thành nữ điệp viên xuất sắc.

Với các mối quan hệ từ cha mẹ và tinh thông tiếng Nhật, bà xâm nhập vào hàng ngũ cao cấp quan chức Nhật Bản ở Thượng Hải và lấy được nhiều thông tin cơ mật.

Trong đó, quan trọng nhất khi bà đã hai lần dò la được thông tin tình báo Uông Tinh Vệ (1883 - 1944), "có động thái bất thường".

Uông ban đầu là thành viên quan trọng trong chính phủ Trung Hoa Dân Quốc của Tôn Trung Sơn, sau chuyển sang kết giao với người Nhật, thành lập chính quyền Uông Tinh Vệ (1940) nên bị coi là Hán gian.

Bình Như đã báo cáo thông tin về Uông cho tổ chức nhưng đáng tiếc khi đó không được chú ý.

Chỉ đến khi Uông Tinh Vệ rời Trùng Khánh đầu quân cho Nhật thì tổ chức bắt đầu xem trọng bà.

Sau đó, họ giao nhiệm vụ ám sát Đinh Mặc Thôn cho bà.

Mỹ nhân kế - hai lần ám sát hụt "siêu đặc vụ"

Đinh Mặc Thôn, từng gia nhập đảng Cộng sản Trung Quốc, sau đó chuyển sang cơ quan tình báo Trung Thống của Quốc dân đảng - cùng tổ chức với Uông Tinh Vệ.

Sau khi Uông rời Quốc dân đảng sang đầu quân cho Nhật vào năm 1938, Đinh cũng bị lôi kéo bán thông tin tình báo của tổ chức này cho Nhật.

Sau đó, Đinh trở thành Chủ nhiệm Tổng bộ đặc công số 76, nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong chính quyền Uông Tinh Vệ và trở thành mục tiêu ám sát của Trung Thống.

Tuy nhiên, do nắm vững hoạt động của Trung Thống, lại nhanh nhạy và đa nghi nên ông ta nhiều lần thoát nạn.

Sự thật về nữ điệp viên tài sắc vẹn toàn trong Sắc, Giới - Ảnh 3.

Ảnh trong phim "Sắc, Giới".

Biết Đinh Mặc Thôn có tính háo sắc, Trần Bảo Hoa đã nhanh chóng sắp xếp cho Bình Như tiếp cận và tìm cơ hội thuận lợi ra tay.

Lợi dụng sắc đẹp và mối quan hệ "thầy trò cũ", Bình Như trở thành thư ký riêng, từng bước khiến Đinh "cắn câu".

Lần đầu hành động, bà mời Đinh đến nhà làm khách. Một đội mật vụ đánh úp được Trung Thống cử đến bao vây phía căn nhà. Tuy nhiên, do đa nghi nên khi xe đến gần nhà bà, Đinh Mặc Thôn bất ngờ đổi ý, quay xe bỏ đi. Kế hoạch ám sát lần đầu thất bại.


Đinh Mặc Thôn (1901 - 1947), người Hồ Nam, Trung Quốc.

Đinh và Bình Như được biết đến với quan hệ thầy trò.

Khi làm Hiệu trưởng trường Trung học Dân Quang (Thượng Hải) nơi Bình Như theo học, Đinh đã mến mộ tài sắc và thành tích học tập của bà.

Trung Thống tiếp tục ra quyết định cho Bình Như tìm thời cơ, tiến hành ám sát Đinh lần hai.

Ngày 21/12/1939, Đinh mời bà đến ăn cơm ở nhà một người bạn ở khu Hộ Tây, Thượng Hải.

Sau bữa tối, hai người ngồi cùng xe về, khi xe chạy qua cửa hàng đồ da Siberia trên đường Gordon (nay là Giang Ninh), Bình Như lấy lý do muốn mua quà Giáng sinh nên nài nỉ Đinh vào chọn áo khoác giúp bà.

Theo phản ứng nghề nghiệp, Đinh thấy đây không phải là địa điểm hẹn trước nên chỉ đồng ý dừng lại khoảng nửa tiếng vào cửa hàng với bà.

Trong lúc, bà đang chọn áo, Đinh Mặc Thôn đột nhiên phát hiện bên ngoài cửa kính có hai người khả nghi đang theo dõi. Linh tính chuyện chẳng lành, đặc vụ lão luyện này rút từ trong túi ra một nắm tiền đưa cho bà và nói: "Em tự chọn nhé, anh đi trước đây".

Nói xong, Đinh chạy vội ra ngoài, chui thẳng vào xe chống đạn đang mở cửa chờ sẵn.

Các điệp viên Trung Thống quá bất ngờ trước việc Đinh bỏ chạy nên không kịp trở tay.

Khi tiếng súng vang lên, Đinh Mặc Thôn đã an toàn trong xe và thoát thân. Kế hoạch ám sát lần hai lại thất bại.

Để con mồi vuột ngay trước mắt, Bình Như vừa không cam lòng nên quyết định một mình "vào hang cọp bắt cọp".

Mấy ngày sau, bà mang theo một khẩu súng lục giấu kỹ trong người và tự lái xe đến văn phòng gặp Đinh tại số 76 đường Jessfield (nay là đường Vạn Hàng Độ). Tuy nhiên, ngay tại đây, khi chưa kịp ra tay, bà đã bị bắt và giam giữ.

Sự thật về nữ điệp viên tài sắc vẹn toàn trong Sắc, Giới - Ảnh 5.

Bức ảnh được cho là gia đình nữ điệp viên Trịnh Bình Như chụp năm 1924. (Ảnh sưu tầm)

Cái chết "hơn trên chiến trường"

Trong quá trình thẩm vấn, Bình Như phủ nhận quan hệ với Trung Thống, chỉ thừa nhận việc ám sát Đinh do muốn trả thù việc mình bị lừa gạt tình cảm.

Tuy rất tức giận vì bị người tình ám sát nhưng do quá say mê sắc đẹp của bà nên Đinh không muốn giết mà chỉ muốn giam cầm bà một thời gian rồi thả ra.

Trong thời gian bị giam giữ, Trần Bích Quân - vợ của Uông Tinh Vệ khuyên bà nên đầu quân cho Uông nhưng bà không đồng ý.

Sau này, họ dùng bà làm con tin và ép cha bà nhận làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp của chính phủ Uông để đổi lại mạng sống của bà nhưng ông kiên quyết từ chối dù rất thương con.

Phía Uông Tinh Vệ đã rất tức giận nên kiên quyết hạ lệnh giết bà. Tháng 2/1940, bà bị bí mật đưa đi hành quyết.

Vào buổi chiều tối tháng Giêng, người của Uông nói sẽ đưa bà đi "xem phim". Theo thói quen, bà đã trang điểm và ăn mặc rất đẹp. Khi xe tù dừng lại trước bãi đất hoang, bà hiểu ra nhưng vẫn nhẹ nhàng bước xuống, quay đầu nói người lính: "Sạch sẽ một chút, đừng để ta nhem nhuốc".

Tiếng súng vang lên, Bình Như trúng liền ba phát. Bà qua đời ở tuổi 22.

Nội dung trong tiểu thuyết "Sắc Giới" xuất bản năm 1950 của nữ nhà văn Trương Ái Linh (1920 - 1995) và tác phẩm điện ảnh cùng tên của đạo diễn Lý An đều dựa trên câu chuyện của Trịnh Bình Như.

Tuy nhiên, hành động ám sát Đinh Mặc Thôn của bà lại bị biến thành việc bà dùng sắc đẹp quyến rũ, sau lại động lòng thật với Đinh, phản bội lại tổ chức. Do đó, trong một thời gian dài Bình Như đã bị chỉ trích là "tình nhân của Hán gian".

Không chỉ văn học, điện ảnh mà báo chí Trung Quốc sau này cũng có nhiều bài viết trái chiều về bà. Việc này đã bị em gái bà là Trịnh Thiên Như (hay còn gọi Trịnh Tĩnh Chi) phủ nhận và chỉ trích là "bôi nhọ danh dự".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại