Những món đồ chơi bước ra từ những bộ phim hoạt hình cổ tích với công chúa và hoàng tử của Disney được bán chạy như tôm tươi mặc dù giá của chúng không hề rẻ.
Nhưng ít ai biết được để làm ra những con búp bê công chúa Anna hay Elsa trong bộ phim Frozen, những người công nhân đã bị ép làm thêm giờ trái phép, sống trong những ký túc xá chật chội, nóng bức và nhận về mức lương cực kỳ bèo bọt chưa tới 200 nghìn đồng cho cả ngày làm việc quần quật.
Sự thật trần trụi đằng sau những món đồ chơi của Disney khiến nhiều người giật mình.
MailOnline đã tới mục sở thị và ghi lại được nhiều hình ảnh đắt giá tại một nhà máy làm đồ chơi từ những bộ phim được nhiều người ưa thích của Disney khi tập đoàn này đang rục rịch khai trương khu vui chơi giải trí trị giá 3,8 tỷ bảng Anh với quy mô hoành tráng ở Thượng Hải.
Bên cạnh những điều tra viên chìm làm nội gián trong dây chuyền sản xuất trực tiếp của nhà máy Zhenyang, phóng viên của Daily Mail đã mất hai ngày để tiếp cận và phỏng vấn được một vài người trong số 900 công nhân của nhà máy sản xuất đồ chơi Disney.
Và đây là kết quả giật mình từ cuộc điều tra:
Người công nhân bị bóc lột sức lao động thậm tệ
Trái ngược với sự xa hoa, hào nhoáng của Vương quốc Nhiệm màu mới ở Trung Quốc, tại những công xưởng sản xuất đồ chơi tại thị trấn Qingxi, những người công nhân phải làm việc quần quật 11 tiếng/ngày và 6 ngày trong tuần để cho ra những món đồ chơi được bán với giá cắt cổ trong các cửa hàng và trên các trang web như Amazon và Toys R US.
Tiền lương cả tuần của những công nhân ở Zhenyang may ra mới mua được một chiếc gậy phát nhạc Elsa hoặc bộ trang sức đồ chơi Nữ hoàng băng giá.
Vất vả không khác gì cô bé Lọ Lem nhưng số tiền mà họ kiếm được một ngày chẳng đủ để mua một vé vào cửa khu vui chơi Disneyland Thượng vào ngày 16/6/2016.
Những người công nhân tại nhà máy này đến từ những tỉnh thành nghèo nhất của Trung Quốc. Để lại sau lưng gia đình, con cái, họ phải làm việc quần quật đủ 50 tuần/năm bên dây chuyền sản xuất và chỉ nghỉ tết đúng 2 tuần.
Với số lương tối thiểu chỉ chưa tới 200 nghìn đồng/ngày, người lao động phải làm thêm tổng cộng 100 giờ/tháng trong khi số giờ làm thêm luật pháp quy định tối đa chỉ được có 36 giờ để kiếm đủ tiền trang trải sinh hoạt.
Điều kiện làm việc tại xưởng cũng không mấy vệ sinh.
Lăn lộn 11 giờ/ngày, 6 ngày/tuần, công nhân cũng chỉ kiếm đủ tiền sinh hoạt.
Không chỉ có vậy, công nhân còn bị áp định mức "trên trời" là 1.200 búp bê công chúa/giờ cho toàn dây chuyền sản xuất để chuẩn bị nguồn hàng cho mùa cao điểm Giáng sinh và cho khu vui chơi Disneyland Thượng Hải vừa khai trương.
Để đặt chân vào khu vui chơi xa hoa đó, những công nhân này phải "đổ mồ hôi, sôi nước mắt" suốt 10 ngày liên tiếp may ra mới đủ tiền vé vào cửa.
"Tôi cũng đã nghe thông tin về khu Disneyland mới khai trương ở Thượng Hải trên TV. Hồi bé tôi cũng rất mê những bộ phim hoạt hình Disney. Nếu có tiền và thời gian thì tôi cũng muốn tới đó một lần.
Nhưng đó chỉ là giấc mơ mà thôi. Thượng Hải ở quá xa và tất cả những gì mà tôi có thể nghĩ tới bây giờ là làm sao kiếm đủ tiền để nuôi bản thân và gửi chút ít về phụ gia đình", cô Li, một công nhân làm việc tại khâu đóng gói đồ chơi của Zhenyang chia sẻ.
Những món đồ chơi nhỏ xíu nhưng lại được bán với giá bằng cả khoản tiền ăn trong một tuần của những người công nhân nhập cư.
Theo Beijing Youth Daily, chi phí cho một cặp vợ chồng và một đứa con tới vui chơi ở Disneyland Thượng Hải bao gồm đồ ăn, đồ uống và mua đồ lưu niệm ước tính khoảng 2.763 NDT tương đương một tháng lương của cô Li.
Cũng theo tờ báo này, một con búp bê Anna hoặc Elsa có giá 326 NDT, một chiếc túi chuột Mickey cũng tận 342 NDT bằng chi phí ăn trưa của công nhân Zhenyang trong một tuần.
Điều kiện ăn ở và làm việc vô cùng tồi tệ
Nhà máy Zhenyang của Hong Kong là một trong những nhà máy có nguồn nhân công giá rẻ được Disney đặt gia công hàng hóa cho các cửa hàng đồ chơi và các công viên giải trí của họ trên khắp thế giới.
Mỉa mai thay, nhà máy sản xuất đồ chơi Nữ hoàng băng giá lại tọa lạc ở vùng á nhiệt đới được biết đến như cái chảo lửa của Trung Quốc với độ ẩm và nhiệt độ cao khiến người cũng phải héo.
Trong ký túc, 12 người bị nhồi vào một phòng nhỏ nóng bức, tù túng.
Tường nhà bong tróc, lở ra từng mảng.
Ăn vội bát mỳ "không người lái" tại một cửa hàng cạnh nhà máy sau khi tan ca, người công nhân 29 tuổi đến từ Hồ Nam đã bộc bạch với phóng viên Daily Mail về điều kiện làm việc vô cùng khắc nghiệt.
Công nhân bị nhồi 12 người/phòng trong phòng ký túc bẩn thỉu, chật chội không có điều hòa dưới cái nóng gay gắt của mùa hè. Nhà vệ sinh cáu bẩn bốc mùi thì lúc nào cũng ở trong tình trạng quá tải, đến đi vệ sinh cũng phải xếp hàng dài.
Nhà vệ sinh ký túc xá cáu bẩn, hôi thối, tróc lở.
Anh cho biết hơn một nửa số nhân công hiện tại của nhà máy là lao động thời vụ bất chấp quy định số nhân viên thời vụ chỉ được phép chiếm 10% của luật pháp Trung Quốc hiện hành.
"Công nhân do một trung tâm môi giới lao động gửi tới và không được ký hợp đồng. Khi nhà máy có ít việc thì những lao động thời vụ này sẽ bị sa thải.
Đồng tiền kiếm được tại đây đúng là đồng tiền xương máu. Chúng tôi phải làm việc 11 tiếng/ngày, 6 ngày/tuần, thậm chí phải làm cả chủ nhật vào mùa cao điểm.
Nếu dốc hết sức, số tiền chúng tôi cầm về được cũng chỉ được 3.100 NDT, trừ bảo hiểm xã hội và tiền trọ đi còn có 2.900 NDT", anh công nhân đã làm việc tại đây 18 tháng cho biết.
Một công nhân 25 tuổi làm ở bộ phận bơm nhựa kể lại lúc mới được nhận vào anh chỉ được đào tạo trong đúng 20 phút và từ đó tới nay làm việc không có mũ và găng tay bảo hộ mặc cho công việc của anh liên quan tới hóa chất.
Công nhân làm việc với hóa chất không hề được trang bị đồ bảo hộ lao động.
"Trong nhà máy cực kỳ nóng và mùi hóa chất thì kinh khủng khỏi nói. Ngửi mùi đã đủ thấy đau đầu, chống mặt", người công nhân cho biết.
Nếu đi muộn hoặc về sớm dù chỉ 1 phút, công nhân cũng bị trừ nguyên nửa ngày lương. Nếu nghỉ 3 ngày liên tiếp, công nhân sẽ tự động bị sa thải.
"Chủ lao động không chỉ khắc nghiệt mà còn rất bủn xỉn. Ở Zhenyang, công nhân chỉ nhận được một phong bao lì xì 5 NDT làm quà tết âm lịch.
Cách duy nhất để chấm dứt thực trạng này là để cho những người chuộng đồ của Disney biết sự thật đằng sau những món đồ chơi đắt tiền mà họ bỏ tiền ra mua", nhiều công nhân bức xúc lên tiếng.
Cái kết không có hậu cho những người công nhân và phản ứng nửa vời của Disney
Tổ chức Theo dõi Lao động Trung Quốc (China Labor Watch) ước tính một công nhân làm việc trong nhà máy sản xuất đồ chơi 11 tiếng/ngày, 6 ngày/tuần trong 7.000 năm mới kiếm được số tiền mà ông chủ Disney, Roger Iger thu về trong 1 năm dựa trên con số 47.7 triệu USD được công bố năm 2014.
Công viên Disney Thượng Hải toàn người là người chen chúc trong ngày khai trương hôm 16/6 vừa qua.
Tổ chức này cũng đã thông báo thực trạng tại nhà máy Zhenyang cho Disney hồi tháng 11/2015. Phản hồi lại thông báo trên, Disney cho biết họ đã bàn bạc với phía nhà máy về việc cải thiện điều kiện làm việc.
Theo đó, nhà máy sẽ mất quyền làm nhà thầu phụ cho Disney nếu không tuân thủ các yêu cầu đặt ra về an toàn lao động. Tuy nhiên, hạn cuối để thực hiện là bao giờ thì không được nêu rõ.
Trong khi đó, những công nhân làm việc cho những nhà máy trả lương thấp như Zhenyang ngày càng chật vật để sống với số tiền lương còm cõi trong khi sinh hoạt phí thì không ngừng tăng.
Sự bùng nổ kinh tế tại đất nước triệu dân đã đẩy nhiều nhà sản xuất phải tìm kiếm lao động ở các nước có chi phí nhà nhân công rẻ hơn rất nhiều như Bangladesh, Indonesia và Việt Nam.
5 năm trước, thị trấn Qingxi đã từng là nơi làm việc của 150.000 công nhân nhập cư nhưng giờ đây chỉ còn lại khoảng 30.000 công nhân trụ lại.
Điều này đồng nghĩa với việc những công nhân sản xuất đồ chơi Nữ hoàng băng giá cũng chẳng có kết cục tốt đẹp gì.
5 năm trước, thị trấn Qingxi đã từng là nơi làm việc của 150.000 công nhân nhập cư nhưng giờ đây chỉ còn lại khoảng 30.000 công nhân trụ lại, chủ một quán cà phê ở địa phương cho biết.
Tuy vậy, Trung Quốc vẫn là trung tâm sản xuất đồ chơi lớn nhất cho toàn thế giới với số lượng ước tính lên tới 75%.
Phóng viên của Daily Mail đã liên hệ với Disney và nhà máy sản xuất Zhenyang để xin bình luận về thực trạng nhức nhối trên nhưng không nhận được câu trả lời thích đáng.