Sự thật thú vị về trạm vũ trụ quốc tế ISS

Cẩm Tú |

Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) là một trạm không gian đa quốc gia được sở hữu, xây dựng và điều hành bởi Mỹ, Canada, Nhật Bản, Nga và một số nước châu Âu hoạt động dưới quyền của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA). Năm 1998, Nga đã khởi công mô-đun đầu tiên của ISS.

Kể từ đó, các quốc gia khác, kể cả Nga đã bổ sung thêm các mô-đun riêng của mình và trạm tiếp tục phát triển. Ngày nay, Trạm vũ trụ quốc tế là một cơ sở nặng 460 tấn với kích thước bằng một sân bóng đá. Dưới đây là những sự thật thú vị về cơ sở này mà có thể bạn chưa biết.

Nó thực sự đang rơi

Không giống như những gì nhiều người thường nghĩ, trong vũ trụ vẫn có trọng lực. Trạm vũ trụ quốc tế nằm trong không gian cách trái đất từ 200 đến 250 dặm, nơi trọng lực bằng khoảng 90% trong lực trên trái đất. Điều này đủ để khiến ISS đâm xuống hành tinh của chúng ta. Nhưng tại sao nó không rơi?

Thực ra ISS đang rơi. Tuy nhiên, nó không đâm vào trái đất vì tốc độ mà nó rơi xuống gần như bằng với tốc độ nó di chuyển quanh trái đất, nên nó chỉ trượt dọc theo đường cong của hành tinh này. Sự rơi của ISS cũng là lý do khiến các phi hành gia trên trạm trông như không trọng lượng, mặc dù vẫn có lực hấp dẫn bên trong.

Vì tốc độ rơi của ISS gần bằng với tốc độ di chuyển của nó vòng quanh trái đất, nên các phi hành gia không bị kéo theo bất kỳ hướng nào cụ thể. Vì vậy, họ chỉ trôi bồng bềnh.

Một ngày dài 90 phút

Trạm vũ trụ quốc tế quay một vòng xung quanh trái đất hết 90 phút. Kết quả là các phi hành gia cứ 90 phút lại thấy mặt trời mọc một lần. Điều này có nghĩa là trong một ngày của trái đất họ trải qua 16 lần bình minh và 16 lần hoàng hôn.

Điều thú vị là các phi hành gia trên ISS không trải nghiệm bình minh hay hoàng hôn. Tuy nhiên, họ có thể nhìn thấy rõ terminator - đường phân chia phần sáng và tối của trái đất bất cứ lúc nào.

Nền chính trị kiểu trái đất

Trạm vũ trụ quốc tế không thuộc sở hữu của riêng một quốc gia nào. Nó thuộc sở hữu và được xây dựng bởi Mỹ, Canada, Nhật Bản, Nga và một số nước châu Âu. Mỗi quốc gia hoặc nhóm quốc gia trong trường hợp của ESA, sở hữu một số phần nhất định của ISS cùng với các mô-đun mà họ đã gửi lên đó.

Bản thân ISS được chia thành hai phần: phần của Mỹ và phần của Nga. Phần của Nga được sử dụng độc quyền bởi Nga, trong khi phần của Mỹ được dùng chung bởi mọi quốc gia khác. Hầu hết các nước tham gia vào sự phát triển của ISS, đặc biệt là Mỹ và Nga, đã đưa nền chính trị kiểu trái đất của họ vào vũ trụ.

Điều này đã bộc lộ một số nhược điểm vào năm 2014, sau khi Mỹ áp đặt một số biện pháp trừng phạt đối với Nga và cắt đứt mối quan hệ với một số cơ quan của Nga. Một trong số đó là Roscosmos của Nga, một cơ quan tương tự NASA của Mỹ.

Không giặt quần áo

Không có máy giặt trên khoang ISS. Ngay cả khi có, các phi hành gia không có nước thừa để giặt giũ. Một lựa chọn khả dĩ là họ sẽ lên ISS với đủ quần áo để hoàn thành sứ mệnh mà không cần giặt. Các phi hành gia không thể mang quần áo bẩn của họ về trái đất, vì không có đủ chỗ trong khoang đổ bộ. Vì vậy, về cơ bản họ đốt hết quần áo sau khi sử dụng.

Đến đây, chúng ta cần hiểu rằng các phi hành gia không cần thay quần áo hàng ngày.

Các phi hành gia tập thể dục rất nhiều

Các phi hành gia hầu như luôn luôn bị mất khối xương và cơ trong mỗi chuyến du hành không gian. Cứ mỗi tháng ở trên vũ trụ, họ sẽ mất khoảng 2% khoáng chất trong các xương chi. Một sứ mệnh điển hình trên ISS có thể mất 6 tháng, đủ để một số phi hành gia mất một phần tư khối lượng xương ở một số phần của bộ xương.

Các cơ quan vũ trụ cố gắng chống lại sự mất mát này bằng cách yêu cầu các phi hành gia tập thể dục khoảng hai giờ mỗi ngày. Mặc dù vậy, họ vẫn mất khối xương và cơ. Và vì hầu như tất cả các phi hành gia đi vào không gian để thường xuyên tập luyện, nên các cơ quan vũ trụ có những đội ngũ kiểm soát để xác định tính hiệu quả của các bài tập này.

Các thiết bị tập thể dục không giống như loại mà chúng ta sử dụng trên trái đất. Sự khác biệt về trọng lực đồng nghĩa với việc các phi hành gia luôn cần thiết bị được chế tạo đặc biệt.

Các phi hành gia Trung Quốc không thể ghé thăm ISS

Các phi hành gia Trung Quốc không thể ghé thăm ISS vì Mỹ không muốn họ ở đó. Lệnh cấm được đưa ra vào năm 2011, khi Quốc hội Hoa Kỳ cấm bất kỳ sự hợp tác nào giữa Mỹ và các chương trình vũ trụ của Trung Quốc.

Lệnh cấm được thực thi vì những mối lo ngại rằng chương trình không gian của Trung Quốc có những ứng dụng quân sự bí mật. Nước Mỹ không muốn gián tiếp giúp đỡ cho quân đội và công nghệ của Trung Quốc bằng cách trực tiếp hỗ trợ chương trình không gian của họ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại