Khái niệm "bằng bạn bằng bè" thực sự rất mơ hồ và rất dễ khiến con người ta có những suy nghĩ lệch lạc. Giống như việc, điều kiện gia đình tuy chẳng lấy gì làm khấm khá nhưng con cái vẫn bày tỏ nguyện vọng cha mẹ mua cho chiếc xe đẹp, điện thoại xịn để dùng... vậy mới bằng bạn bằng bè.
Như câu chuyện về một cô nữ sinh lớp 11 vòi vĩnh người mẹ vất vả từng ngày đi bán rau phải mua cho mình chiếc điện thoại Iphone 6 plus có giá lên tới hơn 10 triệu đồng, đang được dân mạng bàn tán, chỉ trích trong nhiều ngày qua.
Câu chuyện đang nhận được rất nhiều sự quan tâm trên mạng xã hội
Câu chuyện này được bạn N.N.C.Q kể lại với cương vị là người chứng kiến sự việc tại cửa hàng điện thoại ở Hoà Bình.
"Tâm sự:
Khi tôi chờ thợ test màn máy điện thoại hỏng, mẹ con họ vào. Có mùi đú ở đây. Tôi đoán vậy. Người con gái vào hỏi nhỏ làm ở đó:
"Quán mình có iphone 6 plus không chị?"
"Có ạ"
"Cho em xem với ạ"
Nhỏ mang ra cái màu đen cho em đó xem. Em ấy xem máy cười tươi… Tất nhiên là thích rồi, vì nó to. Chỉ đơn giản là to hơn so với các em iphone 5 và 5s bên cạnh. Em hỏi tiếp:
"Máy này bao nhiêu ạ? Trả góp 30% là tính như thế nào ạ?"
"10 triệu 500.000 đồng trả trước 3 triệu, còn lại trả trong 6 tháng, lãi suất thấp nhưng cần hoá đơn điện nước".
Lúc này mới thấy tiếng người mẹ phản ứng:
"Hả 10 triệu? Tiền đâu ra con? Thôi không!"
"Nhưng đẹp to con thích".
"Son nay lãi 120.000 đổ rau đầu mối, mẹ chưa trả tiền thuê nhà, không mua cho con, con doạ bỏ đi, mua mấy cái điên lên con đập rồi, to tiền – tiền đâu mua?"
"Con đi làm con mua, bỏ học, trả góp mà, có nhiều đâu?"
"Trả góp không phải tiền à? Tìm con khác đi".
"Chị đưa em máy iphone 6 cũ ạ" em gái cau mày.
Chủ tiệm đưa cho iphone 6 16GB giá hơn 8 triệu.
"Có màu vàng không ạ?"
"Có ạ"
"Hay này nha mẹ"
"9 với 10 triệu như nhau mẹ không có tiền đâu con. Mẹ xin con".
"9,10 triệu như nhau thì mua con to này còn hơn".
Nghĩ bụng em thật vi diệu!
"Thôi mua nhỏ hơn đi" tay cô chỉ vào máy 5 thương giá 3 triệu ghi trên máy.
"Không đâu, toàn máy đểu cũ thôi mẹ, mua đó thà không mua".
Lời kể của "nhân chứng" vụ việc
Sau khi câu chuyện được đăng tải trên mạng xã hội, đã có rất nhiều ý kiến chỉ trích cô gái này là "đua đòi", không biết nghĩ cho cha mẹ...
Nhưng ngay sau đó, một cô gái có nickname N.H đã lên tiếng khẳng định mình là nhân vật nữ trong câu chuyện, đã lên tiếng xác minh những gì được chia sẻ trên đây là hoàn toàn sai sự thật.
Theo đó, cô gái đi cùng mẹ tới cửa hàng mua điện thoại có tên là Lê Thu Hiền (sinh năm 1996, tại Hoà Bình). Như vậy, Hiền năm nay 20 tuổi chứ không phải học sinh lớp 11 như lời đoạn chia sẻ viết.
Nữ nhân vật chính đã chia sẻ nỗi bức xúc của mình khi bị đưa hình ảnh vào câu chuyện hư cấu này. Thu Hiền cho biết rằng, sáng ngày 18/7, cô có cùng mẹ ra cửa hàng để mua điện thoại.
Theo dự định ban đầu, Thu Hiền sẽ mua iphone 5s chứ không phải là iphone 6s plus như câu chuyện đã nói. Thêm nữa, tiền mua điện thoại đã được cô gửi mẹ từ trước chứ không hề có bất kỳ sự vòi vĩnh, sách nhiễu như câu chuyện nói.
Nữ nhân vật chính trong câu chuyện lên tiếng.
Thu Hiền khẳng định rằng đã có gia đình và không hề có chuyện kì kèo như vậy:
“Mình có đủ khả năng mua được Iphone 6 plus chứ không phải kì kèo, năn nỉ mẹ từng tí một như người kia kể.
Nhưng nghĩ, dùng điện thoại nào chẳng được, tiền đó để dành mua bỉm, sữa cho con nên thôi mua chiếc điện thoai rẻ tiền hơn.
Mẹ chỉ đi cùng mình thôi chứ không phải chạy rau từng buổi để lấy tiền mua điện thoại cho mình. Hơn nữa, nhà mình buôn tôm chứ không buôn rau như họ nói. Không hiểu nổi tại sao lại có người rảnh rỗi, bịa ra câu chuyện chi tiết và vớ vẩn như thế.
Không biết người kia được lợi lộc gì khi mất công nghĩ ra câu chuyện như vậy để bêu rếu người khác thế này. Tại sao họ lại ác tâm mang danh dự gia đình người khác ra đùa cợt như thế?
Rồi cả những người không hiểu thực hư ra sao cũng chia sẻ với lời lẽ xúc phạm nữa. Mình hy vọng, mỗi người dùng mạng nên có trách nhiệm với lời mình nói ra.
Bịa đặt thì dễ nhưng đến lúc gây ra hậu quả nặng nề thì có hối hận cũng khó” - Thu Hiền bức xúc chia sẻ.
Câu chuyện của Thu Hiền khiến chúng ta nhớ về cô gái đòi mẹ mua chiếc xe Vespa LX cách đây chưa lâu.
Trong câu chuyện này, hình ảnh của nữ nhân vật chính - cô con gái, cũng bị xây dựng lên với một hình mẫu đua đòi, vòi vĩnh, không biết thương lấy mẹ, nghĩ cho gia cảnh khó khăn.
Chẳng rõ mục đích, lợi ích thu được từ việc bịa đặt, hư cấu lên một câu chuyện gây tổn hại tới danh dự người khác là như nào nhưng rõ ràng điều này khiến những nhân vật chính phải "điêu đứng" trước miệng lưỡi của dư luận.
Cô gái trong câu chuyện này cũng đã rất bức xúc lên tiếng khiếu nại người đăng tin sai sự thật
Từ những dẫn chứng trên có thể thấy, việc bôi nhọ danh dự người khác bằng một câu chuyện hư cấu là điều thực sự rất đáng trách và cần có một bài học cảnh cáo.
Bản thân những người dùng facebook cũng nên tỉnh táo hơn, không nên vội tin vào những gì đọc được đã vội quy chụp người khác với những đánh giá nặng nề.