Giả thiết Oreshnik được phát triển từ khá lâu
Tổng thống Nga Putin ca ngợi tên lửa đạn đạo Oreshnik là loại vũ khí mới mà phương Tây không có câu trả lời. Tuy nhiên, nghiên cứu các mảnh vỡ của tên lửa siêu vượt âm này (được Nga phóng vào thành phố Dnipro của Ukraine vào ngày 21/11/2024) cho thấy một số linh kiện của tên lửa đã tồn tại ít nhất 7 năm qua.
Trang Defense Express của Ukraine cho biết, một trong những bộ phận của tên lửa Oreshnik thu được tại thành phố Dnipro có số series và ngày sản xuất là 12/4/2017. Như vậy khả năng cao quả tên lửa Oreshnik phóng vào Dnipro được lắp ráp vào tầm năm 2017 hoặc 2018.
Cổng tin tức trên cũng công bố những bức ảnh về những mảnh vỡ của Oreshnik cho thấy ngày sản xuất.
Trên xác tên lửa còn có dòng chữ EFIT 302811.002. Cái tên EFIT liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp tên lửa và vũ trụ NPCAP của Nga - đơn vị thành viên của Roscosmos - tập đoàn nhà nước của Nga chịu trách nhiệm về các chương trình du hành vũ trụ và nghiên cứu không gian vũ trụ.
Mọi thứ cho thấy NPCAP cũng chịu trách nhiệm về cung cấp thiết bị điều khiển tên lửa Oreshnik.
Đáng chú ý, vào năm 2017, Nga cũng có kế hoạch khởi động sản xuất hàng loạt tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-26 Rubezh. Nhiều nhà phân tích nhận xét rằng Oreshnik có thể là dạng phái sinh của RS-26 Rubezh và cũng tích hợp các yếu tố của tên lửa Bulava, được phát triển vào thập niên 1990.
Sau khi Nga tập kích Dnipro bằng tên lửa Oreshnik, Lầu Năm Góc cho rằng Oreshnik là một dạng thử nghiệm của tên lửa đạn đạo tầm xa dựa trên tên lửa RS-26 Rubezh. Tình báo quốc phòng Anh cũng kết luận rằng Oreshnik là biến thể của RS-26 Rubezh và Moscow có lẽ bắt đầu phát triển hệ thống tên lửa này cách đây nhiều năm.
Hôm 21/11, Tổng thống Nga Putin nói rằng Oreshnik là hệ thống tên lửa mới được phát triển sau khi Mỹ “mắc sai lầm đơn phương phá hủy Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm xa vào năm 2019”.
Năm 1987, Mỹ và Liên Xô ký hiệp ước trên (INF) nhằm xóa bỏ và ngưng sử dụng tất cả những tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình cả hạt nhân và thông thường, phóng từ mặt đất, với tầm bắn từ 500-5.500km. Hiệp ước này không áp dụng với tên lửa phóng từ trên không hoặc từ tàu chiến.
Tuy nhiên từ năm 2014, Mỹ cho rằng Nga vi phạm các điều khoản của hiệp ước này. Dựa trên những cáo buộc đó, nước Mỹ thời Tổng thống Trump nhiệm kỳ 1 đã rút khỏi INF.
Bất chấp cáo buộc của Mỹ, Nga luôn khẳng định họ tuân thủ hiệp ước trên và chỉ theo đuổi việc phát triển Oreshnik sau khi Mỹ rút khỏi hiệp ước.
Một vài thông số đáng chú ý về Oreshnik
Tổng thống Nga Putin tiết lộ rằng cú phóng Oreshnik vào tháng 11 vừa qua là để đáp trả việc Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS của Mỹ và Storm Shadow của Anh và Mỹ để tập kích vào sâu trong lãnh thổ Nga.
Ông Putin cho biết, tên lửa Oreshnik có tốc độ gấp 10 lần tốc độ âm thanh (tức đạt tới Mach 10). Tuy nhiên, giới chức quân sự Ukraine cho rằng quả tên lửa Oreshnik có tốc độ lên tới Mach 11.
Theo ông Putin, không có hệ thống phòng thủ tên lửa hiện hành nào có thể đánh chặn được Oreshnik. Mới đây nhất, ông Putin còn thách phương Tây “đọ công nghệ” với Nga. Ông nói: “Nếu họ nghi ngờ khả năng của Oreshnik, hãy để họ gợi ý một mục tiêu cho chúng tôi tấn công, có thể là một điểm nào đó ở Kiev. Họ có thể tập trung tất cả lực lượng phòng không và phòng thủ tên lửa của họ lại để chặn. Chúng ta hãy cũng xem điều gì xảy ra. Chúng tôi sẵn sàng cho một cuộc thử nghiệm như vậy”.
Trong cuộc họp báo hôm 19/12, Tổng thống Putin nói rằng Oreshnik là “hiện đại, rất mới” và là một phần trong công nghệ quân sự tiên tiến của Nga.
Ông Putin cũng cảnh báo rằng nhiều tên lửa Oreshnik phóng cùng một lúc có thể tạo ra sức hủy diệt tương tự như một đòn đánh hạt nhân.
Trước đó, tình báo quốc phòng Anh cho rằng Nga chỉ có một số lượng rất nhỏ tên lửa Oreshnik và Nga chưa bước vào giai đoạn sản xuất hàng loạt vũ khí này. Tuy nhiên, nếu thông tin từ các nguồn quốc phòng Ukraine mới đây về việc Oreshnik đã được lắp ráp hồi năm 2017-2018 là đúng thì có khả năng cao Nga hiện đã sở hữu số lượng đáng kể tên lửa Oreshnik.