Thiên nhiên thật kỳ diệu nhưng cũng không kém phần khắc nghiệt.
Theo một báo cáo từ Đại học Basel, Thụy Sĩ, ngoài côn trùng hoặc nhện, số vụ bọ ngựa săn chim đang có xu ngày càng gia tăng trên toàn thế giới.
Nhà sinh vật học William Brown, thuộc Đại học New York, đồng tình với báo cáo kể trên. Brown còn tiết lộ rằng, bọ ngựa thường xuyên chọc thủng hộp sọ của con mồi để ăn não.
Nhà sinh thái học đã nghỉ hưu Dietrich Meds kể thêm: "Bọ ngựa giữ chặt và ăn não của con mồi ngay khi chúng còn sồng, từ từ và chậm rãi cho tới khi không còn gì nữa".
Theo Live Science, các nhà nghiên cứu đã khảo sát nhiều hồ sơ, bao gồm các nghiên cứu đã được đăng tải, và cả những bài đăng trên mạng xã hội, để tìm kiếm hình ảnh hoặc chứng cứ về việc bọ ngựa tấn công chim.
Cuối cùng, họ tìm thấy 147 trường hợp bọ ngựa săn chim trên 13 quốc gia. Trường hợp sóm nhất mà họ ghi nhận xảy ra vào năm 1864 nhưng 67% trong tổng số vụ việc xảy ra từ năm 2000 tới năm 2015.
Do chỉ dựa vào những vụ tấn công được con người ghi lại nên các nhà khoa học chưa tính toán được tần suất các vụ bọ ngựa săn chim. Dẫu vậy, ít nhất các nhà khoa học kết luận được rằng những vụ việc này xảy ra trên toàn thế giới, trừ nam cực.
Chim ruồi ở Mỹ là những nạn nhân thường xuyên nhất của bọ ngựa. Hơn 70% vụ tấn công được ghi lại khi chim ruồi ghé vào những máng ăn trong nhà dân. Do dân Mỹ có sở thích cho chim ruồi ăn và quan sát nên họ thường xuyên thấy cảnh bọ ngựa săn chim ruồi.
Các nhà khoa học cho rằng việc con người thả những loài bọ ngựa ngoại lai cỡ lớn vào Bắc Mỹ thập kỷ trước để kiểm soát dịch hại chính là nguyên nhân khiến những vụ chim ruồi bị bọ ngựa ăn thịt ngày càng tăng. Ngoài ra, theo các nhà khoa học, bọ ngựa bản địa tại Mỹ cũng săn chim nhưng ở tần suất thấp hơn.
Kết quả tìm kiếm nhanh trên Google cho thấy nhiều người vẫn mang bọ ngựa về với hy vọng chúng sẽ ăn côn trùng gây hại như ruồi. Tuy nhiên, nhược điểm là bọ ngựa cũng sẽ diệt cả những sinh vật mà con người không ghét như bướm và đôi khi là chim ruồi.
"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng bọ ngựa tạo ra những mối đe dọa cho một số quần thể chim. Do vậy, chúng ta cần thận trọng trong việc dùng bọ ngựa để kiểm soát dịch hại", Martin Nyffeler, tác giả chính của nghiên cứu chia sẻ.
Nguồn: Huffinton Post