Sự thật không phải ai cũng biết đằng sau các game show hài

H.H |

Những sự thật về các game show hài, người trong nghề ai cũng biết nhưng họ không dám lên tiếng vì... ngại đụng chạm.

Vài năm trở lại đây, các game show hài lên ngôi với lượng người xem cao ngất ngưỡng. Hầu như đài nào cũng làm game show. Và nghệ sĩ ngôi sao bỗng chốc có thêm một nghề mới hốt bạc: "Nghề làm giám khảo".

Nhưng đó chỉ là cái vẻ bề ngoài. Đằng sau những game show thực sự là gì... chỉ người trong nghề mới biết.

Thí sinh chỉ là "con cờ" làm giàu cho giám khảo và nhà sản xuất?

Có một số người chuyên "làm nghề" đi thi game show hài. Hầu như game show nào họ cũng tham gia. Trong số đó có cả những người tay ngang và diễn viên chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản tại trường Sân khấu điện ảnh hoặc các trung tâm dạy diễn xuất của nghệ sĩ nổi tiếng.

Đa số thí sinh bị hào quang của game show làm "ảo". Họ nghĩ rằng, game show là con đường nhanh nhất giúp họ nổi tiếng.

Chỉ cần tham gia một game show, vài ba tháng sau họ đã được khán giả biết mặt, biết tên trong khi có những người làm nghề cả chục năm vẫn chưa được ai biết tới.

Ở góc nhìn bề nổi, điều này đúng nhưng họ đã lầm. Một vị đạo diễn xin được giấu tên đã khẳng định: "Tôi thấy những thí sinh đó rất tội nghiệp. Khán giả biết họ lúc game show đang phát sóng nhưng game show kết thúc, họ cũng bị quên ngay.

Nhiều thí sinh tâm sự với tôi rằng, sau khi game show kết thúc, công việc của họ không có gì thay đổi. Vẫn từng đó show diễn. Game show có raiting cao thì nhà đài và nhà sản xuất hưởng lợi, ban giám khảo được trả tiền còn thí sinh... được gì?

Nhiều thí sinh biết rằng, nếu không có họ thì nhà sản xuất, đài truyền hình và ban giám khảo chẳng kiếm lời tốt như thế nhưng vì mong có cơ hội đổi đời, mong được nổi tiếng để làm nghề... họ chấp nhận làm con cờ trong tay người khác".

Rất nhiều nghệ sĩ từng tham gia game show nói với người viết rằng, game show nào cũng có sắp xếp. Ai thắng ai thua, ai ở vị trí nào, ai đi tiếp, ai dừng lại... đều có bàn tay của nhà sản xuất.

Ca sĩ Phương Thanh, diễn viên Hòa Hiệp... cũng từng chia sẻ trên truyền thông: Game show nào cũng có chiêu trò.

Nhưng đó chưa phải là điều tồi tệ nhất...

Sự thật không phải ai cũng biết đằng sau các game show hài - Ảnh 1.

Lệ Rơi từng được săn đón tham gia game show hài sau khi nổi đình đám trên mạng xã hội.

Tung hê và "rớt bộp"...

Thực ra, giám khảo cũng chỉ là những người làm thuê "cao cấp" cho nhà sản xuất. Nhà sản xuất luôn nhắm đến những ngôi sao đang hot. Họ "tích cực" cộng tác với những vị giám khảo "nói hay và diễn giỏi".

Nhiều giám khảo xem tiểu phẩm của thí sinh không cười nhưng khi máy lia vào, họ liền phối hợp cho ăn ý. 

Dẫu không muốn cười cũng phải giả bộ cười vì không muốn làm buồn lòng người bỏ tiền ra thuê mình. Thậm chí, cười chưa được, đạo diễn yêu cầu... "cười lại" để quay, họ cũng sẵn lòng!

Một vị đạo diễn game show nói với tôi: "Chương trình phát sóng, khán giả coi tưởng là hay, người xem cười rần rần... nhưng thực ra không phải.

Khi biên tập, họ gắn tiếng cười. Ai tinh ý sẽ thấy vì đôi khi góc máy bị lỗi. Nghe thấy tiếng cười ầm ầm nhưng mặt khán giả tỉnh bơ.

Quần chúng xem chương trình đều được thuê. Trước khi quay chương trình, đạo diễn yêu cầu quần chúng đứng lên vỗ tay, yêu cầu cười để các máy quay chĩa vào.

Cười như thế nào, vỗ tay ra sao, đạo diễn chỉ đạo hết. Lúc dựng, họ sẽ ghép vào cho giống như thật...".

Tất cả những đoạn diễn dở của thí sinh cũng bị biên tập lại cho ngọt, cho mượt và hợp với tiết tấu trước khi lên sóng.

Cộng thêm những lời khen có cánh của giám khảo khiến thí sinh ảo tưởng về tài năng của mình... nhưng khi cọ xát với sân khấu thật, khán giả thật, họ mới nhận ra mình là ai!

"Sợ nhất là một số giám khảo dùng những mỹ từ để ca ngợi. Chính điều này hại thí sinh. Họ tưởng mình ngon lành. 

Khi đem ra thử lửa, họ mới biết mình là ai, ở vị trí nào. Có nhiều thí sinh đem tiểu phẩm thi game show ra Trống Đồng diễn, khán giả ở dưới chẳng ai cười", vị đạo diễn kia cho biết.

Trên sân khấu, việc diễn viên nắm chặt tiết tấu tiểu phẩm là vô cùng quan trọng. Trong 1 tiểu phẩm thường có nhiều mảng miếng hài. Nếu một hai mảng miếng đầu không làm khán giả cười thì những mảng miếng sau đó dù lúc tập rất duyên cũng sẽ làm họ mất hết sự tinh tế và duyên dáng.

Sân khấu thực, khán giả thực là "thước đo" của diễn viên để họ đúc kết kinh nghiệm. Còn trên game show, do biên tập cắt gọt và gắn tiếng cười nên diễn viên không "đo" được tiểu phẩm của mình hay dở đến đâu, thành công chỗ nào, vì sao thất bại để rút kinh nghiệm.

Chỉ đến khi họ đem tiểu phẩm đi diễn thật ở nơi khán giả mua vé mới bị "rớt bộp bộp"...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại