TẤN CÔNG LIỀU CHẾT, TIÊU DIỆT TÀU SÂN BAY
Phi công kamikaze được trao băng quấn đầu trong nghi lễ trước chuyến bay tự sát. Ảnh: LIFE Images Collection/Getty Images
Vào giai đoạn cuối Thế chiến II, ngay cả ở Nhật Bản, ít người tin rằng nước Nhật có thể chiến thắng trong cuộc chiến này. Thay vào đó, họ đang chiến đấu chỉ để vượt qua nỗi sợ phải “đầu hàng vô điều kiện” trước người Mỹ.
Nếu có thể khiến quân Đồng minh chịu đủ nhiều tổn thất hơn, người Nhật tin rằng, họ có thể đàm phán những điều kiện tốt hơn. Vì thế ý tưởng về các phi đội máy bay cảm tử kamikaze (có nghĩa là "thần phong") đã ra đời từ giữa năm 1944.
Những điều kiện khủng khiếp
Sau những sứ mạng kamikaze ban đầu, càng về sau các phi công cảm tử càng phải trải qua những điều kiện khắc nghiệt hơn trước trong quá trình chuẩn bị cho sứ mạng tự sát.
Một phi công kamikaze tên là Irokawa Daikichi đã viết trong nhật ký của mình rằng, trong quá trình huấn luyện, anh ta thường xuyên bị bỏ đói và đánh đập. Cấp trên của Daikichi từ chối cho anh ăn bất kỳ loại thực phẩm nào, và thậm chí nếu họ nghi ngờ Daikichi đã ăn, họ sẽ đánh anh toé máu.
"Tôi đã bị đánh nặng đến mức không còn nhìn thấy và cảm thấy gì trên sàn nhà nữa", anh viết. "Ngay khi đứng dậy, tôi lại bị đánh .... Anh ta đánh vào mặt tôi 20 lần và bên trong miệng tôi đầy vết rách vì răng vập vào”.
Các phi công kamikaze cũng sẽ bị đánh đập nếu có bất kỳ biểu hiện nào không trung thành. Những người khác mô tả việc được lệnh phải học thuộc những bài thơ cổ của Nhật Bản, sau đó bị đánh gục xuống đất mỗi khi mắc lỗi.
Các phi công uống rượu sake trước khi bước vào sứ mạng liều chết. Ảnh: AFP/Getty Images
Vào thời điểm ngày cảm tử đến, mọi cảm giác tự do mà họ có hoặc bất kỳ ý định nào không tuân lệnh sẽ bị dập tắt.
Trước khi leo lên máy bay, phi công cảm tử sẽ được tặng một chiếc khăn với 1.000 mũi khâu, được gọi là senninbari - mỗi mũi được khâu bởi một người phụ nữ khác nhau - như lời cảm ơn vì đã cho đi cuộc sống của mình. Giống như các samurai xưa, họ sẽ đọc một bài thơ vĩnh biệt, rồi chia sẻ chén rượu sake cuối cùng với những người cùng thực hiện sứ mạng với mình.
Vụ tấn công kamikaze đầu tiên
Sáng 25/10/1944, một phi đội 5 chiếc máy bay cảm tử dẫn đầu bởi Yukio Seki đang bay trên Vịnh Leyte, Philippines.
Người Mỹ hoàn toàn không chuẩn bị cho tình huống sắp xảy ra. Họ cầm súng và bắn, nhưng vẫn quen với kẻ thù một khi đã bị vô hiệu hoá sẽ cố gắng trở về nhà. Những chiếc máy bay này cứ tiếp tục lao đến, bất kể chúng đã dính bao nhiêu đạn.
Chiếc máy bay cảm từ đầu tiên hướng về tàu sân bay USS Kitkun Bay, nhắm vào trung tâm chỉ huy của con tàu. Tuy nhiên, nó đã nổ tung ngay trên cầu cảng và rơi xuống biển, khiến con tàu hư hại nhưng vẫn nổi.
Xem máy bay liều chết Nhật lao xuống nổ tung tàu sân bay USS Essex ngày 25/11/1944:
Hai phi công tiếp theo thậm chí còn liều mạng hơn. Họ bổ nhào xuống tàu USS Fanshaw Bay, nhưng cả hai đều bị thổi bay khỏi không trung bởi hỏa lực phòng không trước khi có thể gây thiệt hại.
Hai kamikaze cuối cùng lao xuống con tàu thứ ba, USS White Plains, dưới hỏa lực mạnh. Thách thức những làn đạn, sứ mạng của họ dường như sẽ hoàn toàn thất bại. Tuy nhiên, một trong những chiếc máy bay - do chính Seki lái - đã rẽ đột ngột và đâm xuống boong của một con tàu khác, tàu sân bay USS St. Lo.
Thuốc nổ trong mũi máy bay của Seki phát nổ, làm nổ tung các khoang chứa bom của con tàu. Con tàu sân bay khổng lồ nặng 8.000 tấn bốc cháy cuồn cuộn. Người Mỹ đã phải vật lộn để cứu các thuỷ thủ trong số 889 người trên tàu trước khi toàn bộ hàng không mẫu hạm này chìm xuống biển.
Tàu sân bay khổng lồ USS St. Lo bị đánh chìm bởi đợt máy bay tấn công liều chết đầu tiên. Ảnh: Getty Images
5 chiếc máy bay Nhật liều chết cùng với 5 phi công, nhưng phi đội kamikaze đầu tiên đã hạ được cả một tàu sân bay và làm hơn 100 binh sĩ Mỹ thiệt mạng.
Cuộc thử nghiệm đầu tiên với các chiến binh kamikaze của Nhật Bản đã thành công.
Khói đen bốc lên từ tàu USS Bunker Hill sau khi bị hai máy bay kamikaze tấn công ngày 11/5/1945. Ảnh: Getty Images.
Sự lớn mạnh của chương trình kamikaze
Trong vòng 48 giờ sau đó, 50 phi công cảm tử khác được cử tới Vịnh Leyte, Philippines. Thí nghiệm đầu tiên của Phó Đô đốc Onishi nhằm vào 7 tàu sân bay và 40 con tàu khác của Mỹ, trong đó 5 chiếc đã chìm xuống đáy biển.
Chương trình Thần phong (kamikaze) chính thức đi vào hoạt động. Trong suốt cuộc chiến, hàng ngàn phi công Nhật đã hy sinh tính mạng hòng làm tổn thương kẻ thù.
Nhật Bản chốt ở con số 4.000, trong khi Mỹ ước tính 2.800 phi công kamikaze đã chết. Họ trở thành một trong những lực lượng tấn công lớn nhất của Nhật Bản, ngay cả khi người Mỹ đã học được cách đối phó.
Thủy thủ Mỹ dập lửa trên tàu USS Bunker Hill sau khi hứng chịu một vụ tấn công kamikaze ngày 11/5/1944. Ảnh: Getty Images
Một máy bay liều chết của quân Nhật cháy trên boong tàu sân bay Mỹ. Ảnh: Keystone/Getty Images
Trận chiến cuối cùng ở Thái Bình Dương, trận Okinawa, đã chứng kiến thêm 7 phi công kamikaze liều chết. Khoảng 1.465 máy bay cảm tử đã được lệnh nhằm vào mục tiêu kẻ thù chỉ riêng trong trận này.
Kamikaze là một chương trình hiệu quả lớn của phát xít Nhật, dù chỉ 14% phi công cảm tử thực sự tấn công trúng mục tiêu. Một số ước tính cho thấy, họ đã gây ra tới 80% tổn thất của Mỹ trong giai đoạn cuối Thế chiến II.
Ở Tokyo, các nhà lãnh đạo quân sự Nhật Bản đã dự trữ nhiều máy bay tự sát và thậm chí cả những chiếc thuyền tự sát để chuẩn bị đối phó với cuộc xâm lược của người Mỹ tới đất nước họ. Nếu quân đội Mỹ phải xông vào các bãi biển của Nhật Bản khi chiến tranh chưa kết thúc, họ sẽ đối mặt với nhiều làn sóng phi đội cảm tử hơn bất kỳ ai trong họ từng thấy.
Phi công kamikaze chụp ảnh chung trước chuyến bay liều chết. Ảnh: Keystone/Getty Images
Máy bay kamikaze và máy bay ném bom Nhật tấn công tàu USS Hornet ở khu vực quần đảo Santa Cruz. Ảnh: CORBIS Getty Images
Kết thúc chương trình Kamikaze
Chương trình kamikaze kết thúc cùng với cuộc Đại chiến thế giới thứ II. Đầu tháng 8/1945, sau khi Mỹ thả bom nguyên tử xuống hai thành phố Hiroshima, Nagasaki và quân đội Liên Xô bắt đầu tiến qua Mãn Châu, rõ ràng Nhật Bản không thể làm gì nữa để thay đổi số phận.
Phi công Matome Ugaki trước khi lên sứ mạng kamikaze cuối cùng, được tiến hành ngay sau khi Nhật Bản đầu hàng. Ảnh: Wikimedia Commons
Xem video một trong nhiều vụ tấn công của chương trình Thần phong:
Đối với nhiều phi công đã hy sinh, đó là kết thúc mà họ từng mong đợi. Nhiều người, trước khi bay đến cái chết, đã viết thư về nhà cho mẹ than vãn rằng họ sắp lãng phí sinh mạng mình trong một cuộc chiến vô ích. Như một kamikaze đã viết về nhà: "Con phải chấp nhận số phận của thế hệ mình: chiến đấu trong chiến tranh và chết”.
Hàng ngàn thanh niên Nhật đã không bao giờ trở về nhà với mẹ của họ. Nhưng nếu những gì trong cuốn sổ tay mà chính phủ Nhật Bản trao cho họ trước khi thực hiện sứ mạng có thể tin được, thì trước khi chết, các phi công kamikaze đã nhìn thấy mẹ mình lần cuối.
"Ngay lúc đó, cậu sẽ nhìn thấy khuôn mặt của mẹ cậu", cuốn sổ viết. "Cậu đang thư giãn và nở nụ cười. Không khí ngọt ngào của những ngày thơ ấu hiện về... Cậu thậm chí có thể nghe thấy một âm thanh cuối cùng như tiếng vỡ của pha lê".
https://baotintuc.vn/ho-so/su-that-khong-ngo-ve-chuong-trinh-phi-cong-cam-tu-cua-nhat-ban-ky-2-20190807143933511.htm