Chính thức đi vào hoạt động năm 1995 nhưng tới 2002, Acecook Việt Nam mới cho ra đời mì Hảo Hảo tôm chua cay, nay đã trở thành cái tên quốc dân, bán hết hàng tỷ gói trên thị trường nội địa.
Điều gì khiến nhãn hiệu mì ăn liền nổi tiếng đến từ Nhật Bản, sau nhiều năm mới tìm ra công thức khiến người Việt thích thú đến như vậy? Tổng giám đốc Acecook Việt Nam - ông Kaneda Hiroki đã có nhiều chia sẻ thú vị quanh câu hỏi này.
ĐI KHẮP CẢ NƯỚC NẾM MÓN NGON VÀ KỶ LỤC R&D CỦA HẢO HẢO TÔM CHUA CAY
Trong số các sản phẩm của Acecook, hơn 20 năm qua, Hảo Hảo tôm chua cay vẫn là cái tên được nhắc tới nhiều nhất. Tôi thực sự tò mò: làm cách nào một doanh nghiệp nước ngoài lại có thể tìm ra hương vị khiến người Việt yêu thích suốt nhiều năm như thế?
(Cười) Đó cũng là hành trình không dễ dàng với chúng tôi. Năm 2000, thương hiệu Hảo Hảo ra đời nhưng lại bắt đầu với hương vị gà. Bạn biết không, thời kỳ công ty mới thành lập, nhân sự của phòng nghiên cứu phát triển sản phẩm (R&D) đã tìm tòi, trải nghiệm đồ ăn ở các quán mì trên hầu khắp cả nước nhằm tìm ra hương vị phổ biến nhất và có thể "ăn liền hóa". Tuy nhiên, nhiều đối thủ cạnh tranh lúc đó cũng sử dụng cách tương tự và những gì xuất hiện trong các gói mì đều rất quen thuộc như gà, bò, heo…
Để tạo nên sự khác biệt, phòng R&D đã phải cử người đi khắp các vùng miền để nếm thử những món ăn nổi tiếng nhất chứ không chỉ tìm đến các quán mì. Ăn thử, so sánh… trong suốt một thời gian rất dài, chúng tôi mới phát hiện: canh chua là món ăn có mặt trong mâm cơm cả 3 miền. Vấn đề làm sao "ăn liền hóa" nó thành công? Nếu chỉ lấy y xì công thức tạo ra tô canh chua để áp dụng vào sản xuất mì ăn liền thì nó không thực sự làm nên hương vị khiến đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng.
Đội ngũ R&D đã trải qua quá trình dài nghiên cứu, từ chuyện nấu canh chua với tôm, rau củ tươi đến việc kết hợp dùng thử cùng mì gói để tìm ra sự hòa quyện rồi điều chỉnh công thức, lấy ý kiến người tiêu dùng… quá trình này lặp đi lặp lại rất nhiều lần cho tới khi có được sự hài lòng từ số đông. Sau đó, chúng tôi sản xuất thử nghiệm rồi cuối cùng là đưa vào sản xuất thực sự với quy mô lớn.
Hẳn đó là một hành trình nhiều thử thách nhưng không biết điều gì mới thực sự là lý do quan trọng nhất khiến công ty phải mất tới 7 năm mới cho ra mắt sản phẩm nổi tiếng này?
Ngay từ những ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam, Acecook đã kiên trì với phương châm: Hương vị Việt Nam, chất lượng Nhật Bản. Chính vì mục tiêu đó, ban đầu, Acecook nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất vì chất lượng các nhà cung ứng trong nước lúc đó còn hạn chế. Việc này dẫn đến giá thành cao, khiến người tiêu dùng dè dặt.
Sau đó, chúng tôi tìm cách hạ giá thành sản phẩm. Công ty mời đội ngũ chuyên gia từ các nhà cung cấp của công ty mẹ bên Nhật sang để đồng hành cùng với các nhà cung ứng nguyên liệu trong nước, hướng dẫn cho họ cách nâng cao chất lượng. Nhờ vậy, chúng tôi đã có thể mua được nguồn nguyên phụ liệu từ trong nước và đó cũng chính là thời điểm mì Hảo Hảo ra mắt thị trường.
Đến nay, các sản phẩm mì đang chiếm khoảng 82%, trong đó riêng thương hiệu Hảo Hảo chiếm gần 52% trong tổng doanh thu của chúng tôi. Cứ 4 người Việt sẽ có 1 người ăn mì Hảo Hảo.
Phải nói thêm rằng, nhiều năm qua, công ty luôn ưu tiên sử dụng nông sản Việt Nam làm nguồn nguyên liệu chính, ngoại trừ những gì trong nước không trồng được chúng tôi mới nhập khẩu. Những năm gần đây, trong bối cảnh tiêu chuẩn chất lượng đối với các sản phẩm nhập khẩu vào EU nghiêm ngặt hơn, đối với những nguyên liệu trong nước không đáp ứng được tiêu chuẩn của EU, chúng tôi sẽ nhập khẩu từ nước ngoài. Ngoài ra, chúng tôi đã bắt đầu việc trồng trọt hữu cơ trong nước hoặc mua nông sản hữu cơ.
Có một điều thú vị mà tôi nghĩ là sẽ ít người để ý đó là Hảo Hảo tôm chua cay có sự gia giảm để phù hợp với người dân vùng miền. Vẫn là gói mì ấy, nhưng ở miền Nam lại lẫn thêm chút ngọt, mùi rau thơm đậm đà trong khi ở miền Bắc thanh hơn, vị chua cũng chỉ ở mức nhè nhẹ.
ẨM THỰC VIỆT ĐA DẠNG HƠN NHẬT BẢN RẤT NHIỀU
Điều ông vừa nói rất thú vị bởi vì tôi vẫn nghĩ, mì ăn liền cùng một thương hiệu thì mua ở đâu mà chẳng giống nhau. "Sự thật" 2 gói mì nhìn như nhau nhưng lại không giống nhau… chắc sẽ khiến nhiều người "bị sốc" đấy (cười)...
(Cười) Hơi hơi có một xíu khác biệt thôi. Nhưng thực ra tôi cũng biết không mấy người nhận ra đâu. Lần tới, nếu bạn có dịp ghé Sài Gòn thì hãy ăn thử xem nó có hương vị gì khác so với ở Hà Nội không nhé! (cười).
Điều gì là động lực khiến các ông phải tỉ mỉ như thế?
Bạn biết đó, Việt Nam là quốc gia có nền ẩm thực quá phong phú, mỗi vùng miền lại có những hương vị đặc trưng cũng như sử dụng hương liệu, gia vị rất khác biệt. Ví dụ, ngay đến nước tương, nước mắm ở mỗi vùng lại khác nhau cũng có rất nhiều chủng loại. Trên nền hệ thống gia vị phong phú ấy, người Việt ở khắp các tỉnh/ thành lại có cách chế biến, nêm nếm khác nhau, tạo ra vô vàn món ăn với hương vị "không thể trộn lẫn".
Văn hóa ẩm thực phong phú, đa dạng như vậy nhưng theo tôi cảm nhận, có nhiều người Việt Nam chưa được trải nghiệm, nếm thử hương vị, gia vị của món ăn ở vùng khác ngoài nơi mình sinh ra lớn lên.
Gần đây, nhiều người đã đi du lịch, công tác… và thông qua những chuyến đi ấy, họ trải nghiệm món ăn mới. Tuy nhiên, không phải ai cũng dễ cởi mở để đón nhận điều gì đó khác khác lạ với hương vị quen thuộc của quê hương. Đó chính là lý do vì sao chúng tôi phải nghiên cứu tỉ mỉ như vậy.
Cá nhân ông có thích sự phong phú đó không? Hay ông chỉ thấy đó là thử thách lớn trong việc nghiên cứu và phát triển những sản phẩm làm sao phải được đông đảo người Việt Nam đón nhận?
(Cười) Cá nhân tôi vô cùng ấn tượng vì nền ẩm thực phong phú của các bạn. Ở Nhật Bản, mọi thứ đơn giản hơn rất nhiều. Nhìn chung các món Nhật có thể hơi ngọt, hơi mặn hay như thế nào đó thì nó chỉ có ấn tượng chung chung vậy thôi chứ không đa dạng và mang tính vùng miền một cách rõ ràng như Việt Nam.
Nhưng bạn nói đúng, yếu tố vùng miền là thách thức rất lớn khi chúng tôi muốn tìm ra hương vị có thể được đón nhận trên toàn quốc. Ngay cả việc "ăn liền hóa" các món đặc trưng của Việt Nam cũng là thử thách "khó nhằn" (cười).
Ví dụ, Việt Nam có món bún mắm rất nổi tiếng. Để làm món đó, người ta sử dụng mắm cá linh cực kỳ đặc trưng. Vì nó quá khác biệt nên nếu chúng tôi cũng muốn làm một sản phẩm vị bún mắm hay là ăn liền hóa món nổi tiếng này thì việc thể hiện đúng hương vị trong thực tế sẽ mất rất nhiều thời gian, chi phí.
Hay một ví dụ khác về các loại rau gia vị ở Việt Nam, chúng rất đa dạng, thậm chí cùng một chủng loại nhưng ở mỗi vùng miền, hương vị có thể mạnh, nhẹ… khác nhau. Ngay cả những chi tiết nhỏ như thế nhưng nếu không tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lưỡng thì sẽ rất khó đưa ra sản phẩm phù hợp với khẩu vị và nhu cầu của số đông chứ chưa nói đến việc trở thành sản phẩm bán chạy. Nói như thế vì chúng tôi đã trải qua vô số khó khăn, thách thức và cả thất bại trong quá khứ.
SẢN PHẨM BÁN CHẠY Ở MIỀN NAM, MANG RA BẮC LẠI… Ế KHÁCH
Acecook đã bao giờ thất bại vì tính chất vùng miền của ẩm thực Việt?
Như tôi vừa chia sẻ, đội ngũ R&D của chúng tôi rất tích cực trong việc đi khảo sát và nghiên cứu hương vị, gia vị của từng địa phương. Tuy nhiên, lâu lắm rồi, chúng tôi từng có chuyện ra mắt một sản phẩm mà ở Sài Gòn thì ổn, nhưng đem ra Hà Nội lại bán chậm vì nó chứa một loại rau thơm mà người Bắc không thích. Cuối cùng, chúng tôi đã dừng lại, không tiếp tục sản xuất.
Cũng xin chia sẻ thêm với bạn, trước đây nhân sự phòng R&D nghiên cứu sản phẩm mới dựa theo cảm quan và khẩu vị của họ, dẫn đến chuyện người ở từng vùng lại đưa ra hương vị khác nhau. Sau này, các bạn ấy đã phải trực tiếp đi đến các tỉnh/thành để nghiên cứu gia vị, hương vị và từ đó áp dụng vào công tác nghiên cứu phát triển sản phẩm. Mục tiêu cuối là đưa ra sản phẩm được người tiêu dùng trên toàn quốc đón nhận.
Ở công ty ông, ai sẽ là người quyết định hương vị cuối của sản phẩm?
Thực ra, người quyết định tung một sản phẩm nào đó ra thị trường là Tổng giám đốc. Tuy nhiên, việc "chốt" hương vị của sản phẩm như thế nào thì bởi vì chúng tôi là người Nhật nên chắc chắn sẽ không thể nắm rõ khẩu vị của các bạn bằng người Việt. Bởi vậy, chúng tôi giao công việc khó khăn, quan trọng này cho người Việt Nam đứng đầu bộ phận R&D.
Nhưng chúng tôi cũng có những sản phẩm mang hương vị Nhật Bản. Đối với những sản phẩm này, người quyết định là người Nhật và xin chia sẻ với bạn, tôi chính là người ra quyết định cuối (cười).
5 LẦN 7 LƯỢT MỜI ÔNG CHỦ QUÁN PHỞ THÌN LÒ ĐÚC HỢP TÁC
Như ông vừa nói, mỗi món ăn ở Việt Nam lại có nhiều nét đặc trưng riêng và không dễ "ăn liền hóa". Vậy khi muốn đưa ra thị trường sản phẩm mới, các ông có tìm đến những đầu bếp, nghệ nhân ẩm thực hàng đầu Việt Nam để hợp tác không?
Trong số nhiều sản phẩm, chúng tôi có phở ăn liền. Phở là món ăn có lịch sử rất lâu đời ở Việt Nam và khi đưa vào sản xuất thành sản phẩm ăn liền, chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ, tham khảo ý kiến của các chuyên gia để sản phẩm vừa giữ được nét truyền thống, vừa có được tính mới lạ phù hợp với đặc trưng đồ ăn liền.
Ví dụ, gần đây chúng tôi ra mắt phở bò tái lăn và để có sản phẩm này, đội ngũ R&D đã phải tự mình nghiên cứu, tìm hiểu kĩ về món ăn đặc trưng này để có thể đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng hương vị mang nét trọn vẹn nhất.
Không biết bạn có biết tới những quán mì nổi tiếng ở Nhật Bản hay không? Có những quán đã trở thành thương hiệu lớn và bạn không cần phải đến tận Hokkaido - nơi có quán mì Sapporo danh tiếng mới có thể thưởng thức hương vị này mà có thể tận hưởng nó ở khắp mọi nơi trên đất nước mặt trời mọc.
Để thể hiện điều này, trong tiếng Nhật có một từ là "tochigami". Tôi nghĩ tương lai, Việt Nam cũng sẽ có trào lưu tương tự. Ví dụ, nếu muốn ăn phở mang phong vị Hà Nội, người ta không cần đặt vé máy bay ngược ra Bắc mà có thể thưởng thức ở ngay TPHCM hay Cà Mau.
Đó cũng chính là lý do chúng tôi nỗ lực cho ra đời những sản phẩm ăn liền để người tiêu dùng có thể ngồi nhà vẫn thưởng thức được hương vị nổi tiếng của từng địa phương.
Ý ông nói phở bò tái lăn ăn liền là cách giúp người tiêu dùng dù ở đâu cũng được thưởng thức vẹn nguyên hương vị món ăn đặc sắc của Hà Nội… Tôi rất muốn biết thông tin hợp tác với quán phở nổi tiếng ở Hà Nội để làm ra một sản phẩm của Acecook là như thế nào?
Đó là quán phở Thìn Lò Đúc. Và bạn biết đấy, quán rất nổi tiếng. Cá nhân tôi mỗi lần ra công tác Hà Nội đều ghé quán để thưởng thức vì tôi thấy phở ở đó ngon tuyệt.
Sau vài lần như thế, tôi đã gặp chủ quán và ngỏ lời muốn hợp tác, đưa công thức nấu phở tái lăn vào nghiên cứu, chế tạo sản phẩm phở ăn liền. Việc có thể mang hương vị của món ăn mình tạo ra đến với nhiều người thưởng thức, hay có thể đi đến khắp các vùng miền của Việt Nam, hoặc hơn thế nữa là đến với bạn bè quốc tế là một điều mà những người làm trong ngành ẩm thực như chúng tôi luôn chú trọng đến và tự hào. Vì vậy, hai bên đều có nhã ý để hợp tác cùng nhau thực hiện việc này. Nhưng trong quá trình trao đổi, chúng tôi nhận ra vẫn còn một số vấn đề như liên quan đến bản quyền, thương hiệu,…chưa thể cùng nhau thống nhất, nên vẫn chưa có cơ duyên để hợp tác cùng nhau.
Nói riêng về hương vị của món phở bò tái lăn – đây là một hương vị rất đặc trưng mà tôi vô cùng yêu thích, khi thưởng thức qua món ăn này tôi làm nghĩ ngay đến mảnh đất và con người Hà Nội, giản đơn, bình dị nhưng rất đậm đà, nên chúng tôi rất tâm huyết về món ăn này. Vì vậy, đội ngũ R&D của Acecook đã tự mài mò, nghiên cứu kĩ lưỡng và trải qua rất nhiều lần điều chỉnh công thức để đưa ra sản phẩm phở ăn liền hương vị bò tái lăn nằm trong dòng sản phẩm Phở Đệ Nhất đến tay người tiêu dùng.
"GIỜ GIẤC KIỂU VIỆT NAM" VÀ KHUNG CẢNH "DỄ THƯƠNG" Ở ACECOOK LÚC 7H25' SÁNG
Xuyên suốt câu chuyện của mình, ông thường nhắc đến đội ngũ R&D người Việt và đánh giá rất cao vai trò của họ…
Đội ngũ R&D đóng vai trò rất quan trọng trong việc nghiên cứu, chế tạo sản phẩm. Vì thế, hàng năm chúng tôi đều tuyển dụng nhiều nhân sự ưu tú, cử họ ra nước ngoài tham gia hội chợ thực phẩm để học hỏi, cũng như giao lưu kỹ thuật với công ty mẹ ở Nhật Bản.
Nhưng tôi không chỉ đánh giá cao họ. Tôi yêu quý, coi trọng tất cả nhân sự người Việt đang gắn bó, đồng hành cùng công ty. Với tôi, người Việt rất vui vẻ, thân thiện. Các bạn đặc biệt lạc quan vì cho dù gặp thất bại cũng thường không bị chùn bước, nản lòng mà sẽ tìm cách vượt qua và nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.
Hoặc mọi người hay nói người Nhật rất nguyên tắc, lễ nghi này kia nhưng với cảm nhận của mình, tôi đánh giá rất cao người Việt ở cung cách chào hỏi. Khi đến công ty, lúc nào họ cũng tươi cười trong khi người Nhật lại giữ gương mặt có phần nghiêm nghị hơn (cười).
Người Nhật Bản rất nổi tiếng với văn hóa kỷ luật. Những người như các ông khi sang đây làm việc sẽ thường có cách quản lý nhân sự như thế nào?
Thật ra những nhà quản lý Nhật Bản, trong đó có tôi, chưa bao giờ quá nghiêm khắc đối với nhân sự người Việt Nam.
Ví dụ, người Việt có rất nhiều ưu điểm nhưng cũng có nhược điểm là giờ cao su mà chúng tôi hay gọi là giờ kiểu Việt Nam (cười). Ở Acecook, cứ 7h25' mỗi sáng, chúng tôi lại mở radio phát nhạc cho mọi người cùng tập thể dục. Nếu ở Nhật Bản thì đúng giờ ấy, mọi người sẽ đứng bật dậy, tập thể dục đều tăm tắp và 5 phút sau, khi tiếng nhạc vừa kết thúc, ai nấy đều ngồi vào bàn sẵn sàng làm việc.
Ở Việt Nam, 7h25' nhạc nổi lên, người tập thể dục, người thì lục tục kéo vào văn phòng. Khung cảnh không hề giống như bên Nhật và đó là chuyện thường ngày ở công ty. Nhưng thay vì khó chịu, tôi lại thấy dễ thương bởi những người đi muộn, khi nhìn thấy tôi, họ chỉ cười bẽn lẽn mà thôi (cười).
Nhiều bạn trẻ Việt đang có xu hướng nhảy việc thường xuyên để trải nghiệm và tích lũy kinh nghiệm. Điều này khác với Nhật Bản và nó giống phương Tây nhiều hơn. Nhưng thay vì phàn nàn, chúng tôi luôn nhìn nhận mọi thứ ở góc độ tích cực và công ty cũng không ngừng nâng cao chế độ phúc lợi, tạo môi trường làm việc thoải mái để tiếp tục giữ chân người lao động, giúp hai bên có cơ hội hợp tác với nhau lâu dài hơn.