Sự thật gây sốc trong vụ bê bối phần mềm gián điệp của Israel

Đức Trí |

Bê bối phần mềm gián điệp “Pegasus” của Israel tiếp tục bị phanh phui những sự thật gây sốc.

Phần mềm gián điệp Pegasus của Israel đối mặt với các cáo buộc ngày càng nghiêm trọng. Nguồn: people.com.cn.

Phần mềm gián điệp Pegasus của Israel đối mặt với các cáo buộc ngày càng nghiêm trọng. Nguồn: people.com.cn.

Thời gian gần đây, phần mềm gián điệp của Israel có tên "Pegasus" đã bất ngờ trở nên nổi tiếng. Phần mềm này bị cáo buộc đã nghe lén khoảng 50.000 người trên toàn thế giới, bao gồm các chính trị gia và nhà báo nổi tiếng của nhiều quốc gia, trong đó Tổng thống Pháp Macron cũng bị đưa vào danh sách giám sát.

Sau khi sự việc bị phanh phui, công ty Israel phát triển phần mềm này đã phải chịu nhiều cuộc điều tra. Đến nay, những bê bối xoay quanh phần mềm này vẫn chưa tạm dừng, ngày càng nhiều “câu chuyện nội bộ” bị phanh phui.

Phần mềm gián điệp mạnh nhất

Theo báo cáo, "Pegasus" là một phần mềm gián điệp trên điện thoại di động được phát triển bởi NSO Group, một công ty công nghệ mạng có trụ sở tại Tel Aviv, Israel.

Nó có thể dễ dàng xâm nhập hệ thống Apple và Android, đồng thời đánh cắp thông tin, hình ảnh, video, email và các bản ghi cuộc gọi trong điện thoại di động. Nó thậm chí có thể bí mật bật micrô để ghi âm trong thời gian thực.

Truyền thông Anh nhận định rằng, phần mềm "Pegasus" có thể là "phần mềm gián điệp mạnh nhất" do các công ty tư nhân phát triển cho đến nay.

Nó có thể xâm nhập vào điện thoại mục tiêu mà không cần người giữ điện thoại nhấp vào liên kết độc hại. Sau khi cài đặt thành công, nó có thể biến điện thoại thành “thiết bị giám sát 24 giờ”.

Người đứng đầu phòng thí nghiệm bảo mật của Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết:

"Một khi Pegasus xâm nhập vào điện thoại di động, hacker có thể có được quyền quản trị điện thoại di động và có thể làm được nhiều việc hơn là chủ nhân của điện thoại di động".

Kết quả điều tra cho thấy, khách hàng của NSO đến từ hàng chục quốc gia, bao gồm Bahrain, Mexico, Morocco, Azerbaijan, Rwanda, Saudi Arabia, Hungary, Ấn Độ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Những phát hiện gây sốc

Lúc đầu, các tổ chức phi chính phủ của Pháp và một số nước khác hợp tác với 17 tổ chức truyền thông nổi tiếng quốc tế, bao gồm Guardian và Washington Post, để điều tra phần mềm "Pegasus", kết quả điều tra sơ bộ được công bố vào ngày 18/7.

Nhóm điều tra đã có được danh sách hơn 50.000 số điện thoại, trong đó Mexico có nhiều số nhất với hơn 15.000 số điện thoại trong danh sách. Danh tính chủ nhân số điện thoại bao gồm các chính trị gia, đại diện công đoàn, nhà báo và các nhà phê bình chính phủ khác. Một bộ phận số điện thoại cũng nằm ở Qatar, UAE, Bahrain và Yemen.

Mặc dù một số số điện thoại trong danh sách không được nêu tên, nhưng sau một cuộc điều tra chung của các phương tiện truyền thông quốc tế, hơn 1.000 danh tính của những người sở hữu các số điện thoại trong số đó đã được xác định.

Trong đó, một số thành viên hoàng gia các nước Ả Rập, 65 giám đốc điều hành của các công ty, 85 nhà hoạt động nhân quyền, 189 phóng viên truyền thông, hơn 600 chính trị gia và quan chức chính phủ, và thậm chí hơn 10 nguyên thủ quốc gia và cựu thủ tướng cũng xuất hiện trong danh sách.

Hé lộ nhiều nhân vật cấp cao

Mặc dù một số quốc gia phủ nhận việc giám sát công dân của họ, nhưng vẫn có nhiều thông tin về các đối tượng bị "tấn công" lần lượt lộ diện. Trong đó, nổi bật nhất là hai phụ nữ có quan hệ mật thiết với vụ nhà báo Saudi Arabia Jamal Khashoggi bị sát hại.

Truyền thông Pháp cho biết, Thủ tướng Pháp Macron cũng liên quan đến bê bối phần mềm giám sát "Pegasus". Theo tiết lộ, ông Macron và một số thành viên chính phủ nước này đã được đưa vào danh sách giám sát.

Tờ Le Monde của Pháp tuyên bố rằng, số điện thoại di động của ông Macron có thể đã trở thành mục tiêu giám sát của phần mềm "Pegasus" vào năm 2019.

Các báo cáo mới nhất chỉ ra rằng 14 nhà lãnh đạo quốc gia, bao gồm 3 tổng thống và 10 thủ tướng (hoặc cựu thủ tướng), có thể được đưa vào danh sách giám sát.

Trước những cáo buộc trên, NSO Group đã đưa ra một tuyên bố nói rằng phần mềm "Pegasus" được sử dụng đặc biệt để chống khủng bố, và họ chỉ bán nó cho quân đội, cơ quan thực thi pháp luật và cơ quan tình báo có hồ sơ nhân quyền tốt.

Một số phương tiện truyền thông cho biết, ngay từ năm 2016, các chuyên gia đã cáo buộc phần mềm này được sử dụng để theo dõi một nhà bất đồng chính kiến ở UAE.

Truyền thông Anh cho biết, cáo buộc chống lại NSO không phải là lần đầu tiên, nhưng quy mô liên quan lần này lớn hơn, và nhiều thông tin nội bộ dự kiến sẽ tiếp tục được tiết lộ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại