Sự thật Euro: Khai mạc kiểu... bát nháo, vé rẻ như đem cho

Bảo Nam |

Nếu không có giọt nước mắt của Payet, chúng ta khó lòng nhận ra EURO 2016 đã bắt đầu.

Có một nghịch lý khá khôi hài: Những gì diễn ra tại Pháp trước ngày EURO khai mạc quá hấp dẫn. Khủng bố, lũ lụt, đình công, phân biệt chủng tộc… đã có quá nhiều gia vị giúp cho EURO trở nên mặn mà từ trước giờ bóng lăn.

Nhưng nó vô hình trung khiến người ta chờ đợi nhiều hơn ở những gì sẽ diễn ra trong và sau ngày khai hội. Và rồi chúng ta thất vọng.

"Người Pháp nên mời Louis de Funes đến biểu diễn tại lễ khai mạc", một CĐV viết trên trang Twitter. Dòng trạng thái nhận được cả nhìn lượt thích.

Louis de Funes là cố danh hài người Pháp, xếp hạng thứ 16 trong 100 danh nhân vĩ đại nhất trong lịch sử nước Pháp. Xếp ngay trên ông chính là Napoléon Bonaparte đại đế. Mời một người đã qua đời từ rất lâu cứu vãn một sự kiện mới xảy ra là đủ hiểu nó chán đến nhường nào.

Sự thật Euro: Khai mạc kiểu... bát nháo, vé rẻ như đem cho - Ảnh 1.

Lễ khai mạc của người Pháp quá tẻ nhạt?

Với những người hâm mộ Việt Nam vốn đã quá quen những bài phát biểu kéo dài cả tiếng, nêu bật tầm quan trọng, ý nghĩa của giải đấu và dĩ nhiên là danh sách các nhà tài trợ thì việc lễ khai mạc EURO 2016 thiếu đi phần… phát biểu đã gây mất hứng rồi.

Còn trong mắt các CĐV nước ngoài, không phát biểu cũng không sao, nhưng chí ít phải có gì đó để… xem trong lễ khai mạc.

Tiếc rằng, trong 12 phút ngắn ngủi, người Pháp mang tới những phần trình diễn như trò đùa. Hình ảnh tháp Eiffel dần dần trồi lên trên khán đài, dưới góc quay của truyền hình lại trông giống hệt… bộ phận nhạy cảm của đàn ông.

Hàng trăm Twitter đã phát hiện ra chi tiết này và đem nó ra làm thông tin để giễu cợt sự hời hợt, thiếu thẩm mỹ của nước chủ nhà EURO 2016.

Sau đó, ĐT Pháp bước ra sân thi đấu một trận dở tệ. Nếu không có sự tỏa sáng rực rỡ của ngôi sao suýt bị ruồng bỏ Dimitri Payet, đó nên là một trận đấu vứt đi của cả tập thể Pháp.

Sự thật Euro: Khai mạc kiểu... bát nháo, vé rẻ như đem cho - Ảnh 2.

Siêu phẩm của Dimitri Payet giúp Pháp có trọn vẹn 3 điểm trước Romania, nhưng chỉ cứu vãn phần nào 1 trận cầu tẻ nhạt.

Tôi có nghe vài đồng nghiệp ở bên Pháp than thở rằng, bầu không khí EURO ở Paris rất buồn.

Ngày khai mạc, số lượng người đổ tới các địa điểm thi đấu thưa thớt, rời rạc. Giá vé xem trận Pháp-Romania thậm chí còn được phe vé bán thấp hơn cả giá gốc.

Nước chủ nhà cần tới những gã holligan siêu quậy đến từ Anh mới đẩy không khí EURO lên đôi chút.

Ở Marseille trước thềm trận đấu giữa Anh và Nga, nhiều CĐV Anh uống bia say mềm rồi quậy phá tung cả quận Old Port. Họ tạo ra khung cảnh huyên náo, bát nháo chưa từng có. Chai lọ bay khắp nơi, cảnh sát xuất hiện, máu đổ, những ngón tay thối chĩa về phía nhau.

Cho dù đây là sự kiện không đáng xuất hiện, nhưng công bằng mà nói, đó mới là bóng đá đích thực, đó mới là không khí của một ngày hội bóng đá quy tụ gần như cả châu Âu.

Tại World Cup 2014, người Brazil phản đối chính phủ tổ chức World Cup, nhưng họ vẫn ủng hộ bóng đá. Còn người Pháp hình như đang phản đối… cả 2.

Bảng A Euro 2016: Pháp 2-1 Romania

Người Pháp thực tế chỉ góp một phần khiến EURO 2016 có vẻ nhạt nhẽo. Về mặt bản chất, việc BTC quyết định chọn tới 16 đội lọt vào vòng knock-out trong 24 đội tham dự vốn dĩ đã khiến cho 2 tuần diễn ra vòng bảng trở nên chán ngắt rồi.

Lấy 16/24 đội, có nghĩa là chỉ có vỏn vẹn 8 đội sẽ bị loại sau khi vòng bảng khép lại. Thử hỏi, làm sao yêu cầu các ông lớn chơi hết mình khi khả năng họ bị loại ngay từ vòng đấu bảng là cực kỳ thấp.

Sự thật Euro: Khai mạc kiểu... bát nháo, vé rẻ như đem cho - Ảnh 4.

Xét về mặt lý thuyết mà nói, cho dù một đội tuyển thua cả 2 trận đầu rồi thắng trận cuối cùng vẫn có thể giành quyền vào vòng knock-out trên tư cách 4 đội xếp thứ 3 xuất sắc nhất.

Ngay luật của UEFA đã khiến cho giai đoạn đầu của EURO nhàm chán rồi. Thôi đành chờ 2 tuần nữa, khi vòng knock-out bắt đầu, EURO 2016 có lẽ cũng mới bắt đầu…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại