Sự thật đau lòng phía sau những tấm hình kém sắc của các phi tần nhà Thanh

Trần Quỳnh |

Phía sau các bức hình mà hậu thế vẫn cho là "kém sắc" của các vị phi tần Đại Thanh lại là muôn vàn những câu chuyện đau lòng và những nỗi bi ai ít người biết.

Trong những năm gần đây, sức hút từ các bộ phim cung đấu lấy bối cảnh Thanh triều đã khiến cho cuộc sống chốn thâm cung của những nương nương thuộc triều đại này được hậu thế quan tâm hơn bao giờ hết.

Cũng do ảnh hưởng từ các tác phẩm nói trên, nhiều người vẫn thường lấy làm thán phục về giá trị nhan sắc của các hậu phi Đại Thanh trên phim ảnh.

Thế nhưng khi nhìn lại những bức hình chân thực về những phi tần của vương triều này, không ít người đã tỏ ra thất vọng vì dung nhan các phi tử khác xa "một trời một vực" so với trên màn ảnh.

Tuy nhiên ít ai biết rằng, đằng sau những bức hình kém sắc mà các nương nương Thanh triều lưu lại cho hậu thế lại là những nỗi niềm bi ai ít biết...

Hậu cung Thanh triều - nơi không dành cho những phụ nữ xinh đẹp?

Sự thật đau lòng phía sau những tấm hình kém sắc của các phi tần nhà Thanh - Ảnh 1.

Chân dung Uyển Dung Hoàng hậu (bên trái) và cách cách Vương Mẫn Đồng - hai mỹ nhân được ví như những "tượng đài nhan sắc" của hoàng tộc Đại Thanh. (Ảnh: Nguồn Internet).

Trên thực tế, hậu cung Thanh triều khi xưa vẫn có một số mỹ nhân được cho là sở hữu dung nhan sắc nước hương trời như Uyển Dung Hoàng hậu, Trân phi hay cách cách Vương Mẫn Đồng... Ngay tới Từ Hi Thái hậu thời còn trẻ tương truyền rằng cũng sở hữu nhan sắc diễm lệ xếp vào hàng "huyền thoại" của Tử Cấm Thành.

Thế nhưng sự thực là những phi tần sở hữu dung nhan phù hợp với tiêu chuẩn thẩm mỹ hiện đại chỉ chiếm một số lượng vô cùng ít ỏi. Trong khi đó, đa số các bức ảnh chụp lại chân dung hậu phi thời kỳ này đều khiến cho hậu thế không khỏi hoài nghi về giá trị nhan sắc của các nương nương Thanh triều khi xưa.

Theo lý giải từ trang Sohu (Trung Quốc) thì việc đại đa số các cung phi nhà Thanh sở hữu dung nhan không mấy xinh đẹp được cho là bắt nguồn từ chế độ tuyển tú có nhiều điểm bất thường thời bấy giờ.

Mục đích chính của việc tuyển chọn hậu phi thời xưa thực chất không phải vì hạnh phúc của Hoàng đế mà là nhằm vào các dụng ý chính trị khác.

Đối với vương triều Mãn Thanh nói riêng, để đảm bảo sự tôn nghiêm của quý tộc Mãn Châu, triều đình đã quy định nhà vua phải chọn những tiểu thư của các gia đình quan lại có huyết thống minh bạch, sau đó mới cân nhắc tới yếu tố ngoại hình và tư chất.

Bên cạnh đó, vương triều này vẫn thường duy trì "quy tắc ngầm" là hạn chế phụ nữ Hán tộc tham gia tuyển tú, thay vào đó sẽ tăng cường tuyển chọn những cô gái mang dòng máu Mãn Châu, Mông Cổ có xuất thân thuộc hàng Bát kỳ.

Thực tế lịch sử cũng cho thấy, trong tổng cộng 187 hậu phi có danh vị của Đại Thanh, số người thuộc Mãn tộc lên tới 136 vị, số người đến từ Mông Cổ có 21 vị, còn cung phi Hán tộc chỉ có vẻn vẹn 9 vị.

Trang Sohu nhận định, việc hạn chế nữ nhân Hán tộc nhập cung vô hình chung cũng sẽ giảm bớt số lượng mỹ nhân trong hậu cung Thanh triều so với những triều đại trước đó.

Sự thật đau lòng phía sau những tấm hình kém sắc của các phi tần nhà Thanh - Ảnh 2.

Một vài bức ảnh gây tranh cãi về nhan sắc của các phi tần Thanh cung nổi tiếng khi xưa. (Từ trái sang phải: Thục phi Văn Tú của vua Phổ Nghi - Cẩn phi à Hoàng hậu Long Dụ của vua Quang Tự).

Khác với những màn trực tiếp tuyển chọn tú nữ của các Hoàng đế trên phim ảnh, quá trình tuyển tú của Thanh cung chủ yếu sẽ do bộ Hộ và bộ Lễ xử lý. Nhà vua thực chất không có nhiều quyền phát ngôn về vấn đề này, bởi đây là quy củ mà tổ tiên đã truyền lại.

Những cô gái có đủ tư cách tham gia tuyển tú trước tiên sẽ do bộ Hộ tiếp nhận và xử lý, sau đó lại do bộ Lễ tiến hành sàng lọc, chỉ có một vài ứng cử viên cuối cùng mới có tư cách ra mắt Thiên tử.

Hơn nữa, bản thân các quan viên phụ trách tuyển tú cũng sẽ tự giác loại bỏ những người quá đẹp. Bởi một hậu cung có quá nhiều mỹ nhân sẽ dễ khiến Hoàng thượng dễ sa đà vào tửu sắc mà bỏ bê triều chính, thậm chí còn phải mang tiếng xấu như "hoang dâm", "háo sắc".

Tới cuối thời nhà Thanh, bởi Từ Hi Thái hậu thủ tiết từ rất sớm, do đó người cầm quyền tối cao này đương nhiên sẽ khó vừa mắt những cô con dâu có dáng dấp quá xinh đẹp.

Năm xưa, bản thân vị Lão Phật gia này cũng đã từng tự hào khẳng định: "Cung nhân lấy ta là đẹp", tức là trên dưới hậu cung đều phải coi ngoại hình của bà là tiêu chuẩn của cái đẹp, do đó chất lượng nhan sắc của hậu phi thời bấy giờ cũng khó có thể nâng cao được.

Những nỗi niềm ít biết phía sau các bức hình kém sắc của hậu phi nhà Thanh

Sự thật đau lòng phía sau những tấm hình kém sắc của các phi tần nhà Thanh - Ảnh 3.

Gương mặt thất thần và dáng vẻ mang đầu sầu lo là biểu cảm thường thấy của các phi tần Thanh cung khi đối diện với máy chụp hình. (Ảnh: Nguồn Internet).

Lý giải trên một góc độ khác, việc các phi tần Thanh cung lưu lại cho hậu thế nhiều bức hình kém sắc cũng bởi họ là nạn nhân của chế độ phong kiến và bị "dìm hàng" do công nghệ chụp hình lạc hậu thời bấy giờ.

Xuất phát từ sự đè nén của hoàn cảnh xã hội khi Thanh triều quyết định "bế quan tỏa cảng", những người phụ nữ này gần như đều bị cầm tù về mặt tư tưởng.

Hơn nữa do ảnh hưởng từ quan niệm trọng nam khinh nữ, các nương nương Thanh triều dù cho có được cuộc sống không phải lo cái ăn cái mặc, nhưng chung quy vẫn phải chịu nhiều áp bức từ các định kiến và quan niệm lạc hậu.

Chính điều này đã tạo nên hình ảnh những dung nhan thất thần, sầu lo, thiếu đi sự cởi mở và dường như chẳng có mấy sức sống như trong những bức ảnh mà hậu thế vẫn thường nhìn thấy.

Không chỉ vậy, kiểu cách ăn vận của các nương nương nhà Thanh vốn chỉ phù hợp với bối cảnh của họ và có lẽ đã không còn phù hợp với quan điểm về thẩm mỹ cũng như gu thời trang của người hiện đại.

Sự thật đau lòng phía sau những tấm hình kém sắc của các phi tần nhà Thanh - Ảnh 4.

Sự khác biệt về kỹ thuật chụp ảnh cũng sẽ cho ra những bức hình khác nhau một trời một vực. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).

Xét trên một góc độ khác, Đại Thanh là vương triều phong kiến cuối cùng của lịch sử Trung Hoa. Vào giai đoạn cuối của triều đại này, không ít món đồ mang công nghệ Tây dương đã được truyền vào trong nước, máy chụp hình cũng là một trong số đó.

Thế nhưng thực tế là kỹ thuật chụp hình của thời kỳ này vẫn còn hết sức lạc hậu. Bản thân những chiếc máy ảnh khi đó cũng chưa hoàn thiện như bây giờ, người chụp cũng không đề cao các vấn đề về kỹ thuật hay góc độ, ngay tới những công cụ hỗ trợ ánh sáng, phông nền thậm chí còn chưa xuất hiện.

Do đó mà hầu hết các bức ảnh chụp chân dung của những phi tần nhà Thanh đều là ảnh trắng đen, có nhiều bức còn không nét, thiếu sáng…

Đó là chưa kể tới việc các cung phi được chụp hình đều là những người mới tiếp xúc với công nghệ này, vì vậy việc họ không biết cách tạo dáng, không biết phô diễn vẻ đẹp của mình trước ống kính cũng là điều dễ hiểu.

Thực chất, một số bức ảnh của các nương nương Thanh triều mà người đời thường chê là "kém sắc" có thể vẫn chưa phản ánh được toàn bộ khí chất và nhan sắc của họ một cách toàn diện.

Và có lẽ, chính sự khác biệt về quan điểm thẩm mỹ cùng bối cảnh lịch sử mới được cho là hai yếu tố chủ yếu khiến hậu thế có cái nhìn tiêu cực về nhan sắc của các cung phi nhà Thanh khi xưa.

*Theo quan điểm của Sohu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại