Tuấn Ngọc được biết đến là một trong những nam danh ca hàng đầu, tượng đài của nền tân nhạc Việt Nam. Đi hát từ năm 4 tuổi, trải qua gần 70 năm sự nghiệp, Tuấn Ngọc đã để lại cả một kho tàng âm nhạc đồ sộ bằng tiếng hát riêng có của mình.
Nhắc đến Tuấn Ngọc, ai cũng nghĩ đến hình ảnh một quý ông lịch lãm, sở hữu giọng hát văn minh, truyền cảm, hát những bản tình ca da diết, sâu lắng. Đó là hình ảnh gắn liền với tri thức, văn hóa, học thuật và chiều sâu.
Tuấn Ngọc từ lâu đã dựng xây, định hình nên một tượng đài đồng nhất với mỹ từ danh ca. Ở anh hội tụ đủ những chuẩn mực của một danh ca điển hình, toát lên từ giọng hát, kỹ thuật tới ngoại hình, phong cách, cá tính âm nhạc.
Đã từ lâu, Tuấn Ngọc hiện thân trong lòng khán giả như sứ giả của một thứ âm nhạc thanh cao, đứng đắn, dành cho những người trung tuổi, giàu trải nghiệm. Bởi vậy, việc anh nhận lời hát cùng những ca sĩ trẻ đầy ồn ào như Hồ Ngọc Hà, Sơn Tùng (lại hát cả nhạc của đàn em) không khỏi bị chê trách, chỉ trích.
Tuy nhiên, khán giả cần đánh giá ca sĩ một cách đầy đủ, đúng đắn và bao dung hơn, để thấy rằng, đằng sau những màn song ca đó là một cảnh giới khác biệt của Tuấn Ngọc.
Cảnh giới của vốn sống, tri thức, trí tuệ, khiêm nhường và thấu hiểu
Ai cũng nghĩ, một ca sĩ đã ở tuổi thất thập cổ lai hi, lại giỏi chuyên môn và hát nhạc xưa như Tuấn Ngọc thường khó tính, bảo thủ, nên không có chuyện thỏa hiệp với giới trẻ, nhạc trẻ hay ca sĩ trẻ.
Nhưng đó chỉ là những lầm tưởng về Tuấn Ngọc. Bản thân anh là người vô cùng phóng khoáng, cởi mở và chịu khó học hỏi, tiếp cận cái mới, chứ không hề trì trệ, đóng khung trong một lối tư duy như nhiều ca sĩ khác.
Sự cởi mở đó hình thành trong Tuấn Ngọc ngay từ khi còn trẻ, do được tiếp cận từ sớm với nhạc Âu Mỹ hiện đại, đa dạng. Anh thường xuyên hát lại những bài hit kinh điển tiếng Anh ở nhiều thể loại khác nhau như My Way, Hotel Carlifornia, Yesterday, Unchained Melody…
Việc hát nhạc ngoại như vậy rèn luyện cho Tuấn Ngọc một tư duy âm nhạc đa dạng, phong phú, không bị bảo thủ, lỗi thời.
Trong giai đoạn đầu sự nghiệp, Tuấn Ngọc chưa tìm đến nhạc xưa hay hát trên sân khấu lớn, những đại nhạc hội long trọng. Anh sống trong không khí sôi nổi, tự do của những ban nhạc trẻ chuyên hát nhạc nước ngoài tại các câu lạc bộ, vũ trường. Anh kể:
"Năm 17 tuổi, tôi bắt đầu đi hát chuyên nghiệp bằng cách gia nhập vào ban nhạc Blackcap. Thời này, tôi hay hát lại nhạc của The Beatles.
Lớn hơn một chút, tôi chuyển sang hát nhạc vũ trường. Năm 1966, tôi lập ban nhạc The Top Five.
Tới năm 1969 thì chuyển sang ban nhạc The Strawberry Four. Cứ bài nhạc ngoại nào nổi tiếng thì tôi hát.
Tới năm 1984, tôi chuyển sang Hawaii để hợp tác với một số ban nhạc ngoại quốc ở đây, đi hát cho nhiều câu lạc bộ, khách sạn".
Nhờ đó, Tuấn Ngọc sớm hình thành trong mình một tinh thần âm nhạc trẻ trung, phóng khoáng, chứ không hề bó buộc, bảo thủ, cực đoan. Dù đứng ở một vị trí cao, thuộc hàng cây đa cây đề trong giới văn nghệ, nhưng Tuấn Ngọc lại luôn hòa đồng với mọi thế hệ đàn em, ở mọi dòng nhạc, không hề có sự phân biệt nào. Anh nói:
"Đối với tôi, không có sự phân biệt trong âm nhạc. Nhạc nào tôi cũng học, học cả về lý thuyết, hoà âm.
Thật ra, tôi từ nhỏ đã hát cả nhạc Rock, nhạc Pháp, Mỹ. Sau này, tôi trở về nhạc Việt Nam và thành công ở nhạc Việt thì mới tập trung hát nhạc Việt. Và khi đó, tôi cũng phải thể hiện phong cách phù hợp. Chẳng lẽ tôi hát Mắt lệ cho người mà nhảy đùng đùng sao?
Tôi nghĩ trong âm nhạc không có khoảng cách về tuổi tác vì nhạc trẻ, nhạc xưa hay nhạc Mỹ thì cũng có chung tiêu chuẩn là hay và nghệ thuật".
Chính vì thế, việc Tuấn Ngọc nhận lời song ca cùng Hồ Ngọc Hà hay Sơn Tùng không phải sự dễ dãi hay "ham tiền" như nhiều người vẫn nói. Một người có trình độ học thuật, tri thức cao như Tuấn Ngọc tuyệt nhiên không thể dễ dãi tới mức hát bừa bãi.
Ngược lại, đó là minh chứng cho một cảnh giới khác biệt ở Tuấn Ngọc – cảnh giới của sự khiêm nhường, thấu hiểu. Dù có trình độ cao và sự uyên bác, trải nghiệm sâu sắc, nhưng anh vẫn dung hòa được cái tôi của mình với lớp trẻ một cách mềm mại, uyển chuyển.
Nói cách khác, Tuấn Ngọc đã dùng tri thức, học thuật của mình để hát với ca sĩ trẻ, nâng họ lên sao cho hay nhất có thể, chứ không phải lấy giọng hát để đàn áp, dìm hàng đàn em.
Cụ thể, trong những màn song ca với Hồ Ngọc Hà và Sơn Tùng, Tuấn Ngọc hát rất bình thản, nhẹ nhàng, không hề gò ép, lên gân hay phô diễn, trưng trổ, nhưng cũng không hời hợt, dễ dãi. Ở anh vẫn toát lên sự chỉn chu, hoàn thiện, nhưng biết nương theo bạn diễn để tôn nhau lên. Anh chia sẻ:
"Với tôi, nghệ sĩ đều giống nhau, già hay trẻ cũng đều là bạn của mình, không phải chỉ hát với người này mà từ chối người kia hay một mực ra sân khấu với những người được cho là cùng đẳng cấp.
Đừng nghĩ tôi phải nương. Tôi hát nhạc của Hà, tức tôi bước vào lĩnh vực của cô ấy chứ không phải sở trường của mình. E là Hà phải nương tôi mới đúng.
Nhạc mới bây giờ, càng diễn tả tâm trạng hay lấy kinh nghiệm ra để hát là thua bởi không còn phù hợp, thay vào đó cần sự nhẹ nhàng, dứt khoát. Nhìn chung, hai người hát với nhau phải làm sao để thật hòa quyện, tìm ra tiếng nói chung để hai phía cảm thấy thoải mái cũng như đưa đến kết quả tốt nhất.
Đối với tôi, nghệ sĩ đều là giống nhau hết. Lần đầu tiên tôi làm việc với Hồ Ngọc Hà, tôi thấy ngược lại. Hồ Ngọc Hà là một ca sĩ trẻ nhưng cô ấy rất nghiêm chỉnh".
Qua những chia sẻ của Tuấn Ngọc về việc song ca với Hồ Ngọc Hà, có thể thấy, anh đã đạt tới cảnh giới khoan thai, bình tâm và thấu đáo khi nhìn mọi việc. Đó là cảnh giới của một người đã có đủ kiến thức, kinh nghiệm, vốn sống trong suốt gần 70 năm làm nghề.
Tuấn Ngọc rõ ràng đã ở một tầm vóc, vị trí mà không cần phải ganh đua hay chứng minh điều gì. Anh chỉ việc cầm mic đứng hát và dù hát với ai cũng mê hoặc khán giả.
Hơn nữa, việc hát được với nhiều ca sĩ trẻ cũng cho thấy một Tuấn Ngọc đa dạng, chịu khó học hỏi, không ngừng đổi mới, dù đã ở tuổi ngoài 70.
Cảnh giới của sự nhẫn nhịn, khoan thai
Không chỉ sở hữu giọng hát tuyệt vời, Tuấn Ngọc còn có khả năng giữ giọng đáng khâm phục. Suốt gần 70 năm sự nghiệp, nam danh ca đã thu âm hàng trăm ca khúc, hát live ở hàng ngàn địa điểm khác nhau.
Với danh tiếng và sức lôi cuốn của mình, Tuấn Ngọc từng có thời gian chạy show liên tục khắp nơi trên thế giới và ở đâu cũng hát live hết lòng, cống hiến tận tụy cho khán giả.
Vậy mà Tuấn Ngọc không hề mất giọng nặng nề như nhiều ca sĩ khác, có chăng chỉ là một chút đi xuống do tuổi tác. Ở tuổi 70, anh vẫn miệt mài đi hát khắp trong và ngoài nước mà không hề có dấu hiệu mệt mỏi. Một show, Tuấn Ngọc thường hát hơn chục bài, nhưng đến tận bài cuối cùng vẫn căng tràn sức lực, không xuống sức.
Thậm chí, khi cần thiết, Tuấn Ngọc vẫn phô diễn giọng hát của mình vô cùng khỏe khoắn, nội lực và tràn đầy kỹ thuật.
Trong một lần hát ca khúc My Way tại Nhà Hát Lớn Hà Nội cách đây hai năm, anh đã khiến khán giả phải sởn da gà khi belt hàng chục giây G4 cộng minh vang lộng, lấp đầy toàn bộ không gian. Ai cũng phải kinh ngạc vì không thể ngờ ở tuổi Tuấn Ngọc lại có thể hát được như vậy.
Để làm được điều này, bản thân Tuấn Ngọc phải có một cơ địa bẩm sinh rất khỏe và thể lực tốt. Một khán giả từng nói: "Đến thanh niên cũng không thể chạy lại Tuấn Ngọc".
Không những vậy, Tuấn Ngọc còn rất ý thức trong việc giữ gìn lối sống chuẩn mực, lành mạnh, thường xuyên rèn luyện, không sa đà thói hư tật xấu như một số đồng nghiệp khác. Anh nói:
"Tôi thường tập yoga và nhảy rumba theo các bài có sẵn có trên mạng. Ở Mỹ, tôi thường đi bộ nhanh mỗi ngày 6-7 km. Ngoài ra, tôi còn tập dịch cân kinh, bơi và chơi tennis.
Cách hát của tôi mà không có sức khoẻ thì không hát được. Từ sân bay xuống, tôi đi hát được ngay. Nhờ vậy mà tôi nhìn cuộc đời và thấy mình vẫn trẻ. Người ta làm gì, tôi vẫn làm được.
Cách hát của tôi cần sức khỏe, nếu mình muốn có sức khỏe mình phải nghĩ đến sức khỏe, phải kiềm chế. Thí dụ tôi rất thích ăn dầu mỡ bây giờ tôi phải bỏ ăn ít. Hay là tôi thích uống rượu bây giờ tôi phải bỏ luôn, uống rượu không tốt cho cái cổ, dễ bị khan tiếng.
Muốn khỏe mạnh thì phải có hai cái đi đôi với nhau là ăn uống và tập thể dục. Một trong hai cái đó chỉ có một cũng không được. Thành ra mình ăn uống thì phải cẩn thận. Nhiều người người ta nghĩ cứ tập cho thật kỹ rồi muốn ăn gì thì ăn nhưng không được. Tôi ăn với tập phải đi đôi với nhau".
Qua lời chia sẻ của Tuấn Ngọc, có thể thấy, dù phóng khoáng, cởi mở là thế, nhưng anh lại sống rất kỉ cương, nghiêm chỉnh, chịu khó học hành, không bao giờ dễ dãi, buông lỏng bản thân. Anh sẵn sàng loại bỏ những thú vui, sở thích cá nhân và chăm chỉ rèn luyện thể thao để bảo vệ giọng hát.
Chính lối sống này đã đi vào lối hát của Tuấn Ngọc, giúp anh đạt tới cảnh giới của sự hoàn thiện, kỉ luật trong âm nhạc.
Ai nghe Tuấn Ngọc lâu đều thấy, tỷ lệ hát phô của anh rất thấp so với ca sĩ khác. Điều này có được nhờ lối xử lý chỉn chu, tính toán kĩ càng từng câu chữ, kết hợp cùng việc support hơi thở tối ưu, tạo cột hơi vững chãi từ cơ hoành.
Nghe thì dễ, nhưng để làm được như Tuấn Ngọc là khá khó khăn, đòi hỏi người ca sĩ phải tự rèn luyện rất vất vả, nghiêm túc trong nhiều năm trời.
Thậm chí, ngay đến cách mở khẩu hình của Tuấn Ngọc cũng cho thấy một sự nề nếp, tuân theo đúng chuẩn mực ca hát. Khi hát, Tuấn Ngọc thường mở khẩu hình theo hình tròn.
Đây là đặc trưng khẩu hình trong nhạc cổ điển thính phòng hay bán cổ điển, giúp người hát tạo được covered sound, tạo âm thanh dày, ấm tròn, hảo sảng, nam tính, hạn chế lối hát tự nhiên bạch thanh, chua gắt.
Cách hát này của Tuấn Ngọc khác hoàn toàn với những ca sĩ cùng thời. Anh xử lí vô cùng tinh tế, khéo léo tới mức dù có chút dựng tiếng kiểu bán cổ điển nhưng vẫn đậm chất nhạc nhẹ, giàu cảm xúc. Đó chính là lí do vì sao Tuấn Ngọc hát rất dễ nghe, đi vào lòng người, mà vẫn sang trọng, quý phái.
Chưa dừng lại ở đó, những kinh nghiệm, vốn sống, tri thức và sự từng trải còn giúp Tuấn Ngọc đạt tới cảnh giới của sự điềm đạm, nhẹ nhàng, khoan thai. Cách sống bên ngoài của anh lúc nào cũng từ tốn như chính phong thái biểu diễn trên sân khấu, không vội vã, ganh đua, sân si.
Trong một lần ngồi ghế nóng chương trình Giọng hát Việt, Tuấn Ngọc từng nói: "Ở tuổi này, chẳng lẽ tôi lại đi giành giật, gây gổ với những đàn em, nhất là trên truyền hình sao? Dù thế nào tôi sẽ nhịn.
Có thể khán giả coi đến phần tôi chắc sẽ chán đấy. Mà không cần chặt chém, ban tổ chức vẫn trả tiền cho tôi đầy đủ mà.
Đến tuổi này, tôi nghiệm ra mình không cần phải cãi nhau với ai để chứng tỏ bản thân. Nếu ai vô lễ với tôi thì để cuộc đời dạy họ. Tại sao tôi phải bận tâm đến họ. Người ta có ở chung nhà với tôi đâu".
Qua những lời chia sẻ của Tuấn Ngọc, có thể thấy, anh rất trọng chữ Nhẫn và tuân thủ theo nó. Quả nhiên, khi ngồi làm huấn luyện viên, anh vẫn giữ được phong thái điềm đạm vốn có của mình, không tranh cãi hay giành kéo, khiến ai cũng phải nể phục, kính trọng.
Chính chữ Nhẫn này là một phần nhân tố giúp Tuấn Ngọc giữ được giọng hát lâu bền đến thế. Anh hát lúc nào cũng từ tốn, chậm rãi, lơi nhịp theo một cách rất riêng, không bao giờ chạy theo nhạc, theo bạn diễn hay gồng gánh để thể hiện.
Dù bạn diễn có là ai, theo phong cách nào, Tuấn Ngọc vẫn cứ hát theo lối tĩnh tâm "riêng một góc trời" của mình. Anh cũng không mấy khi trưng trổ kỹ thuật màu mè, dù biết rất nhiều. Anh nói:
"Như bạn cũng biết đấy, dòng nhạc tôi hay hát là dòng nhạc xưa, là thứ nhạc mà người ta hay viết bằng cả trái tim mình. Nên khi hát, điều tôi quan trọng nhất là làm sao diễn tả được cảm xúc. Còn đôi ba cái trò biểu diễn hoa hòe hoa sói, tôi không để ý".
Nhờ lối hát điềm tĩnh, tự tại, Tuấn Ngọc lúc nào cũng trung dung, cân bằng được thanh quản của mình, giúp nó hoạt động bền bỉ, lâu dài hơn. Nói cách khác, Tuấn Ngọc là người biết sử dụng cổ họng một cách thông minh và giàu cảm xúc.
Và lối hát ung dung, chậm rãi này cũng trở thành dấu ấn độc đáo trong trường phái âm nhạc do chính Tuấn Ngọc tạo ra, ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều thế hệ đàn ems sau này.