Mũi Adeline Chan nhăn lại trước mùi hăng hăng khi bước vào Chợ hải sản khô ở Sheung Wan, Hồng Kông (Trung Quốc). Trước đây, Adeline và mẹ cô từng là khách quen của khu chợ này, nơi có vô số quầy với các thùng nhựa chứa đầy đủ loại thực phẩm chế biến từ hải sản hàng ngày như tôm, cua đến các loại quý hiếm như vây cá mập.
Đứng trước những quầy hàng, Adeline, người giờ đã trở thành người ăn chay, cho biết: "Tôi đã ngừng ăn súp vây cá mập cách đây 4 năm sau khi biết những gì cá mập phải trải qua trước khi được một bát súp vây cá mập đặt lên bàn và phục vụ khách".
Món ăn "đỉnh lưu" của giới quý tộc
Khi nhắc đến ''sơn hào hải vị", vây cá mập có lẽ là món ăn không ai không biết đến. Từ thời các Hoàng đế Trung Hoa còn tồn tại, súp vây cá mập đã được coi là một món ngon cao quý để phục vụ giới thượng lưu.
Theo đó, nó không chỉ đắt giá vì là nguyên liệu quý hiếm mà theo quan niệm thời xưa, vây cá mập còn là biểu tượng của địa vị và chiến thắng khi con người thành công đánh bại những con cá mập khổng lổ.
Mặc dù món súp vây cá mập được mô tả là không có vị ngon đặc biệt và cũng chưa thể kiểm chứng việc ăn món ăn này sẽ làm sức khỏe tăng gấp bội nhưng thay vì biến mất, món ăn này lại càng ngày càng phổ biến hơn trong thời kỳ hiện đại và trở thành công cụ để những gia đình có kinh tế khá giá khẳng định đẳng cấp và địa vị của mình.
Thậm chí, vào những năm 1970, ở khu vực Hồng Kông (Trung Quốc) còn có một câu nói rằng: ''Xào vi cá mập với cơm" được dùng để mô tả lối sống của những người giàu có, ngụ ý rằng họ đủ giàu để mua vây cá mập hàng ngày.
Đến ngày nay, nhiều người giàu thuộc thế hệ cũ tại Trung Quốc và nhiều quốc gia khác như Singapore, Malaysia,... cũng vẫn coi việc chiêu đãi khách tới chơi nhà hay trong tiệc cưới món ăn này là một dấu hiệu của lòng hiếu khách.
Quy trình "thu hoạch" tàn bạo
Giống với nấm truffle hay gan ngỗng, vây cá mập cũng thường được buôn bán với giá rất cao. Theo đó, với một kg vây cá mập, người mua có thể phải trả giá ít nhất là 1.100 USD (khoảng 27 triệu đồng/kg).
Do là loại thực phẩm đắt giá nên ngư dân thị trường "thu hoạch" vây cá mập cũng vô cùng cạnh tranh và cũng vô cùng tàn nhẫn. Theo CNN, để tiết kiệm chi phí, nhiều ngư dân đánh mắt cá mập và lập tức chặt lấy phần vây của từng con cá, sau đó vứt con vật trở lại biển cả ngay khi con cá mập vẫn con sống. Sau khi bị vứt trở lại biển cả, con vật sẽ chết từ từ và đau đớn vì ngạt thở, mất máu hoặc trở thành thức ăn cho các loài vật khác.
Đánh giá chính xác nhất về việc đánh bắt cá mập vì mục đích thương mại được đưa ra trong một báo cáo năm 2013 được công bố trên tạp chí khoa học Marine Policy. Nghiên cứu cho thấy có tới 100 triệu con cá mập bị giết hàng năm. Tuy nhiên, đây chỉ là con số thống kê tương đối. Các nhà khoa học cho rằng, số lượng cá mập bị đánh bắt thực tế lớn hơn rất nhiều so với con số ta có thể tưởng tượng được.
Hậu quả tàn khốc không chỉ với loài cá mập
Bên cạnh quy trình săn bắt tàn độc, tác động của việc lấy vây cá mập còn vượt xa nỗi đau tột cùng khác. Theo số liệu thống kê, cá mập là loài vật dễ bị tuyệt chủng không chỉ do nó ngày càng bị săn bắt gắt gao mà còn vì loài này có tỷ lệ sinh sản thấp. Theo một nghiên cứu năm 2021, kể từ năm 1970, quần thể cá mập và cá đuối trên toàn cầu đã giảm tới 71% do hoạt động đánh bắt cá tăng cường.
Vì cá mập là loài săn mồi đỉnh cao nên chúng đóng một vai trò quan trọng trong hệ sinh thái đại dương, do vậy, nếu số lượng cá mập giảm mạnh, hệ sinh thái cũng sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.
Ví dụ, số lượng cá mập đầu búa ngày càng giảm dẫn đến sự gia tăng của cá đuối, con mồi ưa thích của cá mập đầu búa. Khi số cá đuối trong đại dương nhiều hơn, nó sẽ ăn sò điệp, trai và nhiều con mồi khác. Điều này tạo ra một chu trình sinh thái mất cân bằng, đe dọa sự tồn tại chung của đa dạng sinh học.
Không chỉ gây ảnh hưởng với hệ sinh thái dưới nước, việc săn bắt cá mập lấy vây còn tạo nen "hiệu ứng cánh bướm" tác động lên đất liền.
"Ngoài việc đánh bắt cá mập vốn bị cấm, hành vi bất hợp pháp này còn gây ra cái chết của một số loài chim biển, trong đó có một số loài có nguy cơ tuyệt chủng". - một nhà nghiên cứu cho biết.
Nguồn: CNN, Earth.ORG