Sự thật câu chuyện 'sống trong cống' giữa Sài Gòn

Huy Thịnh |

Nhiều thông tin lan truyền, gây bất ổn xã hội và hoang mang dư luận, vô tình tiếp tay cho các thế lực thù địch đả kích, chống phá khiến công tác phòng chống dịch Covid-19 càng thêm khó khăn. Những thông tin sai sự thật ấy thường xuất phát từ cảm xúc hồn nhiên, dễ dãi của nhiều cá nhân.

Thông tin và hình ảnh sai sự thật về đôi vợ chống “sống trong cống giữa Sài Gòn” được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội

Thông tin và hình ảnh sai sự thật về đôi vợ chống “sống trong cống giữa Sài Gòn” được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội

Mới đây, thông tin do một nhóm thiện nguyện đăng trên mạng xã hội kèm hình ảnh về đôi vợ chồng “sống trong cống giữa Sài Gòn" với đồ đạc, vật dụng ngổn ngang thu hút sự quan tâm của cộng đồng và được chia sẻ chóng mặt trên không gian mạng.

Nhiều trang web phản động chớp lấy cơ hội, xào nấu lại thông tin và xuyên tạc, rằng chính quyền địa phương bỏ mặc người dân đói, khổ, túng thiếu, bị chủ nhà đuổi ra khỏi nhà trọ, phải sống vất vưởng trong ống cống khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại TPHCM.

Cơ quan chức năng và Công an huyện Bình Chánh đã tiến hành kiểm tra. Ống cống nơi “đôi vợ chồng” trên trú ẩn tạm nằm trên một con đường đang thi công liên ấp 5-6 thuộc xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh).

Theo ông Trần Vũ Hữu Duy, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A, sự việc diễn ra vào ngày 14/9, được chính quyền địa phương xác minh, xử lý ngay trong ngày. Và, sự thật của câu chuyện này hoàn toàn khác các thông tin trên mạng.

Sự thật câu chuyện sống trong cống giữa Sài Gòn - Ảnh 1.

Cụ thể, hai nhân vật trong hình ảnh lan truyền trên mạng là anh Nguyễn Đình B và chị Trần Thị Kim L. Và, người nằm cạnh chị L chính là anh B chứ không phải là con của chị L. như cộng đồng mạng chia sẻ.

Chị L có hộ khẩu thường trú tại quận Tân Bình còn anh Nguyễn Đình B (quê Thừa Thiên - Huế) cũng có người thân đang ở huyện Bình Chánh. Cả hai thuê phòng trọ chung sống tại xã Vĩnh Lộc A từ giữa tháng 8/2021. Anh B và chị L tuy không thuộc diện hỗ trợ khó khăn nhưng đã được chính quyền địa phương hỗ trợ tiền và thực phẩm.

Do mâu thuẫn cá nhân, đến ngày 12/9, anh B và chị L quyết định đi thuê phòng trọ khác. Chưa tìm được nơi ở mới, hai người quyết định dọn ra ống cống ở tạm. Một số người làm thiện nguyện nhìn thấy nên chụp ảnh, đăng lên mạng xã hội để cộng đồng hỗ trợ, giúp đỡ. Sau khi được báo cáo, chính quyền xã Vĩnh Lộc A đã đến vận động, thuyết phục anh B và chị L trở về nhà.

Cả hai sau khi nghe tuyên truyền về các biện pháp phòng chống dịch, nguy cơ lây nhiễm bệnh nên đã đồng ý. Chị L. được đưa về nhà anh ruột ở xã Vĩnh Lộc A, còn anh B trở về nhà mẹ ruột tại huyện Bình Chánh.

“Nhiều người cho rằng hai anh chị không được chăm lo là không đúng. Khi họ còn ở nhà trọ cũ, chính quyền đã đến trao tặng tiền trợ cấp 1,5 triệu đồng và 4 phần quà an sinh”, ông Duy cho hay.

Theo luật sư Thái Văn Chung (Đoàn Luật sư TPHCM), việc đăng tải và chia sẻ tin giả trên mạng xã hội là hành vi vi phạm pháp luật. Cơ quan chức năng sẽ căn cứ mức độ vi phạm để xử lý hành chính (phạt từ 5 - 10 triệu đồng đối với cá nhân và gấp đôi đối với tập thể vi phạm) theo Nghị định 15/2020 hoặc xử lý hình sự theo Công văn số 45 của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao về xét xử tội phạm liên quan đến phòng chống dịch COVID-19.

 Người tung tin giả, xuyên tạc sẽ bị xử lý về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính viễn thông” theo quy định tại điều 288, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) với khung hình phạt là phạt tiền từ 30 triệu đồng hoặc phạt tù đến 7 năm.

Dễ dãi

Vừa qua, thông tin “một người vô gia cư đã nằm chết trên đường 3 tháng 2” gây xôn xao và được lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội kèm theo nhiều “bình loạn”, rằng Sài Gòn đã “toang”, đã “vỡ trận” trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 như một số thành phố khác trên thế giới…

Cơ quan chức năng quận 11 lập tức vào cuộc. Thì ra, các bản tin trên mạng xã hội đã chia sẻ lại thông tin đăng trên tài khoản Facebook “Hiếu Nguyễn”.

Trên tài khoản này đăng video clip có tựa đề “Tôi đã khóc khi chứng kiến cảnh này, đường 3 tháng 2 Q.11, chân cầu vượt Cây Gõ”. Clip ghi lại hình ảnh một người đàn ông chỉ mặc áo, nằm bất động bên lề đường, bên cạnh là một chiếc xe lăn dành cho người khuyết tật...

Điều đáng nói là qua kiểm tra của cơ quan chức năng, sự thật là người đàn ông nói trên chỉ bị ngất xỉu. Ông là người vô gia cư có vấn đề về thần kinh, hay dừng xe lăn ở khu vực trên để xin tiền người qua đường rồi mua rượu bia uống. Lúc bị ngất, gần chỗ ông nằm có 1 lon bia và 1 hộp cơm. Trên xe của ông còn bánh và sữa. Qua kiểm tra, người đàn ông này không bị mắc COVID-19.

Làm việc với cơ quan chức năng, chủ tài khoản “Hiếu Nguyễn” thừa nhận đã nóng vội, đăng tin chưa kiểm chứng lên mạng xã hội và xin khắc phục hậu quả bằng việc gỡ bỏ trên tài khoản song mọi việc dường như đã muộn vì thông tin này được nhiều tài khoản khác sao chép, chia sẻ và thêu dệt nội dung sai với bản chất sự việc.

Mới đây, Công an TPHCM đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố làm việc với bà Nguyễn Thùy Dương (SN 1990, ngụ TP Thủ Đức) và tống đạt quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền phạt 5 triệu đồng. Bà Nguyễn Thùy Dương là chủ tài khoản facebook Nguyễn Thùy Dương (Dương Dịu Dàng) đã đăng tải một đoạn video clip có nội dung sai sự thật.

Theo nội dung video clip, bà Nguyễn Thùy Dương đã mang quà cứu trợ gồm lương thực, nhu yếu phẩm đến khu vực phong tỏa trên địa bàn phường Bình Trưng Đông (TP Thủ Đức) để hỗ trợ cho một số người dân. Đây là một hành động rất đáng khuyến khích, biểu dương, thể hiện tinh thần tương thân, tương ái.

Tuy nhiên, do phải thực hiện các quy định về phòng chống dịch COVID-19, lực lượng chức năng tại chốt kiểm tra đã không đồng ý cho bà Dương đưa hàng vào khu phong tỏa.

Trong lúc cự cãi với lực lượng chức năng, do thiếu kiềm chế, bà Dương đã quay video clip và lớn tiếng cho rằng địa phương bỏ đói, không cho người dân nhận cứu trợ và thiếu chăm lo đời sống cho người dân trong các khu phong tỏa...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại