Sự thật bi đát phía sau tấm hình "hổ trắng mặt ngáo": Khi huyền thoại trở thành món hàng trục lợi của ngành công nghiệp phi đạo đức

J.D |

Nhân dịp Tết Nhâm Dần, chúng ta sẽ đến với câu chuyện về hổ trắng - một biểu tượng của oai hùng, và là huyền thoại nền văn hóa Á Đông.

Hổ trắng trong văn hóa Trung Quốc là một trong "tứ tượng" huyền thoại, và chúng có tồn tại ngoài đời thực. Sức ảnh hưởng của hổ trắng được áp dụng rộng rãi trong cả phong thủy, triết học, và thuyết âm dương.

Tuy nhiên với những con hổ trắng của thời hiện đại, câu chuyện đằng sau nó chẳng mấy sáng sủa. Những con hổ trắng vốn là tài sản quý giá của nhân loại, nay có thể lại là sản phẩm của ngành công nghiệp phi đạo đức do chính tay con người tạo ra.

Sự thật bi đát phía sau tấm hình hổ trắng mặt ngáo: Khi huyền thoại trở thành món hàng trục lợi của ngành công nghiệp phi đạo đức - Ảnh 1.

Sự ra đời của những con hổ... mặt ngáo

Có ý kiến cho rằng hổ trắng là một loài hổ riêng, sở hữu những đặc điểm phù hợp để sinh tồn trong các khu vực băng tuyết. Nhưng trên thực tế, những con hổ trắng ngày nay chỉ là hổ Bengal mà thôi. Kích cỡ và khả năng phát triển, mọi thứ của hổ trắng đều giống như hổ Bengal bình thường, chỉ khác là chúng màu trắng và hiếm hơn.

Để nói về sự hiếm gặp của hổ trắng thì quả là khó có lời nào diễn tả, khi xác suất bắt gặp một con hổ trắng ngoài tự nhiên là chuyện gần như không thể. Lần gần nhất con người bắt gặp hổ trắng ngoài tự nhiên là từ năm 1951, tại thành phố Rewa của Ấn Độ. Chú hổ có tên Mohan sau đó phải sống cả đời trong cũi sắt, trở thành công cụ để nhân giống cho các ông chủ của nó thu lời.

Sự thật bi đát phía sau tấm hình hổ trắng mặt ngáo: Khi huyền thoại trở thành món hàng trục lợi của ngành công nghiệp phi đạo đức - Ảnh 3.
Sự thật bi đát phía sau tấm hình hổ trắng mặt ngáo: Khi huyền thoại trở thành món hàng trục lợi của ngành công nghiệp phi đạo đức - Ảnh 4.

Hổ trắng trong tưởng tượng và thực tế

Để nhân giống được hổ trắng cũng không dễ. Trước tiên cần biết rằng hổ có màu trắng không phải là do bạch tạng, mà vì một loại gene đột biến khiến các tế bào sắc tố đỏ và vàng trong lông không thể sản sinh. Chính vì thế chúng sẽ sở hữu một màu lông trắng vằn đen, thay vì đỏ cam như hổ thông thường.

Dạng đột biến này rất hiếm và là gene lặn. Để nó hiện ra, cả hổ bố lẫn hổ mẹ đều phải sở hữu gene này, và phải cần đến may mắn. Nhưng con người, bằng trí tuệ nổi bật nhất Trái đất, đã quyết định thách thức số phận và xác suất thống kê bằng cách cho hổ giao phối cận huyết.

Việc liên tục kết hợp các bộ gene giống nhau quả thực làm tăng khả năng bộc lộ gene "lông trắng" của hổ, nhưng đi kèm với nó là các tính trạng lặn gây nguy hại cho hổ cũng dễ xuất hiện. Vậy là càng qua nhiều đời, các thế hệ hổ trắng liên tục gặp phải nhiều vấn đề nghiêm trọng, từ biến dạng tim, hở hàm, chân cong, mắt mờ, thậm chí hộp sọ cũng không phát triển được như bình thường.

Chú hổ Kenny trong tấm hình dưới đây là một minh chứng rõ ràng nhất. Kenny sở hữu một khuôn mặt "ngáo dại" vì chứng thiểu năng trí tuệ. Nguyên nhân thì dĩ nhiên, hoàn toàn là do giao phối cận huyết.

Sự thật bi đát phía sau tấm hình hổ trắng mặt ngáo: Khi huyền thoại trở thành món hàng trục lợi của ngành công nghiệp phi đạo đức - Ảnh 6.

Được chăm sóc trong môi trường nuôi nhốt và chẳng phải đối diện với hiểm nguy nào, nhưng Kenny chỉ thọ được 10 tuổi - chưa bằng phân nửa so với hổ bình thường trong cùng điều kiện.

Mỏ vàng của một ngành công nghiệp phi đạo đức

Show diễn ảo thuật của Siegfried và Roy tại Las Vegas vào thập niên 1990 đã khiến hàng triệu người trên thế giới phải ngỡ ngàng, với màn xuất hiện của những con hổ trắng. Nhưng đằng sau sự hào nhoáng ấy là một bí mật đáng sợ, khi 2 ảo thuật gia sở hữu nguyên một trang trại nhân giống hổ trắng. Họ thậm chí còn tạo ra được những con hổ không có sọc vằn - cực kỳ hiếm và độc đáo.

Sự thật bi đát phía sau tấm hình hổ trắng mặt ngáo: Khi huyền thoại trở thành món hàng trục lợi của ngành công nghiệp phi đạo đức - Ảnh 8.

Siegfried và Roy

"Các chủ nuôi lợi dụng sự nổi tiếng của những con hổ trắng để gia tăng doanh thu cho sở thú và rạp xiếc," - trích lời Tiến sĩ Tilson, nhà bảo tồn học. Tuy nhiên "nếu bảo họ đang cứu loài hổ, thì đó là lời nói dối trắng trợn. Họ không cứu hổ, mà là biến chúng thành một cái mỏ vàng" - nhà khoa học chua chát nói thêm.

Sự thật bi đát phía sau tấm hình hổ trắng mặt ngáo: Khi huyền thoại trở thành món hàng trục lợi của ngành công nghiệp phi đạo đức - Ảnh 9.

May mắn là mọi chuyện đã dần thay đổi. Trong thập niên vừa qua, Hiệp hội động vật Hoa Kỳ đã ban hành lệnh cấm nhân giống hổ trắng và sư tử trắng trong các sở thú. Công chúng hiện cũng đã nhận thức tốt hơn về câu chuyện nuôi nhốt động vật hoang dã, và may mắn đây cũng chính là yếu tố có tầm ảnh hưởng nhất.

Tham khảo: IFL Science

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại