1. Ở đây không bàn đến phạm trù đạo đức hay pháp lý của golf như dư luận đang bàn tán suốt mấy ngày qua. Vì về cơ bản, golf là một môn thể thao hoàn toàn lành mạnh. Mọi sự "biến chất" đều xuất phát từ việc người ta chơi golf không đúng thời điểm hoặc cầm gậy golf sai mục đích, ví dụ không đánh bóng mà lại đánh người.
Ở đây chỉ đề cập đến sự phức tạp trong việc dạy và học đánh golf, điều mà nhà khoa học vĩ đại Albert Einstein từng có dịp trải nghiệm. Năm 1913, bị thuyết phục bởi một đồng nghiệp nghiện golf, Einstein đã quyết định tìm hiểu môn "gậy dài, bóng nhỏ".
Người hướng dẫn Einstein là một thanh niên trẻ cực kỳ hăng hái. Anh ta nói không ngừng nghỉ về các kỹ thuật, phương pháp, đặc tính của một thứ mà Einstein vốn đang ù ù cạc cạc.
Với Einstein, chơi golf không bao giờ là việc dễ dàng.
Bực mình. Einsteins bèn yêu cầu anh ta đưa cho mình 4 quả bóng. Dù ngạc nhiên, người hướng dẫn cũng làm theo lời vị học trò lớn tuổi. Einstein cầm cả 4 quả bóng ném về phía anh ta.
Tất nhiên là chàng chuyên gia kia không bắt được quả nào. Einsteins từ tốn giải thích: "Nếu tôi ném từng quả một, anh sẽ bắt được dễ dàng. Nhưng nếu tôi ném tất cả cùng lúc, anh hoàn toàn bất lực. Tốt nhất là anh dạy tôi từ từ, lần lượt từng thứ một thôi".
Ngay đến một bộ óc vĩ đại bậc nhất của thế kỷ còn không thể "thấu cảm" khi bị nhồi nhét kiến thức, thì một cầu thủ bóng đá làm sao có thể lĩnh hội được sự chỉ dẫn quá dồn dập từ HLV?
2. Nói nhiều, nói toàn những thứ phức tạp chính là "căn bệnh" khó chữa của không chỉ ông thầy nước ngoài như Murphy hay Miura, mà cả một số HLV người Việt cũng nhiễm. Họ coi bóng đá phức tạp không kém gì một lĩnh vực nghiên cứu và viết lên bảng đủ loại phương trình mà... Einstein cũng chẳng giải nổi.
Y hệt người hướng dẫn chơi golf của Einstein, những HLV bóng đá có tật thích "khoe" kiến thức đã cố tình lờ đi một sự thật về làng túc cầu Việt Nam. Đó là bên cạnh thói quen "vụt người" vô tội vạ trên sân, giới cầu thủ bản địa tại V-League còn đá bóng theo một cách "rất golf" khác: quất bóng lên cho các tiền đạo Tây ở phía trên rồi thong thả đi bộ ở dưới.
Bóng đá, xét cho cùng, là dùng chân đá quả bóng qua lại một cách đơn giản (tất nhiên phải kèm theo sự chính xác ở mức cao). Chứ nếu chơi bóng mà cần nhiều hơn đến cái đầu thì mấy trăm nghìn giáo sư, tiến sĩ của Việt Nam đã xỏ giày vào sân hết, và chúng ta chắc chắn đoạt chức vô địch World Cup từ lâu rồi chứ không phải vẫn đang ngồi bóp trán nghĩ cách giành vàng SEA Games.
Nhắc đến SEA Games, chợt thấy đội U22 của Hữu Thắng đang hơi phức tạp hóa vấn đề trong lối chơi của mình. Trong khi phía Thái Lan tuyên bố chỉ quan tâm đến kết quả, thì nhà chiến lược gốc Hà Tĩnh lại yêu cầu các học trò phải vừa đá thắng, vừa đá đẹp.
Vừa đá đẹp vừa thắng trận là chuyện ngay cả những đội bóng hàng đầu thế giới cũng không dám chắc có thể lúc nào cũng làm được.
Với một dàn cầu thủ được đào tạo theo "chuẩn Arsenal" đến từ HAGL, cũng dễ hiểu khi Hữu Thắng muốn "vẽ vời" đôi chút. Nhưng U22 Việt Nam không chỉ có quân của bầu Đức, do vậy để tìm được sự hài hòa là không hề dễ dàng.
Trận đánh lớn đã cận kề, không hiểu Hữu Thắng đã tìm ra được nghiệm đúng chưa đây?