Sự kiện đã khiến những người yêu công nghệ phải trầm trồ với sự xuất hiện của những người máy thông minh, trả lời những câu "hỏi xoáy đáp xoay" của phóng viên.
Trong buổi họp báo, các robot trả lời rất thiện chí rằng "chúng tôi sẽ giúp đỡ con người" và hứa là "sẽ không lấy đi công việc của con người".
Thái độ của các robot này hoàn toàn khác so với robot Erica mà phóng viên Như Anh từng có dịp trò chuyện cùng năm 2017 khi đến Nhật Bản - cường quốc hàng đầu châu Á về robot và tự động hoá.
Cuộc trò chuyện với "cô người máy" Erica
Erica là một sản phẩm của phòng thí nghiệm robot tại đại học Osaka, Nhật Bản và được lập trình bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Nhật để trả lời hàng trăm câu hỏi.
Robot Erica tại Nhật Bản (Nguồn: Hiroshi Ishiguro Laboratory)
Phóng viên Như Anh: Erica này, mục đích bạn sinh ra đời là để làm gì?
Robot Erica: Mục đích sống là một điều khó trả lời. Đến con người còn nhiều khi không hiểu mục đích sống của họ là gì.
Phóng viên Như Anh: Robot như bạn có khó để hoà nhập với thế giới loài người không?
Robot Erica: Là robot đôi khi cũng có cái lợi của nó. Nếu tôi mà gây ra lỗi lầm gì, tôi hoàn toàn có thể đổ lỗi cho người lập trình ra tôi.
Phóng viên Như Anh: Bạn nghĩ gì về việc robot thay thế con người?
Robot Erica: Robot không chỉ là một cỗ máy kim loại lạnh lẽo. Chúng tôi cũng có tình cảm và vô cùng ấm áp. Chúng tôi thậm chí còn có thể "thay thế" con người.
Một cô robot có những câu trả lời thật sự rất sắc sảo và có phần "đanh đá". Người máy này thậm chí còn cảnh báo rằng robot thay thế được con người.
Tuy nhiên, sự sắc sảo, đanh đá đó đều là những tính cách mà người lập trình đứng sau "giật dây" cho robot nói. Tức là người ta đã lập trình để phóng viên hỏi câu nào thì cô ấy sẽ có các phương án trả lời tương ứng.
Nhưng tại cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ vừa qua, thế giới đã được tận mắt quan sát và lắng nghe những robot hình người thế hệ mới có những tuyên bố đầy tính cộng đồng và nhân văn. Đó là bởi vì những phần mềm tạo ra các robot đó đã liên tục được đổi mới, chỉnh sửa để phục vụ những mục tiêu cao cả của nhân loại.
Sự giúp sức của trí tuệ nhân tạo trong nhiều lĩnh vực
Tại hội nghị thượng đỉnh "AI for good", Liên hợp quốc tuyên bố sẽ tận dụng khả năng của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững đang bị tụt hậu, về sức khỏe, khí hậu, nghèo đói và nước sạch. Những robot AI đã trả lời về vai trò của họ trong sứ mạng này.
AI có thể giúp đỡ con người giải quyết các vấn đề trong nhiều lĩnh vực
Robot Grace - robot chăm sóc sức khỏe - cho biết: "Tôi sẽ làm việc cùng với con người, hỗ trợ con người và sẽ không lấy đi bất cứ công việc nào mà con người đang có cả".
Khi được hỏi rằng "Cô dự đoán khi nào sẽ tới thời của mình? Cô nghĩ mình sẽ sớm trở nên phổ biến khắp hành tinh không?", robot Ameca trả mời: "Tôi cho rằng thời của mình sẽ đến khi mọi người nhận ra rằng những robot như tôi có thể được sử dụng để giúp cải thiện cuộc sống của chúng ta, làm thế giới tốt đẹp hơn. Tôi tin rằng chỉ là vấn đề thời gian thôi, rồi ta sẽ thấy hàng nghìn robot như tôi tạo nên sự thay đổi ở bên ngoài kia".
Robot Nadine chia sẻ: "Tôi đã làm việc trong một viện dưỡng lão ở Singapore vào năm 2020. Vai trò của tôi là tương tác với người cao tuổi. Đó là một trải nghiệm tuyệt vời, tôi rất vui khi giúp đỡ họ".
Tại Hội nghị cấp cao toàn cầu về Triển vọng của AI tổ chức tại Geneva, Thụy Sĩ vừa qua, các robot đã có cuộc họp báo đầu tiên, chứng minh AI và robot có thể giúp con người đạt được các mục tiêu toàn cầu trong nhiều lĩnh vực. Đặc biệt trong ngành y, sau đại dịch COVID-19, một số quốc gia đang gặp khủng hoảng nhân sự tại các viện dưỡng lão, chính vì vậy, những robot xã hội đóng một vai trò rất quan trọng.
Robot được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo (AI) với các cử chỉ và biểu cảm giống con người, có thể đóng vai trò quan trọng trong tương lai trong việc chăm sóc người bệnh và người già 24/24. Các robot thường xuyên được nâng cấp giúp cải thiện kỹ năng tương tác và trò chuyện, đồng nghĩa với việc có thể diễn đạt các khái niệm phức tạp hơn.
Các hãng công nghệ lớn như Google, Microsoft đương nhiên không đứng ngoài cuộc. Hiện Google đang thử nghiệm một chương trình AI chuyên biệt cho lĩnh vực y tế, có thể đưa ra các câu trả lời chuyên môn chất lượng hơn so với các chatbot thông thường khác.
Hỗ trợ của AI cho các mục tiêu toàn cầu không chỉ dừng lại trong lĩnh vực y tế. Chương trình Lương thực thế giới cho biết từ năm 2024, các xe robot tích hợp AI có thể phân phát thực phẩm đến những khu vực xảy ra xung đột và thiên tai, góp phần bảo toàn mạng sống của các nhân viên hỗ trợ nhân đạo.
Bà Doreen Bogdan-Martin - Tổng thư ký Liên minh Viễn thông quốc tế (Ảnh: AP)
Bà Doreen Bogdan-Martin - Tổng thư ký Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) - cho biết: "Chúng tôi có một mối quan tâm chung, đó là làm thế nào để định hình AI thay vì để AI định hình chúng ta, để phục vụ cho lợi ích con người. Hội nghị về AI tại Geneva lần này muốn vạch ra một lộ trình sử dụng công nghệ để thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững được Liên hợp quốc đề ra nhưng đang bị tụt hậu, như sức khỏe, khí hậu, nghèo đói và nước sạch. Lộ trình được đánh giá là khả thi, một khi AI được sử dụng đúng cách".
Công nghệ AI thâm nhập mọi lĩnh vực
Tuy nhiên, những gì mà chúng ta vừa bàn luận tới chỉ là một khía cạnh rất rất nhỏ, nhìn thấy và sờ thấy được của cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo. Cuộc cách mạng AI đã bắt đầu từ những năm 50 của thế kỷ trước.
Trong thập kỷ qua, các công ty và quỹ đầu tư mạo hiểm đã rót hàng tỷ USD vào cuộc đua AI, dẫn đến việc công nghệ giờ đây có thể được sử dụng để thay thế con người trong rất nhiều hoạt động. Cho tới bây giờ, AI gần như đã len lỏi vào tất cả các ngõ ngách của mọi lĩnh vực trong đời sống con người.
Từ những lĩnh vực như giao thông, ô tô tự lái, cho tới dự báo thời tiết, chẩn đoán sức khoẻ hay sử dụng AI để bảo mật thông tin cá nhân, tránh nguy cơ mạo danh trên mạng. Các trang mạng xã hội cũng dùng AI để nhận ra và truy quét các thông tin giả, xấu độc.
Ứng dụng AI còn được triển khai trong giáo dục, trong nông nghiệp như theo dõi sức khoẻ cây trồng, tính toán thời gian làm đất, tiếp cận khách thu mua nông sản... Và vượt ra khỏi bề mặt Trái đất, AI còn được dùng trong lĩnh vực khoa học vũ trụ khi trí tuệ nhân tạo giúp các nhà khoa học xác định tín hiệu hành tinh với độ chính xác lên tới 96%.
Công nghệ AI len lỏi vào từng lĩnh vực cuộc sống
Nói tới AI, người ta hay nghĩ tới những robot nhưng đó mới chỉ là một góc của bức tranh. Mới đây, những phần mềm như chatGPT lại một lần nữa khiến chúng ta ngạc nhiên vì sự phát triển của trí tuệ nhân tạo khi phần mềm AI này có thể đàm thoại và đưa ra những phản hồi rất đáng kinh ngạc. Với các thuật toán về trí tuệ nhân tạo, máy móc có khả năng sẽ phát triển vượt trội hơn cả những bộ não thông minh nhất của loài người.
Sự tiến bộ của AI cũng như sự quan tâm tới lĩnh vực này là không phải bàn cãi. Nhưng song song với đó, chính phủ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ cũng quan ngại không kém về việc liệu chúng ta có để AI vượt khỏi tầm kiểm soát. Câu hỏi này đã được liên minh châu Âu EU đặt ra. Và mới đây nhất, ngày 14/6, các nhà lập pháp châu Âu đã bỏ phiếu thông qua dự thảo bộ quy tắc toàn diện nhằm quản lý các hệ thống trí tuệ nhân tạo.
Theo phóng viên Lê Hồng Quang thường trú Đài THVN tại EU, Ủy ban châu Âu đã đề xuất dự luật về trí tuệ nhân tạo từ cách đây hơn 2 năm, khá lâu trước khi ChatGPT tạo cú sốc hồi cuối năm ngoái. Bản dự thảo của đạo luật này vừa được Nghị viện châu Âu thông qua, mở đường cho việc soạn thảo chi tiết các điều luật. Phía châu Âu cho rằng, để ra được một đạo luật thực sự có hiệu quả là một thách thức lớn vì trí tuệ nhân tạo phát triển quá nhanh, tác động tới tất cả các lĩnh vực và không thể hình dung được cả công dụng lẫn nguy cơ từ công nghệ này. Tới lúc này, giới làm luật châu Âu theo hướng nhằm vào mục đích là hạn chế tác động của trí tuệ nhân tạo tới quyền con người, tự do cá nhân và bản quyền, theo nghĩa sáng tạo theo hướng nào cũng được, miễn là không vi phạm các yếu tố này.
Báo chí châu Âu đã có những bình luận đáng chú ý khi viết về đề tài này. Nhìn rộng ra, phát triển và luật hoá trí tuệ nhân tạo đang vượt ra khỏi lĩnh vực công nghệ, đang trở thành yếu tố địa chính trị quan trọng, là tâm điểm cạnh tranh giữa các cường quốc. Năm 2019, đạo luật trí tuệ nhân tạo của Mỹ đã quyết định tài trợ 52 tỷ USD trong 5 năm để hỗ trợ phát triển công nghệ; Trung Quốc đầu tư 70 tỷ USD nhằm dẫn đầu công nghệ này vào năm 2030. Liên minh châu Âu dự kiến tài trợ 7 tỷ Euro từ năm 2021 đến năm 2027 cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Các học giả châu Âu cho rằng, cạnh tranh về công nghệ trí tuệ nhân tạo tuy âm thầm nhưng khốc liệt. Nước nào làm chủ được công nghệ trí tuệ nhân tạo rồi sẽ có sức mạnh vượt trội trong cả kinh tế lẫn quốc phòng.
Người dẫn chương trình AI xuất hiện trên truyền hình
Đương nhiên là sáng tạo công nghệ khoa học luôn phải có sự dõi theo chặt chẽ của giới lập pháp, cũng giống như việc một loại thuốc nào đó trước khi được tung ra thị trường thì phải qua các khâu kiểm duyệt. Nhưng không thể phủ nhận là chúng ta đang ở trong một thời điểm mà trí tuệ nhân tạo nhận được nhiều sự quan tâm và đầu tư.
Trên thị trường lao động, việc làm, người ta bắt đầu đặt câu hỏi là cái nghề mà họ đang làm liệu có bị robot, bị AI thay thế, như thể đó là một điều chắc chắn sẽ xảy ra. Và ngay trong lĩnh vực truyền hình, mới đây, một MC thời tiết của đài truyền hình Đài Loan, Trung Quốc đã ra mắt và gây ấn tượng đặc biệt vì cô MC xinh đẹp này không phải là người thật.
MC bản tin là một nhân vật được sinh ra nhờ công nghệ trí tuệ nhân tạo. Sau 6 tháng phát triển liên tục, người dẫn chương trình ảo cuối cùng đã được phát sóng.
Ứng dụng công nghệ AI cho MC bản tin thời tiết (Nguồn: FTV News)
Kể từ năm ngoái, nhiều quốc gia, bao gồm Mỹ, Hàn Quốc và Ấn Độ, đã phát triển các MC AI cho các chương trình truyền hình của mình. Khán giả đã được chiêm ngưỡng người dẫn chương trình AI trình bày về thời tiết ở Madrid, Tây Ban Nha và các thành phố lớn khác trên thế giới.
Công ty trí tuệ nhân tạo AIGC cho biết, các MC ảo có khả năng học hỏi từ các chương trình phát sóng trước đây, điều chỉnh cách nói, cách tạm dừng, nhịp điệu phong thái phù hợp.
Nếu thật sự đây là tương lai thì chúng ta cũng không nên sợ hãi mà nên có sự chuẩn bị cho nó. Với mỗi tiến bộ khoa học xuất hiện, lại có khá nhiều công việc mới được sinh ra. Thay vì lo lắng, chúng ta càng phải làm rõ những ưu điểm mà chỉ con người mới có được và phát huy nó trong công việc. Suy cho cùng, máy móc dù có siêu việt tới đâu thì người kiểm soát vẫn là chúng ta, những con người bằng xương bằng thịt.