Do đó, việc phát triển các loại vũ khí chống tăng là yêu cầu cấp bách và luôn đi cùng với khả năng bảo đảm sự sống còn của xe tăng.
Xe tăng xuất hiện lần đầu tiên trong Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, thuộc quyền sở hữu của liên quân Anh - Pháp. Để kịp thời đối phó với loại vũ khí mới mẻ này, người Đức đã sử dụng súng trường, và súng trường chính là loại vũ khí đầu tiên được sử dụng để chống xe tăng.
Do xe tăng khi mới ra đời, giáp của chúng còn khá mỏng và di chuyển chậm chạp, hỏa lực còn yếu nên có thể bị tiêu diệt bởi đạn của súng trường. Loại vũ khí chống tăng tiếp theo được sử dụng là lựu đạn.
Trong thực tế chiến đấu, người Đức đã nhanh chóng nhận ra có thể kết hợp nhiều trái lựu đạn dạng que của họ lại thành một trái lớn hơn, và quăng chúng lên những chiếc xe tăng chậm chạp của quân đội Anh. Sau đó, những trái lựu đạn có ký hiệu No.74 ra đời và được gọi là bom dính.
Những trái bom dính có cấu tạo gồm một trái lựu đạn thông thường được đặt trong một quả cầu bằng kính chứa đầy keo dính. Bên cạnh bom dính, còn một loại lựu đạn chống tăng khác có tên No.68. Nhưng thay vì dùng tay để ném thì No.68 được phóng bằng cách gắn vào đầu một cây súng trường rồi bắn ra. No.68 có cả cánh đuôi giúp ổn định hướng bay và cho phép nó rơi xuống ở góc 90 độ.
Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 324 (Quân khu 4) huấn luyện sử dụng súng chống tăng SPG-9.
Một loại vũ khí chống tăng khác được biết đến ở công nghệ cao hơn, đó là xe diệt tăng. Có thể xem xe diệt tăng chính là phiên bản mạnh mẽ hơn, cơ động hơn của súng chống tăng.
Bản chất của xe diệt tăng chính là những chiếc xe tăng được cấu tạo đơn giản và đặt những khẩu súng chống tăng có kích thước ngày càng lớn lên trên những cỗ xe bọc thép, giúp các đội diệt tăng có khả năng cơ động cao hơn so với việc cố thủ tại một vị trí duy nhất.
Tiếp theo là các loại tên lửa chống tăng. Có thể kể tên một số loại điển hình như Rocket chống tăng cầm tay. Có một chút tranh cãi về cách dùng của hai từ "rocket" và "missile". Trong tiếng Việt, cả hai từ trên đều được dịch là "tên lửa" và hay bị dùng lẫn lộn.
Trên thực tế, rocket thường dùng để chỉ những loại đầu đạn phản lực (có hoặc không có cánh định hướng) chỉ bay theo một phương định sẵn. Còn missile là những đầu đạn có cánh và có thể đổi được hướng sau khi bắn, có độ chính xác cao hơn.
Ngoài ra, rocket thường có kích thước nhỏ hơn missile nên có thể vác vai dễ dàng hơn. Loại rocket chống tăng đầu tiên là Bazoka do Mỹ chế tạo vào năm 1942. Rồi sau đó người Nga đã nghiên cứu, chế tạo ra RPG-2 với những quả đạn chống tăng có nguyên lý nổ lõm.
RPG-2 được sản xuất rộng rãi và cung cấp cho nhiều nước, có mặt trong rất nhiều cuộc xung đột sau đó. Tại Việt Nam, RPG-2 thường được biết đến dưới tên gọi B-40. Kế thừa RPG-2, RPG-7 (Việt Nam gọi là B-41) đi vào hoạt động từ năm 1961 và được dùng cho tới tận ngày nay.
Sau giai đoạn cơ giới hóa và điều khiển hóa, vũ khí chống tăng hiện đại bước sang thời kỳ trí năng hóa và đa năng hóa. Trong khi súng chống tăng của Mỹ không tạo nhiều dấu ấn thì tên lửa chống tăng của nước này lại rất hiện đại.
Điển hình là tên lửa FGM-148 Javelin, sử dụng đầu đạn tandem có đầu tự dẫn ảnh nhiệt, tầm bắn hiệu quả từ 75-2.500m. Javelin được xếp vào loại tên lửa “bắn - quên”, nghĩa là sau khi tên lửa khóa mục tiêu và bấm nút khai hỏa, trắc thủ không cần điều khiển tên lửa hay theo dõi sự di chuyển của mục tiêu như tên lửa thế hệ cũ.
Không chỉ thế, tên lửa có hai chế độ tấn công: Đánh thẳng vào mục tiêu theo kiểu truyền thống, hoặc từ trên đánh xuống nóc tháp pháo tăng, nơi vỏ giáp thường yếu nhất. Tuy nhiên, loại tên lửa này vừa nặng nề vừa có giá thành cao nên ít được sử dụng.
Nhiệm vụ chống tăng của quân đội Mỹ thường do trực thăng AH-64 Apache đảm nhiệm. Theo thống kê, ngay trong cuộc chiến vùng Vịnh lần thứ nhất, 277 chiếc Apache đã hạ khoảng 500 xe tăng, thiết giáp và các phương tiện cơ giới khác của I-rắc chỉ trong 100 giờ...
Ở Việt Nam, cùng với các loại vũ khí chống tăng như Bazoka, SS, bom ba càng do các nhà khoa học trong nước nghiên cứu, chế tạo từ thời kháng chiến chống thực dân Pháp… thì súng B-41 là loại vũ khí chống tăng được biết đến là loại vũ khí hiệu quả nhất và có số lượng nhiều nhất.
Súng chống tăng B-41 có cỡ nòng 40mm. Là loại súng hạng nhẹ có thể xách tay, được Liên Xô chuyển giao cho Quân đội nhân dân Việt Nam vào khoảng năm 1956 đến 1966, đã được trang bị cho một số đơn vị chủ lực và đến thập niên 1970, súng B-41 đã thay thế dần cho súng B-40 trong các tiểu đội chống tăng của bộ đội chủ lực và tỏ rõ sự hiệu quả trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Hiện nay, Việt Nam đã tự sản xuất được súng B-41 để trang bị rộng rãi cho các đơn vị. Cùng với súng B-41, Quân đội nhân dân Việt Nam còn được trang bị súng ĐKZ, SPG-9T1, SPG-9T2.
Súng chống tăng SPG-9T2 do ngành Công nghiệp Quốc phòng Việt Nam chế tạo được phát triển từ loại súng chống tăng không giật SPG-9 do Liên Xô sản xuất từ năm 1962. Các khẩu súng chống tăng SPG-9T1 và SPG-9T2 có thể được trang bị trên các xe quân sự như là các xe thiết giáp, xe ô tô bán tải để tăng tính cơ động.
So với các loại súng chống tăng vác vai khác như B-40, B-41 thì SPG-9 có ưu điểm về tầm bắn (tầm bắn hiệu quả là 800m và tầm bắn tối đa là 1.300m).