Một tuần trước, Man City được đánh giá trên chân so với West Ham và có lẽ không quá lời khi cho rằng đội quân của Pep Guardiola chẳng cần đến sự can thiệp của VAR để có thể giành chiến thắng, bất chấp việc R.Sterling lần lượt bị từ chối rồi được công nhận các bàn thắng ở lằn ranh việt vị cũng như S.Aguero được đá lại quả phạt đền cuối trận do một cầu thủ West Ham "tràn" vào vòng cấm địa.
Chuẩn bị cho cuộc tiếp đón Tottenham trên sân nhà Etihad rạng sáng 18-8, điều mà nhà cầm quân người Tây Ban Nha lo lắng nhất là "sự phản kèo" của VAR, cuối cùng vẫn ập đến với Man City.
Phút 90+2, G.Jesus ghi bàn thắng ấn định tỉ số 3-2 nghiêng về cho Man City nhưng bảng điểm phải thay đổi ngay lập tức khi VAR "nhắc" trọng tài về tình huống trung vệ A.Laporte đã để bóng chạm tay trước đó trong lúc dâng cao hỗ trợ đá phạt góc.
Pep Guardiola sau trận đấu đã thể hiện sự bức xúc cao độ khi trả lời báo chí về cách thức vận hành của công nghệ VAR, lần đầu được áp dụng tại sân cỏ nước Anh mùa này.
Pep khẳng định có sự thiếu nhất quán trong cách xử lý tình huống của các trọng tài người lẫn máy khi liên hệ trường hợp bóng vô tình chạm tay của Laporte với tình huống tương tự của F.Llorente khi ghi bàn quyết định, giúp Tottenham loại chính Man City ở lượt về vòng tứ kết Champions League mùa trước!
VAR không sai trong việc phân định bóng đã chạm tay và việc trọng tài M.Oliver phải "bẻ còi" để từ chối bàn thắng của Man City là hoàn toàn đúng đắn.
Tuy nhiên, việc Man City được VAR "chiếu cố tận tình" với 5 tình huống bóng nhạy cảm chỉ qua 2 trận đấu đầu mùa, dưới mắt Pep, trở nên bất thường. Việc ông bức xúc "các trọng tài phải làm rõ vấn đề này, khi nào là bóng chạm tay, khi nào không" xem ra còn quyết liệt hơn cả tình huống Rodri bị phạm lỗi trong vòng cấm cuối hiệp 1 nhưng VAR lại không can thiệp.
VAR tạo nên những tranh cãi mới trong bóng đá Ảnh: REUTERS
Nhiều người cho rằng Man City không xứng đáng giành chiến thắng khi tạo ra rất nhiều cơ hội, cầm bóng vượt trội và thực hiện đến 30 cú sút, cao hơn gấp 10 lần so với Tottenham nhưng rồi chung cuộc phải chia điểm bằng kết quả hòa 2-2.
Tuy vậy, VAR công bằng hay không lại là chuyện khác khi những người điều hành cỗ máy này dường như vẫn "ngập ngừng, phân vân" trước các tình huống nhạy cảm khi không thể áp dụng luật một cách triệt để.
Bài viết "vạch trần" nhược điểm của VAR dựa trên phân tích kỹ thuật của nhật báo thể thao Sportmail (Anh) ngay lập tức nhận được sự đồng tình của người hâm mộ.
Camera dùng vào việc xác định lỗi việt vị, trong vòng 1 giây ghi lại 50 khung hình, tức giữa hai khung hình có khoảng trống 0,02 giây. Sterling di chuyển với vận tốc 23,4 km/giờ, tương đương mỗi 0,02 giây anh lướt đi được 13 cm trên sân.
Ở bàn thắng bị bắt lỗi việt vị trận gặp West Ham, Sterling được xác định đứng trên cầu thủ cuối cùng của West Ham 2,4 cm; đồng nghĩa với việc ở khung hình máy quay ghi lại ngay trước đó, Sterling vẫn còn đến 10,6 cm hợp lệ tính từ khi đồng đội của anh chuyền bóng!
Câu hỏi "giữa 2,4 cm và 13 cm, đâu là công lý" của Sportmail làm dậy sóng dư luận người hâm mộ xung quanh VAR mà ngay cả cựu danh thủ Alan Shearer cũng kết luận: "Vấn đề không phải là có hay không có việt vị. Người ta mặc định VAR nói trắng là trắng, đen là đen, làm gì có chuyện như thế".
Bản chất của VAR là giải quyết tranh cãi nhưng chính công nghệ này lại tạo ra những tranh luận mới. Tồn tại hay không nên tồn tại VAR, đó mới là vấn đề của bóng đá hiện đại và hứa hẹn còn rất nhiều tranh cãi trong tương lai khi mà sân cỏ nước Anh chỉ mới "dạm ngõ" với công nghệ này.