Các nhà khoa học tại Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA đang đẩy nhanh tiến độ phát triển tàu vũ trụ phục vụ sứ mệnh khám phá phá tiểu hành tinh 16 Psyche, vốn được coi là một "kho báu" chứa đầy kim loại quý trong vũ trụ với giá trị ước tính lên tới 10 nghìn triệu tỷ USD.
Theo Forbes, sau một thời gian chuẩn bị, hiện tại việc phát triển tàu vũ trụ thuộc dự án Psyche của NASA đã hoàn thành một cột mốc quan trọng để bước vào giai đoạn D, hay giai đoạn phát triển cuối cùng trước khi tàu được phóng vào không gian.
Theo đó, phần thân tàu, hệ thống đẩy bằng điện Mặt Trời, ba thiết bị khoa học, thiết bị điện tử, hệ thống năng lượng phụ trợ đã vượt qua vòng kiểm tra về chất lượng của NASA.
Điều này có nghĩa, các bộ phận nói trên hiện đã sẵn sàng để Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) của NASA chế tạo, lắp ráp và tích hợp lên tàu.
Phần thân tàu - bộ phận lớn nhất của tàu thăm dò Psyche đang được NASA kiểm tra
"Đây chính là giai đoạn cuối cùng, khi mọi mảnh ghép kết hợp lại trước khi chúng tôi lắp đặt con tàu hoàn chỉnh lên tên lửa đẩy. Đây cũng chính là giai đoạn căng thẳng nhất trong phần việc được tiến hành trên mặt đất", Lindy Elkins-Tanton, nhà nghiên cứu phụ trách dự án Psyche ở Đại học Arizona, chia sẻ.
Nếu việc chế tạo hoàn thành theo đúng tiến độ, con tàu này sẽ cất cánh vào tháng 8-2022 tại Cape Canaveral (bang Florida, Mỹ) trên tên lửa Falcon Heavy của SpaceX. Sau đó, tàu Psyche sẽ sử dụng trợ lực từ lực hấp dẫn của sao Hỏa vào tháng 5-2023 và bay tới Psyche 16 vào đầu năm 2026.
Được phát hiện bởi nhà thiên văn học người Ý Annibale de Gasparis vào ngày 17 tháng 3 năm 1852, 16 Psyche được đặt tên theo vợ của thần tình yêu Eros trong thần thoại Hy Lạp. Con số 16 có nghĩa rằng đây là tiểu hành tinh thứ 16 từng được phát hiện. 16 Psyche mất khoảng 5 năm để hoàn thành một quỹ đạo quanh Mặt trời, nhưng chỉ mất hơn 4 tiếng một chút để tự quay quanh trục của mình.
Với đường kính khoảng 226km, 16 Psyche có cấu tạo cực kỳ khác biệt so với các tiểu hành tinh trong cùng vành đai. Cụ thể, thay vì có cấu tạo từ băng và đá giống như đại đa số các tiểu hành tinh, 16 Psyche có cấu tạo hoàn toàn bằng kim loại, tương tự như phần lõi của Trái Đất.
"Chúng tôi đã từng phát hiện nhiều thiên thạch giàu kim loại, nhưng 16 Psyche chính là một trong những tiểu hành tinh độc nhất vô nhị nhất chúng tôi từng biết, khi nó hoàn toàn được tạo nên từ sắt và nickel", Tiến sĩ Tracy Becker, chuyên gia thiên văn học tại Viện Nghiên cứu Tây Nam ở San Antonio, Texas, cho biết.
Với cấu tạo kỳ lạ như vậy, các nhà khoa học cho rằng tiểu hành tinh này có thể là phần lõi còn sót lại của một tiền hành tinh đã bị phá hủy cách đây hàng tỷ năm trong giai đoạn sơ khai của hệ Mặt trời.
Do một tác động khủng khiếp nào đó mà nó đã nhận trong giai đoạn 'sơ sinh', tiền hành tinh này đã bị phá hủy nặng nề, với lớp vỏ ngoài gần như bị xé toạc, vương vãi khắp hệ Mặt trời. Các miệng hố va chạm lớn nhất trên bề mặt của 16 Psyche có thể coi là bằng chứng cho thấy quá khứ 'dữ dội' của tiểu hành tinh này.
Theo ước tính của các nhà nghiên cứu, lượng kim loại bao gồm vàng, bạch kim, sắt, nickel... tồn tại bên trong lõi của 16 Psyche rất lớn, với giá trị ước tính lên tới 10000 triệu tỷ USD. Đây là một con số cực kỳ khổng lồ, gấp rất nhiều lần giá trị nền kinh tế toàn cầu, vốn rơi vào khoảng 142 nghìn tỷ USD vào năm 2019.
Sau khi đến đích, tàu Psyche sẽ dành 21 tháng để nghiên cứu đầy đủ 16 Psyche với sự trợ giúp của máy siêu âm, máy quang phổ tia gamma, máy quang phổ neutron và từ kế. Tất nhiên, nghiên cứu của NASA chỉ phục vụ mục đích khoa học chứ không phải kiếm tiền từ tiểu hành tinh này.
Tham khảo Forbes