Sứ mệnh của COP28

Nguyễn Minh |

Từ ngày 30/11 đến 12/12, Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP28) sẽ diễn ra tại Dubai.

Trong bối cảnh thế giới ngày càng lo ngại về tác động của biến đổi khí hậu, COP28 được ví như “chìa khóa” then chốt cho tương lai của môi trường thế giới.

Giám đốc Văn phòng khí hậu Tây Ban Nha, bà Valvanera Maria Ulargui Aparici, đánh giá COP28 là hội nghị quan trọng nhất của Liên Hợp Quốc về vấn đề biến đổi khí hậu trong 8 năm qua.

Bởi lẽ đây là lần đầu tiên lãnh đạo thế giới cùng nhau đánh giá việc thực hiện mục tiêu đã đề ra trong COP20 năm 2015.

Dù Hội nghị chưa diễn ra nhưng xung quanh việc tổ chức và các nội dung sẽ được đề cập đến trong chương trình còn tranh cãi. Đầu tiên, UAE đã bổ nhiệm ông Sultan Ahmed Al-Jaber, Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ tiên tiến kiêm Giám đốc điều hành Công ty Dầu khí quốc gia Abu Dhabi (ADNOC), làm Chủ tịch COP28.

Các sản phẩm mà ông Al-Jaber quản lý khai thác liên quan đến nhiên liệu hóa thạch, một trong những nguyên nhân gây biến đổi khí hậu. Việc ông Al-Jaber làm Chủ tịch COP28 là sự đối chọi trực tiếp với lĩnh vực mà ông đang quản ý.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đầu tư nhiên liệu hóa thạch toàn cầu phát triển, ông Al-Jaber ủng hộ việc tăng cường sự tham gia của các công ty nhiên liệu hóa thạch vào các cuộc thảo luận về khí hậu.

Một số người ủng hộ cách tiếp cận của ông Al-Jaber trong khi số khác chỉ trích tiếng nói của ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch trong các hành động vì khí hậu.

Một vấn đề khác cũng nhận được sự quan tâm trước thềm COP28 là tài chính. Nước chủ nhà UAE đã ngầm khẳng định Hội nghị sẽ thảo luận tìm cách giải quyết vấn đề tài chính khí hậu khi thông báo 4 mục tiêu chính của COP28 gồm: Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng; giải quyết vấn đề tài chính khí hậu; tập trung vào đời sống và sinh kế của người dân; tính toàn diện đầy đủ. Có thể thấy, tài chính khí hậu không còn là chủ đề độc lập, mà là trọng tâm để đạt được hầu hết các mục tiêu trong chương trình nghị sự về khí hậu.

Tuy nhiên, tài chính lại là vấn đề khó giải quyết trong mỗi cuộc thảo luận về khí hậu. Hồi năm 2009, các nước phát triển đã cam kết cung cấp 100 tỷ USD mỗi năm vào năm 2020 để xử lý khủng hoảng khí hậu nhưng lời hứa này đã dần trở nên mờ nhạt.

Theo báo cáo tài chính khí hậu toàn do Sáng kiến Chính sách Khí hậu (CPI) hồi năm 2023, tổng dòng tài chính khí hậu mỗi năm đạt 1.265 tỷ USD, thấp hơn 10 lần so với yêu cầu đặt ra là 10 nghìn tỷ USD.

Vấn đề tài chính từng được đem ra thảo luận sôi nổi tại COP27 diễn ra ở Ai Cập. Nhìn chung, các quốc gia vẫn chưa thống nhất cách tiếp cận vấn đề trên, khiến các quốc gia đang phát triển tiếp tục phải chịu thiệt hại nặng nề do gánh chịu những tác động ngày càng lớn của biến đổi khí hậu. Do đó, các chuyên gia, khu vực tư nhân và lãnh đạo các nước đều kỳ vọng có thể tìm được tiếng nói chung về vấn đề tài chính khí hậu.

Giảm phát thải cũng là thách thức đặt ra trước thềm COP28. Báo cáo gần đây của Liên Hợp Quốc cảnh báo các quốc gia vẫn chậm chạp trong việc giảm phát thải, tăng nguy cơ nóng lên toàn cầu và dẫn đến các thảm họa khí hậu.

COP28 sẽ đánh giá lại liệu thế giới có thể đạt mục tiêu giới hạn sự nóng lên toàn cầu ở 1,5 độ C trong thập kỷ tới hay không. Ngoài ra, Hội nghị được kỳ vọng có thể thống nhất các giải pháp, nhận được cam kết và hành động chắc chắn từ các quốc gia để hạn chế lượng khí thải carbon và hỗ trợ các quốc gia dễ bị tổn thương từ phát thải.

COP28 vừa là cơ hội để đánh giá lại những cam kết của thế giới về vấn đề biến đổi khí hậu, đồng thời là cơ hội thảo luận về những hướng đi, giải pháp mới. Đây cũng là diễn đàn để các quốc gia thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc chống biến đổi khí hậu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại