Sau khi chiếc máy bay trinh sát không người lái RQ-4A Global Hawk tối tân của Mỹ bị tên lửa phòng không Iran bắn rơi, Tổng thống Donald Trump được thông báo là đã phê duyệt kế hoạch tấn công trả đũa nhằm vào các trạm radar và khẩu đội tên lửa phòng không của nước này, tuy nhiên ông đã ra lệnh hủy vào phút chót.
Chưa dừng lại đó, ông Trump cho rằng việc trả đũa chỉ vì một chiếc UAV trinh sát bị bắn rơi là không cần thiết đồng thời còn tuyên bố sự kiện này chỉ là sai lầm cá nhân của một viên tướng Iran mà thôi.
Như vậy hành động thực tế của Tổng thống Hoa Kỳ khác biệt rất nhiều với những dòng tweet cảnh báo nghiêm khắc Iran trước kia.
Luc này nhiều người chắc hẳn sẽ liên tưởng đến lời phát biểu của một chỉ huy Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran - Thiếu tướng Gholamali Rashid rằng Mỹ cùng đồng minh không dám tiến hành một cuộc chiến tranh với Iran vì lo ngại sẽ thất bại khi đối đầu với họ, sự thật có phải như vậy.
Máy bay trinh sát không người lái RQ-4A Global Hawk của Không quân Mỹ
Sự mềm mỏng của ông Donald Trump cần phải được xem xét trong hoàn cảnh hiện tại đó là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ mới đã sắp diễn ra, trong đó ông Trump đặt rất nhiều kỳ vọng sẽ được tái cử vì đã giúp nước Mỹ từng bước quay trở lại vị thế siêu cường hàng đầu thế giới đúng như khẩu hiệu của mình.
Thành tựu mà ông Trump rất tự hào đó là dưới sự điều hành của mình nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng ổn định và có dấu hiệu khá bền vững, trong đó tháng 5/2019 tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ giảm xuống chỉ còn 3,6%, mức thấp nhất kể từ tháng 12/1969.
Chắc chắn trong thời điểm này chẳng có một ứng viên tổng thống nào lại muốn là người phát động một cuộc chiến tranh, cho dù phần thắng được đánh giá nghiêng hẳn về phía mình nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ làm cho thành tựu phát triển kinh tế bị xóa sạch.
Tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung nội địa Khordad 15 của Iran
Tình hình có lẽ sẽ rất khác và một cuộc tấn công trên quy mô lớn sẽ nhằm thẳng vào Iran nếu đây là thời điểm nhiệm kỳ hai của Tổng thống Donald Trump, Tehran có lẽ cũng rất hiểu điều này nên mới hành động cứng rắn như trong thời gian gần đây.
Mặc dù vậy chưa cần đến biện pháp quân sự, các lệnh trừng phạt áp đặt lên Tehran vẫn khiến cho quốc gia Trung Đông này chịu thiệt hại nặng nề.
Thống kê của AP cho thấy lạm phát tại Iran hiện lên đến hơn 37%, giá cả nhiều loại hàng hóa thiết yếu tăng vọt, hơn 3 triệu người (tương đương với 12% dân số trong độ tuổi lao động) đang thất nghiệp.
Những áp lực mà Mỹ đang đè lên Iran có thể khiến nước này trở nên kiệt quệ trong một vài năm tới, khi đó nếu tiến hành hoạt động quân sự thì xác suất thắng lợi sẽ trở nên lớn hơn hiện tại rất nhiều, đây có lẽ đang là toan tính đường dài của ông Trump chứ không phải vì "sợ đối đầu quân sự với Iran" như báo chí Tehran vẫn đăng tải.
Tầm bắn một số loại tên lửa đạn đạo mà Quân đội Iran đang sở hữu