1. Khi trận đấu giữa Tây Ban Nha và Nga phải phân định bằng loạt sút luân lưu 11 mét, máy quay cho chúng ta thấy một cảnh tượng thú vị. Các cầu thủ Ban huấn luyện tập trung bàn bạc với nhau xem ai nên lãnh trách nhiệm sút 11m.
Diego Costa, vốn là đồng đội của Koke ở Atletico Madrid, trước sự dõi theo ống kính truyền hình, đã yêu cầu HLV đừng chọn tiền vệ này. Nhưng Fernando Hierro đã có một suy nghĩ khác. Ông vẫn chỉ tay vào Koke và yêu cầu anh sút. Sau khi Koke sút hỏng và Nga giành vé đi tiếp, máy quay lại nhìn thấy Costa tiến đến Hierro để trách móc, theo kiểu: "Tôi đã nói rồi mà".
Koke là tội đồ của Tây Ban Nha khi sút hỏng luân lưu.
Hai ngày sau đó là một cảnh tượng hoàn toàn ngược lại trong trận Anh - Colombia. Gần như không có một sự bàn bạc, thảo luận nào. Danh sách đá luân lưu của đội tuyển Anh đã được lên từ trước, hoặc tất cả các cầu thủ trên sân đều trong tâm thế sẵn sàng, được phân công thì cứ bước lên mà sút mà thôi.
Kết quả, cả 5 cầu thủ Anh đều sút rất tốt, kể cả người đá hỏng là Jordan Henderson. Nhìn mặt hồi hộp, nhưng Henderson đã sút rất tốt về góc phải của mình. Nhưng David Ospina đã bắt bài và phản xạ thành công.
Cần phải nói thêm: Ospina bay đúng hướng ở cả 5 quả sút 11m của đội tuyển Anh, nhưng anh chỉ thành công một lần. Nghĩa là gì? Anh đã chuẩn bị cực tốt cho loạt đá này, và các cầu thủ của họ đều sút rất chuẩn về mặt kỹ thuật.
Các cầu thủ Anh cực kỳ xuất sắc trên chấm 11m.
World Cup 2018, hơn bất kỳ giải đấu nào trước đây, có lẽ sẽ được định đoạt bởi những quả 11 mét. Hãy nhìn vào tỷ số của 8 trận đấu ở vòng 1/8. Chỉ một mình Brazil là thắng được Mexico với cách biệt hơn một bàn (bàn ấn định tỷ số của Roberto Firmino chỉ đến ở những phút bù giờ). Còn lại tỷ số chỉ xê xích một bàn, và có đến 3 trận phải nhờ đến loạt sút luân lưu để phân định.
2. Đã có tổng cộng 38 quả 11m được thực hiện tại World Cup 2018, tính cả những quả luân lưu. Nhờ công nghệ VAR, trọng tài đã không còn để sót những tình huống lẽ ra phải được thổi 11m như những giải đấu trước đây.
Để kích thích trận đấu hấp dẫn và có nhiều bàn thắng hơn, FIFA cũng đã khuyến khích các trọng tài mạnh dạn thổi phạt đền hơn. Bên cạnh đó, trọng trách của một cầu thủ với quốc gia lớn hơn với CLB. Nên họ sẵn sàng mạo hiểm nhiều hơn, và phạt đền vì thế cũng dễ xảy ra hơn.
Luka Modric là cầu thủ hiếm hoi đá hỏng penalty.
Đa số những cầu thủ lãnh trách nhiệm sút phạt đền ở World Cup năm nay đều thành công vì là những chuyên gia. Hai cầu thủ đã đá hỏng - Luka Modric của Croatia và Lionel Messi của Argentina - là những ngoại lệ hiếm hoi.
Modric không phải chuyên gia sút 11m (ở Real Madrid, ai dám sút 11 mét ngoài Cristiano Ronaldo) trong khi tỷ lệ sút thành công 11m của Messi không phải là cao. Ronaldo sút thành công một quả và hỏng một quả. Tỷ lệ thành công trên chấm 11m của các chân sút tại World Cup lần này là 80%.
Harry Kane đã sút thành công cả bốn quả 11m (3 quả trong trận và một quả luân lưu). Anh có thói quen chọn trước góc sút và không thay đổi bất chấp phản ứng của thủ môn. Dân gian ta gọi là "sút cú mập".
Harry Kane thực hiện thành công cả 4 quả 11m.
Ignacio Palacios Huerta, chuyên gia nghiên cứu những quả 11 mét của trường Đại học Kinh tế London chỉ ra: tỷ lệ sút phạt đền thành công của Harry Kane trước giải này chỉ là 79%. Nhưng đội tuyển Anh, với Gareth Southgate là người có công lớn nhất, đã chuẩn bị tâm lý 11m cho Kane và các tuyển thủ của họ cực tốt.
Những ai non kinh nghiệm, hoặc tâm lý kém phải trả giá. Đội tuyển Tây Ban Nha "chết" là vì cả hai. Trong 5 cầu thủ đá 11m của họ, không một ai đã từng đá nhiều hơn 10 quả phạt đền trong sự nghiệp. Ở Atletico, Koke thậm chí chỉ xếp thứ năm trong danh sách ưu tiên.
Những cầu thủ ít nhận trách nhiệm sút 11 mét ở cLB thường chọn một phương án đơn giản: đá về hướng "tự nhiên". Thuận chân phải thì sút về góc phải của thủ môn và ngược lại. Kieran Trippier và Eric Dier làm điều đó và thành công. Nhưng vòng sau nếu phải đá 11m, họ có dám sút theo cách ấy?
Với những người ít khi sút 11m, chọn góc cao là tự sát. Thủ thành Nga Igor Akinfeev đã ca ngợi hai đồng đội Aleksandr Golovin và Denis Cheryshev vì đã sút vào giữa khung thành. "Nếu họ chọn góc cao, có lẽ đã thất bại", anh nói.
Nghiên cứu về thói quen đổ người của thủ môn có thể giúp ích, nhưng cũng có thể "tổ trác" như trường hợp của Luka Modric trong hiệp phụ trận gặp Đan Mạch. Anh nghiên cứu quá kỹ Kasper Schmeichel, nhưng trong tình huống ấy Schmeichel thay đổi thói quen và Modric thất bại. "Tôi thề sẽ không nghiên cứu thêm bất kỳ thủ môn nào nữa", Modric nói.
Sau đó, lại là Modric thành công với quả luân lưu, để giúp Croatia vào tứ kết. Ai cũng phải thán phục máu lạnh của chàng tiền vệ số 10. Và đấy có thể là yếu tố quan trọng giúp một đội bóng thành công ở World Cup 2018. Vượt qua những chênh lệch không còn đáng kể về chuyên môn, kỹ thuật, ai lạnh lùng hơn trong màn "đấu súng" sẽ là người sống sót!