Theo Science Alert, 56 triệu năm trước, Trái Đất chỉ có 3 đại dương: Thái Bình Dương, Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương. Nghiên cứu mới dẫn đầu bởi Cơ quan khảo sát địa chất Đan Mạch và Greenland (GEUS) đã phát hiện ra cách mà Bắc Băng Dương ra đời.
Đại dương nhỏ và lạnh lẽo này thực ra là một phần của Đại Tây Dương cổ đại, trước khi bị cắt rời bởi núi lửa, nhà cổ sinh vật học Milo Barham từ Đại học Curtin (Úc), thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.
Ảnh đồ họa mô tả giai đoạn hoạt động địa chất phức tạp "cắt đôi" đại dương - Ảnh: SinghaphanAIIB
Tiến sĩ Barham giải thích rằng hoạt động núi lửa và sự nâng lên của rìa lục địa Greenland 56 triệu năm trước đã dẫn đến sự hình thành một cảnh quan nhiệt đới mới, thu hẹp đường biển nối Đại Tây Dương và vùng biển quanh Bắc Cực đến nỗi phân tách nó thành một đại dương mới.
Không chỉ cắt rời 2 vùng nước khổng lồ, eo biển hẹp đi còn làm xáo trộn sự phân bố nhiệt và độ chua ở phần sâu của đáy đại dương. Hiệu ứng nhà kính gây ra nhiều biến đổi ở cả 2 bên bị chia cắt, dẫn đến việc thế giới cực Bắc này bị "cắt đôi" theo mọi nghĩa: không chỉ thành 2 đại dương mà còn sở hữu 2 môi trường, hệ sinh thái khác biệt kể từ đó.
Sự nâng lên của rìa lục địa được tạo ra thông qua sự kết hợp các chuyển động của mảng kiến tạo và đá được tạo ra từ dung nham của chuỗi sự kiện núi lửa liên miên. Nhiều vùng biển sâu biến hóa thành các cửa sông, sông và đầm lầy nông.
Sự kiện này còn tác động đến phần còn lại của thế giới. Nhiều miền đất mới hình thành, khí hậu thay đổi nên nhiều loài động vật đã di cư phức tạp, hệ thực vật cũng thay đổi. Nhà địa chất học Jussi Hovikoski từ GEUS nói đó là sự "biến dạng lục địa". Đó là một thời kỳ Bắc Cực ấm lên và xuất hiện cảnh quan nhiệt đới ở một số nơi trước khi trở lại thành thế giới băng giá.
Hiện nay, Trái Đất có tất cả 5 đại dương, gồm 4 đại dương được định hình sau sự kiện đó và "Nam Đại Dương" - vùng nước quanh Nam Cực - vừa mới được chính thức công nhận.
Nghiên cứu vừa công bố trên Communication Earth & Environment.