Sự khôn ngoan của mẹ tôi giúp bà có 10 năm tuổi già an yên, con cháu cung phụng, nhưng sau khi bà mất, đại gia đình lục đục vì 1 hiềm nghi do chính bà tạo ra

Ngọc Thương |

Chắc mẹ tôi không thể ngờ được sau khi bà mất, con cái lại đến bước đường này.

Trong khi bố tôi là người hiền lành, thật thà thì mẹ tôi là một phụ nữ gầy nhỏ nhưng thông minh sắc sảo. Nghe bà ngoại tôi nói, nhà nội tôi vô cùng nghèo, nhưng từ khi mẹ tôi về làm dâu, bà tính toán tốt, nắm bắt được thời cơ nên dần vực dậy kinh tế cho nhà chồng. Khi bố mẹ tôi ra ở riêng thì trong tay cũng đã có đất đai nhà cửa đàng hoàng.

Mẹ tôi hồi trẻ không biết mặt chữ, nhưng bài thơ, bài hát, bài vè nào bà cũng thuộc làu làu vì chỉ cần nghe 1-2 lần là nhớ. Đến năm 60 tuổi, sau khi bố tôi mất 2 năm, thì mẹ tôi đến lớp học chữ của các cháu chuẩn bị vào lớp 1 để học viết, học đọc. Tôi cười bảo thời trẻ mẹ không biết chữ mà đến giờ già rồi lại muốn đi học là làm sao? Mẹ tôi xùy nhẹ rồi trả lời dõng dạc: "Tao phải biết chữ để sắp tới còn tự tay viết di chúc". Nghe câu này xong, cả 3 anh trai tôi đều phá lên cười.

3 anh trai của tôi tính cách không hợp nhau lắm. Sau khi lấy vợ có con thì càng bo bo chỉ biết bản thân mình. Mẹ tôi bảo đó là dòng chảy của tự nhiên. Trước kia, bố mẹ cũng không thể lo cho gia đình các bác, các chú của tôi, thì giờ các anh của tôi cũng phải lo cho gia đình riêng của mình.

Tôi là con gái út của mẹ, tôi biết rõ tính của mẹ. Nếu mẹ tôi thật sự có tiền thì bà sẽ không bao giờ để lộ ra cho ai biết. Thế nên, khi mẹ úp mở nói về 10 lượng vàng bà đang giữ, thì tôi có chút không tin. Song tôi không hỏi lại mẹ, vì chuyện tiền bạc rất tế nhị, hỏi nhiều lại bị nghi ngờ tham lam, muốn bòn rút của mẹ, bởi dù sao tôi cũng đi lấy chồng rồi.

Đó là lần bà nói chuyện với hàng xóm, cạnh nhà tôi là nhà bà Tư, bà Tư có 2 người con gái đều đã đi lấy chồng và ở nhà chồng, bà Tư sống một mình, chỉ dựa vào vài đồng các con gửi về. Có đợt các con gửi muộn, bà phải ăn mì tôm nửa tháng. Mẹ tôi thấy thế thì nói tại bà Tư hồi trẻ không biết đường tiết kiệm tiền dưỡng già, như mẹ tôi đây, giờ có trong tay 10 cây vàng, các con đứa nào phụng dưỡng tốt thì sau bà cho hết, còn không thì bà bán dần đi để ăn tiêu, chẳng phải quỵ lụy gì ai.

Mẹ tôi nói như vậy trong một buổi đi lễ chùa, thế nên đầy người nghe được và rồi chuyện đến tai anh em tôi.

Kể từ sau hôm đó, tôi thấy các anh bắt đầu thay đổi. Mẹ tôi ở với vợ chồng anh cả, anh hai và anh ba thì ở gần đó. Từ ngày mẹ lộ ra đang có 10 lượng vàng thì các anh quan tâm đến bà hơn. Thỉnh thoảng tôi gọi điện về lại thấy mẹ bảo nay anh hai mang cho ít sâm mua từ bên Hàn Quốc, hôm qua anh ba cho nồi chim câu hầm hạt sen, bà ăn rất ngon miệng...

Sự khôn ngoan của mẹ tôi giúp bà có 10 năm tuổi già an yên, con cháu cung phụng, nhưng sau khi bà mất, đại gia đình lục đục vì 1 hiềm nghi do chính bà tạo ra- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Tôi về thăm, mẹ cũng nói các anh chăm mẹ rất tốt. Mấy hôm trước, anh hai còn sang ngỏ ý đón mẹ về ở cùng vợ chồng anh nhưng anh cả không đồng ý.

Chị dâu cả từng kéo tôi ra hỏi thăm về việc có biết mẹ đang giữ một lượng lớn vàng không? Chị bảo từng nhìn qua khe cửa thấy mẹ mở két trong phòng, bên trong có nhiều vàng nhẫn, vàng miếng lắm. Tôi trả lời: "Em không biết, mẹ không bảo gì với em". Chị dâu không tin, chị cho rằng: "Em là con gái duy nhất của bà, thế nào bà chẳng thậm thụt nói riêng với em rồi".

Tôi không cố giải thích, vì có giải thích cũng chẳng ai tin. Đến khi thấy chị dâu hai, chị dâu ba đều hỏi tôi có thông tin gì về việc mẹ giữ vàng không, thì tôi biết, chính mẹ tôi đã "loan tin" cho mọi người biết.

Chẳng trách, các anh tôi càng ngày càng quan tâm tới mẹ hơn. Cứ cách ngày lại tới hỏi thăm sức khỏe của mẹ. Các chị dâu thì thi nhau đưa mẹ đi mua quần áo, giày dép, khăn đội đầu mới.

Có lần tôi ngồi nói chuyện với mẹ trong phòng. Tôi chỉ vào chiếc két nhỏ mẹ đặt ở cạnh giường hỏi: "Có thật trong đó mẹ để vàng không?".

Mẹ tôi hất mặt cười: "Con dốt lắm, mẹ không làm thế thì giờ mẹ cũng giống bà Tư rồi".

Năm ngoái, mẹ tôi ốm nặng một trận, ốm dậy, trông bà gầy rộc. Bà giả vờ nhớ nhớ quên quên, lúc thì bảo với mọi người lấy cơm cho bà ăn (dù vừa ăn xong), lúc lại nói bà phải đi chợ mua chăn bông... nói chung, mẹ tôi cứ như người lẩn thẩn. Nhưng lúc chỉ có tôi và mẹ, mẹ tôi nói chuyện vẫn rất tinh tường. Mẹ hỏi thăm về nhà chồng tôi, chỉ bảo tôi cách "dạy chồng", thế nên tôi biết, bà giả vờ bị lẫn thôi. Tôi không hiểu tại sao bà làm vậy cho tới khi bà ốm trận thứ 2, các anh đòi bà mở két sắt thì bà bảo: "Trong két sắt không còn gì. Mẹ cất ở chỗ khác rồi". Lần thì mẹ bảo: "Vàng ở trong góc tường", "Hình như mẹ để ở bên dưới viên gạch chỗ chân giường"... khiến các anh tôi đi tìm bở hơi tai mà không thấy. Các anh đều chê trách mẹ bị lẫn, ép bà nhớ xem vàng cất ở đâu nhưng mẹ tôi chỉ trỏ khắp nơi. Đến tận lúc mẹ tôi qua đời, các anh vẫn không tìm thấy vàng của bà.

Tôi biết, mẹ chẳng có vàng nhưng lời nói dối đó giúp bà có 10 năm tuổi già được an yên, các con phụng dưỡng chu đáo.

Chỉ là sau đám tang của bà, toàn bộ gia đình xáo trộn. Anh cả liên tục cho họp gia đình để truy hỏi về vàng của mẹ. Các anh đều cho rằng tôi đã thủ thỉ với mẹ để bà cho trước nên giờ các anh không tìm thấy. Anh hai thì nghi ngờ anh cả - người sống chung với mẹ, đã cầm nhưng giả vờ không tìm thấy vì không muốn chia cho các em... Tất cả mọi người đều đổ dồn nghi ngờ nhau khiến gia đình lục đục, muốn từ mặt nhau.

Giờ tôi không biết phải giải thích với các anh thế nào? Tôi nói mẹ không có vàng thì anh cả không tin, anh bảo chính mắt chị dâu đã nhìn thấy bà mở két. Tôi nói vàng giả đó, mẹ giả vờ làm vậy để các anh chị tưởng bà có vàng thật, số vàng giả đó bị gỉ nên bà vứt bỏ lâu rồi. Chị dâu khăng khăng không thể là giả vì "nhìn nó vàng đậm thế không thể nào là giả, cô út cứ làm như chị không biết thế nào hàng giả hàng thật".

Vậy là cuộc chiến tranh giành tài sản không hề có thật của đại gia đình tôi vẫn tiếp tục, chưa có hồi kết! Không biết mẹ tôi có lường trước điều này hay không?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại